Hà Tĩnh: Cầu Thọ Tường hơn 200 tỷ đồng dùng đất san lấp trái quy định
Cầu Thọ Tường bắc qua Sông La, nối huyện Đức Thọ với tỉnh Nghệ An, có tổng chiều dài toàn tuyến gần 4 km. Trong đó, chiều dài cầu trên 300 m, rộng 9m; đường kết nối 2 đầu cầu dài gần 3,7 km. Quy mô đường đầu cầu kết nối với cầu Yên Xuân (Nghệ An). Tổng kinh phí đầu tư 215 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Cầu Thọ Tường được khởi công xây dựng từ ngày 21/6/2019. Theo kế hoạch ban đầu, cầu sẽ hoàn thành vào tháng 12/2020.
Cầu Thọ Tường bắc qua Sông La có mức đầu tư 215 tỷ đồng (ảnh tư liệu) |
Hiện nay, các đơn đang nỗ lực thi công các hạng mục, phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch ban đầu để chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Đức Thọ và Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Công trình do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.
Công trình được thực hiện bởi liên danh Công ty CP XD và đầu tư 492 - Công ty CP ĐT và xây dựng công trình 468 - Công ty CP tư vấn và xây dựng Biển Đông - Công ty CP XD và TM miền Bắc – Công ty CP tư vấn thiết kế xây dựng và thương mại Thiên Thanh. Đơn vị giám sát là Công ty Cp tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long.
Văn bản triển khai Dự án xây dựng cầu Thọ Tường của UBND tỉnh Hà Tĩnh (ảnh tư liệu) |
Những ngày gần đây, phóng viên nhận được phản ánh của người dân tại địa bàn về nguồn gốc khối lượng đất đắp của công trình có nhiều nghi vấn, lo lắng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. “Mục sở thị” vào hai buổi tối 21/3 và 23/3/2020, phóng viên chứng kiến hàng loạt các xe tải trọng đang “ăn đất" tại một mảnh vườn đồi lớn của hộ ông Quang thuộc xóm 3, xã Nam Kim, Nam Đàn Nghệ An. Thời gian “ăn đất" bắt đầu từ khoảng 19 giờ.
Xe ăn đất nghênh ngang trên Quốc lộ 15 |
Tại thời điểm nói trên, theo ghi nhận của PV, có hàng loạt lượt xe chở đất tại điểm được che đậy sơ sài chạy nghênh ngang trên quốc lộ 15 rồi thẳng tiến về chân công trình thuộc phần thi công của Công ty CP ĐT và xây dựng công trình 468 (trụ sở tại Thị xã Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh).
Trao đổi với PV, ông Mai Ngọc Anh – kỹ thuật Ban QLDA cho biết : theo quy định ban đầu, toàn bộ đất của công trình được thiết kế lấy tại mỏ đất thuộc xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, với cự ly vận chuyển được tính là 18 km. Hiện nay, lượng đất phục vụ cho công trình mới chỉ được khoảng 1/3 tổng lượng đất cần.
Đất không rõ nguồn gốc được tiếp nhận tại công trình |
Tuy nhiên, sau một thời gian khai thác, hiện nay trữ lượng đất trong mỏ đã gần hết, đồng thời đất có lẫn nhiều đá, nên khi đắp phải san gạt đá ra nên ảnh hưởng đến công suất thi công. Chúng tôi đã có phương án thay đổi mỏ đất sang mỏ đất rú Thành hoặc mỏ Eo Gió của tỉnh Nghệ An.
"Việc phóng viên có thông tin trong 2 đêm 21 và 23.3.2020, đơn vị thi công có lấy đất nơi khác thực sự chúng tôi không biết. Ngay sáng hôm nay, tôi đã lên kiểm tra đất, ban đầu thấy đất đạt tiêu chuẩn còn về nguồn gốc đất tôi sẽ tìm hiểu thêm. Nhưng nếu có tình trạng lấy “trộm” đất bán cho công trình thì cũng mong báo chí làm việc với chính quyền địa phương. Bởi nếu họ không cho khai thác “trộm” thì sẽ không có đất “trộm” bán cho công trình", ông Mai Ngọc Anh khẳng định.
Phần đất không rõ nguồn gốc thược phần thi công của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 468 |
Trao đổi với PV, anh Q – kỹ thuật Công ty công CO Đầu tư và Xây dựng 486 - cũng thừa nhận nhận: Trong 2 đêm nói trên chúng tôi có nhập đất qua 1 người cung ứng tên Song. Đêm trước có nhập 17 chuyến còn đêm sau nhập nhiều hơn. Tổng cả hai đêm nhập khoảng 600 khối đất. Chúng tôi nhận tại chân công trình còn họ lấy ở đâu thì chúng tôi không biết.
Khi được hỏi, lượng đất lấy không có nguồn gốc trong thời gian trên sẽ được xử lý như thế nào, đại diện chủ đầu tư chia sẻ: Trước mắt thấy chất lượng đất đạt tiêu chuẩn, còn có đạt K95 hay không thì cần phải lấy mẫu thử nghiệm, nếu đạt thì cho nghiệm thu. Đồng thời chấn chỉnh ngay nếu đơn vị lấy đất không có nguồn gốc như phóng viên trao đổi.
Cầu Thọ Tường khi hoàn thành sẽ kịp thời cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ cho nhân dân các xã ngoài đê Sông La (Đức Thọ), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và nâng cao đời sống cho người dân trong vùng dự án.
Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng của địa phương. Tuy nhiên, nhiều người dân bày tỏ lo ngại việc quản lý về nguồn gốc vật liệu để san lấp công trình có phần “lỏng lẻo” sẽ ảnh hưởng tới chất lượng.