Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực trong phân cấp quản lý
-Từ thực trạng quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô, xin ông cho biết đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh phân cấp quản lý và ủy quyền?
-Thành phố Hà Nội thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội giữa cấp Thành phố và cấp huyện (sau đây gọi tắt là phân cấp) bắt từ năm 2006. Từ đó đến nay Hà Nội có 04 Nghị quyết của HĐND Thành phố, 10 Quyết định của UBND thành phố về phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội.
Thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, một trong ba khâu đột phá chiến lược là: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế”, trong đó có nhiệm vụ: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả”. Với quy mô dân số đông, diện tích lớn, nhiều đơn vị hành chính, Thành phố đặc biệt coi trọng thực hiện phân cấp, phân quyền. Từ thực tiễn đó, đặt ra yêu cầu cần rà soát, điều chỉnh phân cấp.
Công tác phân cấp quản lý của Hà Nội thời gian qua được đánh giá rất tích cực |
Nội dung này được thể hiện rõ nhất ở việc trong năm 2022, Thành ủy, HĐND Thành phố, UBND Thành phố đã chỉ đạo thực hiện rà soát tổng thể và xây dựng Đề án phân cấp, ủy quyền trên địa bàn thành phố. Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành một số Nghị quyết, và UBND Thành phố đã ban hành các Quyết định số: 49/2022/QĐ-UBND ngày 30/12/2022 về việc ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố; 4610/QĐ-UBND, ngày 22/11/2022 về phương án ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố Hà Nội.
-Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo có nhiều ý kiến cho rằng việc tiếp cận vấn đề phân cấp và ủy quyền phải đổi mới và đột phá, vậy theo ông cần phải quan niệm đổi mới và đột phá trong công việc này như thế nào để đảm bảo việc phân cấp sẽ thực chất và đem lại hiệu quả?
-Thành ủy đã chỉ đạo trong xây dựng Đề án phân cấp, ủy quyền của thành phố Hà Nội rất cụ thể là: Việc xây dựng phân cấp, ủy quyền theo đề xuất từ dưới lên, nhưng đồng thời cần phải làm từ trên xuống; Phân cấp, ủy quyền triệt để cho cấp huyện, cấp xã (đối với những nhiệm vụ được phép theo quy định của pháp luật) theo tinh thần giảm đầu mối, tầng nấc, việc nào, cấp nào nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện, phù hợp với trình độ, khả năng quản lý; Trọng tâm là phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính của cấp Thành phố (đặc biệt là ở các sở, ngành) cho cấp huyện, cấp xã; Tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã có nguồn lực tốt, có năng lực tổ chức triển khai; Việc xây dựng Đề án phân cấp, ủy quyền trên tinh thần quyết liệt, xây dựng cần phải đảm bảo cả 2 yếu tố: vừa tăng phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện, các cơ quan chuyên môn của Thành phố; vừa phải đảm bảo tính ổn định nhất định của hệ thống, việc vận hành hệ thống sau phân cấp phải thông suốt, không gián đoạn.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội Lê Văn Quân |
Các nguyên tắc được xác định như sau: Đúng quy định tại Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Thủ đô và các luật chuyên ngành; Phân cấp phải đảm bảo tính đồng bộ, tính hệ thống, tính liên tục, không trùng, không sót, không chồng chéo trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý nhà nước; Đảm bảo yếu tố khoa học, kỹ thuật chuyên ngành trong phân cấp (ví dụ, lĩnh vực chiếu sáng, lĩnh vực thoát nước cần đảm bảo tính hệ thống,…). Trách nhiệm, quyền hạn của cấp chính quyền nào thì cấp đó phải làm; Việc phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác; Đẩy mạnh phân cấp theo phương châm: giảm đầu mối, tầng nấc, việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện; Quy định phân cấp cần đảm bảo yêu cầu quản lý đô thị lớn, yêu cầu phát triển nông thôn và xu thế vận động của xã hội; Thành phố xây dựng mục tiêu, nguyên tắc, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, quy trình, quy chế tổ chức triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát thông qua hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, nguyên tắc và hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung.
