Hà Nội cùng Bộ TN&MT quyết thu hồi dự án "treo"
Phía Hà Nội cho biết, đã nhiều lần mời lãnh đạo các tổng công ty được cấp đất ở khu vực quận Cầu Giấy nhưng bỏ hoang lên gặp gỡ, đối thoại, song tới nay dù quá hạn cam kết vẫn không thấy dự án có tiến triển. Do đó, lãnh đạo TP.Hà Nội kiến nghị Bộ TN&MT hỗ trợ thành phố xử lý, thu hồi các khu đất này để tránh lãnh phí.
Về kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội kiểm tra, thanh tra các dự án được giao đất mà không sử dụng. "Trường hợp vi phạm, quá hạn thì dứt khoát phải trả lại, phải thu hồi để tạo nguồn lực cho thành phố", Bộ trưởng Hà kiên quyết.
Nhiều tổng công ty "ôm" đất dự án nhưng không triển khai gây lãng phí và làm mất mỹ quan đô thị. Ảnh: TPO
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Thông báo số 895, về việc rà soát 23 doanh nghiệp trong danh sách được giao đất xây dựng trụ sở tại khu đô thị mới Cầu Giấy. Trong tháng 8/2017, Sở KH&ĐT Hà Nội đã làm việc với các đơn vị được quy hoạch giao đất xây dựng trụ sở. Đến hạn cuối, mới có 21/23 đơn vị được giao đất có báo cáo năng lực tài chính, kế hoạch triển khai dự án trên đất được giao.
Kết quả rà soát cho thấy, hiện mới có 1 lô đất đã thực hiện xây dựng trụ sở đúng quy hoạch được duyệt là trụ sở Tổng cục Hải Quan (lô 21 - E3). Có hai đơn vị đang thi công công trình là Tổng Cty Xi măng Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam.
Có 9 đơn vị cam kết đầy đủ các yêu cầu của thành phố và vẫn còn nhu cầu triển khai dự án trong giai đoạn 2018 – 2022, gồm: Cty CP Hanel, Cty CP Đầu tư xây dựng Hưng Hải Thăng Long, Tổng Cty Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi), Cty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng Cty Bưu chính Việt Nam, Tổng Cty xây dựng Trường Sơn, Agribank… Hai đơn vị cam kết thực hiện, nhưng không ghi cụ thể thời gian là Cty CP Đầu tư Hàng không Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
8 đơn vị đề nghị tiếp tục thực hiện dự án, nhưng thiếu cam kết, hoặc không có báo cáo tài chính; Hai đơn vị khác không thực hiện báo cáo.
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, quyết tâm này của lãnh đạo Hà Nội rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng khi thực hiện rà soát, thu hồi Hà Nội phải đánh giá thận trọng, xác định rõ nguyên nhân, phân loại từng trường hợp để có hướng xử lý thích hợp.
"Mỗi dự án có một hoàn cảnh, nhưng giả sử bây giờ Thành phố thu hồi dự án ở trung tâm Thủ đô nói trên, vậy sau thu hồi sẽ làm gì? Chẳng lẽ để không, đắp chiếu hay thành sân vận động? Đặc biệt, khi thu hồi dự án, Hà Nội phải tính đến phương án trả lại tiền vốn cho chủ đầu tư. Chi phí ấy ai trả? Lấy tiền ở đâu?...", TS. Liêm nêu vấn đề.
Rõ ràng, việc xử lý các dự án bị bỏ hoang là rất cần thiết, song quyết tâm này có thực hiện được hay không, cần sự tính toán rất kỹ của các lãnh đạo Thành phố cũng như sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành.
Ngân Linh (tổng hợp)