Hai tấn vải thiều tươi đầu tiên của Việt Nam lên kệ siêu thị tại Pháp
Được nhập khẩu bởi công ty ACEM, những trái vải rám hồng, thơm lựng, khi bóc ra thấy cùi dày mọng nước, đưa vào miệng cảm nhận được vị ngọt dịu thấm đến từng chân răng, khiến thực khách không thể quên được. Nhiều khách mua hàng bày tỏ niềm vui khi nhìn thấy những trái vải Việt Nam được bán tại đây.
Chị Tâm Fabre, một Việt kiều Pháp, đã rất ấn tượng khi đón nhận những trái vải đầu mùa năm nay. Chị cho biết ngay khi nghe tin vải được nhập về cửa hàng, chị đã đến để ăn thử và rất hài lòng về chất lượng của quả vải.
Ông Philippe Moine, một khách hàng Pháp, không giấu niềm tự hào khi khoe đã biết đến quả vải Việt Nam từ 20 năm nay và luôn yêu thích chúng. Bưng hộp vải trên tay, ông tỏ ra rất hài lòng vì "loại quả này có mùi thơm quyến rũ, cùi dày, mọng nước và vị ngọt mát, mang lại một cảm giác rất tuyệt vời khi ăn".
Ông Philippe Moine, một khách hàng Pháp, bưng hộp vải trên tay đã tỏ ra yêu thích loại quả tuyệt vời này của Việt Nam. Ảnh: Chợ Việt - Pháp |
Để hàng hóa nông sản Việt Nam thâm nhập và trụ vững tại một thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU), ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp, nhờ sự phối hợp của Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương cho biết: "Hiện nay lượng doanh nghiệp đủ điều kiện và năng lực xuất khẩu hoa quả tươi vào Pháp đã được định hình rõ. Như vậy khi đã xác định được vị trí ổn định, các doanh nghiệp cần bước sang giai đoạn tiếp theo là cải tiến quy trình nuôi trồng và công nghệ thu hoạch, bảo quản, để đảm bảo lưu giữ được tốt nhất chất lượng các loại quả tươi. Khi thị trường đã thiết lập được một mặt bằng tương đối đồng đều về nguồn cung, việc đảm bảo chất lượng tốt sẽ là yếu tố quan trọng để tạo ra sự khác biệt.
Và quan trọng hơn cả vẫn là đẩy mạnh các chương trình giới thiệu và quảng bá sản phẩm, giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận ngày càng nhiều hơn tới người tiêu dùng bản địa, để từ đó thâm nhập ngày càng sâu hơn vào thị trường các nước. Và chính trong các hoạt động này, vai trò của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài được thể hiện như một nhân tố then chốt".
Cùng với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nước Pháp nói riêng và châu Âu nói chung đang là những thị trường đầy tiềm năng cho rau quả Việt Nam. Hy vọng sắp tới sẽ không chỉ vải thiều, nhãn lồng, hay thanh long, mà cả những trái cây khác của Việt Nam sẽ có thể đến với khách hàng khu vực này.
Ngày 28/5, ông Nguyễn Quang Hiếu, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết ngày 30/5, 2 chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản sẽ có mặt tại Việt Nam để giám sát các lô vải thiều xuất khẩu.
Chuyên gia của MAFF sẽ có mặt tại cơ sở đóng gói vải thiều xuất khẩu tại Bắc Giang và Hải Dương. Toàn bộ chi phí đi lại, ăn nghỉ, thù lao trong thời gian làm việc tại Việt Nam sẽ do các doanh nghiệp chi trả theo quy định của phía Nhật Bản.
Cũng theo yêu cầu của MAFF, vải thiều Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32 g/m³ trong 2 giờ, đảm bảo loại bỏ toàn bộ vi sinh vật, hóa chất (nếu có) tồn dư.
Trong thời gian xử lý, các chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản và Việt Nam sẽ giám sát và đóng dấu chứng nhận cho từng lô hàng.
Ghi nhận từ phía các doanh nghiệp, do các vùng vải ở Bắc Giang, Hải Dương đều mất mùa nên năm nay giá vải tăng so với năm 2023, nhưng vẫn có nhiều đơn hàng từ Nhật, EU, Mỹ...
Theo khảo sát, giá vải xuất khẩu vải các doanh nghiệp Việt Nam đã ký khoảng 8 USD/kg đối với thị trường Nhật Bản, 15 USD/kg đối với Mỹ, 10 USD/kg đối với Pháp, 6 - 6,5 USD/kg đối với Úc. Để giám sát chất lượng ở các vùng trồng vải xuất khẩu, trong tháng 5, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang đã lấy ngẫu nhiên 17 mẫu vải tươi gửi xét nghiệm, kết quả đều bảo đảm chất lượng xuất khẩu. Trong tháng 6, đơn vị này tiếp tục lấy 50 mẫu để kiểm định chất lượng. |