Cùng với đó là việc đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng, gắn quyền hạn với trách nhiệm giải quyết công việc và cải cách hành chính trong các lĩnh vực được phân cấp; từng bước phân cấp đồng bộ giữa đầu tư và quản lý sau đầu tư; Tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã có năng lực tổ chức triển khai, có nguồn lực tốt; Tạo điều kiện tối đa cho cấp huyện phát huy tính sáng tạo, linh hoạt, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp.
-Việc hình thành ý thức rồi triển khai trong thực tế công việc này tại Hà Nội có gặp phải những khó khăn, vướng mắc hay lực cản nào không, thưa ông?
-Hà Nội hiện đang thực hiện phân cấp quản lý nhà nước 16 ngành, lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội (quản lý đường bộ; quản lý chiếu sáng công cộng; quản lý công viên, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ; quản lý thoát nước đô thị và xử lý nước thải; quản lý vệ sinh môi trường; quản lý bến xe ô tô, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm đón, trả khách, vận tải hành khách tuyến cố định và vận tải hành khách công cộng; quản lý cấp nước sạch; quản lý thủy lợi; quản lý đê điều; quản lý rừng; quản lý thông tin truyền thông; quản lý giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; quản lý văn hóa - thể thao, du lịch; quản lý y tế; quản lý các hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng; quản lý chợ).
Hà Nội cũng phân cấp, ủy quyền 708 thủ tục hành chính trong tổng số 1.910 thủ tục hành chính của Thành phố.
Đến nay, việc thực hiện phân cấp ủy quyền của Thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực như về tổ chức, bộ máy, biên chế: Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đều được kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí nhân lực phù hợp để đảm bảo các nhiệm vụ thực hiện theo phân cấp, ủy quyền.
Về nguồn lực: HĐND Thành phố đã ban hành các Nghị quyết phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, định mức phân bổ ngân sách của thành phố Hà Nội, đảm bảo phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi phù hợp với phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội.
Các quận, huyện, thị xã được tự chủ, tự thực hiện các thủ tục hành chính, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp (như tự cân đối ngân sách, tự thực hiện thủ tục đầu tư các dự án đối với các lĩnh vực theo phân cấp; được cấp phép theo thủ tục hành chính, kiểm tra, giám sát….). Việc phân cấp, ủy quyền nhìn chung mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.
Tuy nhiên việc thực hiện phân cấp, ủy quyền của Thành phố cũng gặp một số khó khăn như Thành phố Hà Nội đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nên nhu cầu đầu tư rất lớn. Nguồn lực cấp Thành phố hay cấp huyện hiện đều chưa đáp ứng toàn bộ nhu cầu đầu tư để phát triển. Trong mỗi thời điểm, mỗi cấp, mỗi địa phương đều phải lựa chọn dành nguồn lực cho các nhiệm vụ ưu tiên. Do vậy, một số ngành, lĩnh vực ở vào những bối cảnh khác nhau vẫn chưa được đảm bảo nguồn lực để phát triển như mong muốn.
Quyết định phân cấp tại một số lĩnh vực là những quyết định khó khi vừa phải đảm bảo tăng cường phân cấp cho cấp huyện, vừa phải đảm bảo yếu tố đồng bộ kỹ thuật để ứng dụng công nghệ, hướng tới Thành phố thông minh, hoặc các lĩnh vực có tính hệ thống.
-Ông kỳ vọng gì vào công tác quản lý nhà nước nói chung ở Hà Nội sau khi phân cấp được đẩy mạnh ở các cấp chính quyền
Tôi hy vọng việc thực hiện phân cấp, ủy quyền của Thành phố sẽ góp phần phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp trong bộ máy chính quyền địa phương; Đảm bảo vai trò chủ đạo, sự quản lý thống nhất của chính quyền Thành phố; tăng cường quyền hạn, trách nhiệm và tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành; Bảo đảm việc giải quyết công việc, giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, hiệu quả, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Cuối cùng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố, nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn, phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
-Trân trọng cảm ơn ông!