Hai anh em Việt mở tiệm bánh mì: "Khởi nghiệp chồng chất khó khăn và thành quả hơn 200 ổ bánh mì/ngày"
Bắt tay vào khởi nghiệp tại nước ngoài, hai anh em Duy – Tâm đã gặp không ít khó khăn về việc xin cấp giấy phép mở tiệm. May mắn cho hai anh em khi một vị giáo sư người Nhật – người thầy tại trường Đại học của cả hai đã giúp Duy và Tâm bảo lãnh để có thể thực hiện được ước mơ.
Ở một đất nước hiện đại và luôn chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm như Nhật Bản, việc kiểm duyệt chất lượng sản phẩm cũng khiến hai anh em "đau đầu" và hồi hộp.
Trước ngày mở tiệm 2 ngày, đoàn kiểm tra đã đến sát hạch rất nghiêm ngặt bánh mì do hai anh em làm. Một câu nói "OK" của đoàn đã khiến hai anh em thở phào nhẹ nhõm và chính thức bước đầu trở thành những ông chủ nhỏ trên đất Nhật.
Được xuất hiện trên thị trường, chiếc bánh mì Việt cũng đã phải vượt qua muôn vàn thử thách
Để tìm được một xưởng chế biến tại Nhật chấp nhận làm bánh mì theo kiểu truyền thống của Việt Nam thì hầu như không có. Thanh Duy đã điện thoại cho hơn 50 xưởng để đặt hàng nhưng chẳng đơn vị nào nhận vì không có mẫu khuôn theo phong cách Việt.
Nhưng cơ hội lại đến một cách đầy gấp gáp khi 2 tuần trước ngày khai trương, một xưởng bánh mì của người Nhật đã nhận lời giúp Duy và Tâm sản xuất sản phẩm này.
Thanh Tâm chia sẻ: "Trước khi sang Nhật, đến chiên cái trứng mình cũng không biết. Nhưng rồi đến khi mở tiệm, mình đã làm thử bánh mì rất nhiều lần và mang cho bạn bè, thầy cô nếm thử và nhận được phản hồi rất tốt".
Quyết định làm bánh mì theo chuẩn hương vị Hội An, hai anh em đã điện thoại về Việt Nam rất nhiều lần để hỏi xin công thức chuẩn rồi tự chế tạo ra một "bí quyết" mới của riêng mình.
Sau 4 tháng, chiếc bánh mì Việt đã dần khẳng định được tên tuổi tại Tokyo
Cho đến thời điểm hiện tại, sau 4 tháng khởi nghiệp, tiệm bánh mì Xin chào đã có lượng tiêu thụ bánh mì đầy ngoạn mục với hơn 200 chiếc/ngày.
Đó là động lực lớn khiến hai anh em nới rộng ước mơ mở chuỗi bánh mì "Xin chào" trên toàn nước Nhật. Tâm chia sẻ, phải luôn giữ bình tình, cái đầu lạnh và giữ nhiệt huyết với 200% sức lực.
Câu chuyện của những người trẻ khởi nghiệp trên đất Nhật này chính là nguồn cảm hứng lớn để những du học sinh Việt không ngần ngại suy nghĩ và dự định trên con đường sắp tới của bản thân.
Thùy Trang