“Góc Việt Nam” tại Nam Sudan
Không gian đậm dấu ấn Việt Nam
Phòng đón khách quốc tế tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC 2.4) Nam Sudan mang đậm dấu ấn Việt Nam với điểm nhấn là hình ảnh các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các nét văn hóa đặc trưng và những hình ảnh gần gũi với người dân Việt Nam.
Các thành viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 cùng họa sĩ người Ghana trang trí phòng tiếp khách quốc tế (Ảnh: Hồng Đăng). |
Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, Phó giám đốc quân sự BVDC 2.4 cho biết: Với sự giúp đỡ của anh Emmanuel Anaman đến từ đơn vị Ghana FPU - một đơn vị kết nghĩa thân thiết của BVDC2.4, những bức tranh phong cảnh quê hương Việt Nam dưới dạng bích họa được tái hiện sống động ngay trên vách tường của phòng tiếp khách quốc tế. Nổi bật là bức vẽ Hồ Gươm với Tháp Rùa, cầu Thê Húc in bóng trên mặt hồ nước xanh trong. Cùng với đó là những hình trang trí thủ công hoa sen, hoa đào, hoa mai, bánh chưng xanh… tạo nên một không gian trưng bày ấm cúng, đẹp mắt, vừa giúp các thành viên của BVDC 2.4 vơi nỗi nhớ quê nhà, vừa là góc văn hóa giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp, hiếu khách, giàu bản sắc văn hóa, yêu chuộng hòa bình tới bạn bè quốc tế.
Trước khi về nước, trong suốt nhiệm kỳ công tác tại Nam Sudan, các y bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 (BVDC 2.3) với sự khéo léo, sáng tạo của mình cũng đã tạo ra không gian đậm dấu ấn Việt Nam tại vùng đất châu Phi ngập tràn nắng, gió.
"Công trình" đầu tiên và cũng là nơi gây ấn tượng nhất, đậm đà bản sắc Việt, tạo nên đặc điểm nhận dạng của BVDC2.3 chính là Cổng hoa sen – loài hoa mang nhiều biểu tượng văn hóa, cốt cách của con người Việt Nam. Những bông hoa rực rỡ sắc hồng trên nền lá xanh mướt cùng chú chuồn chuồn gây ấn tượng thích thú không chỉ đối với các cá nhân, đơn vị đến thăm, khám tại đơn vị mà còn những người dân địa phương đi ngang qua bệnh viện.
Ngay lối đi chính vào bệnh viện, từ những hòn sỏi vô tri nhặt từ thủ đô Juba của Nam Sudan về, những người lính đã thổi hồn vào làm thành hình ảnh bản đồ Việt Nam nổi bật với thủ đô Hà Nội hình ngôi sao vàng và thành phố Hồ Chí Minh hoa lệ cùng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bác sĩ Tống Vân Anh – Bí thư Chi đoàn BVDC 2.3 từng chia sẻ trên báo chí về bức tranh: “Chúng tôi muốn gửi gắm qua bức tranh làm bằng sỏi này là tình yêu quê hương đất nước, nỗi nhớ nhà của các cán bộ chiến sĩ bệnh viện, đồng thời muốn giới thiệu hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Bức tranh sỏi này được đặt ngay sảnh tiếp đón của bệnh viện, mỗi khi nhìn thấy hình dáng đất nước, mỗi chiến sĩ đều cảm thấy tự hào mình là người con đất Việt, sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc giao cho”.
Tương tự, phòng ăn VIP – nơi tiếp đón những vị khách quý của BVDC 2.3 cũng được trang trí bằng bản đồ Việt Nam, đầm sen vẽ từ màu nước cùng hình ảnh cây tre hay đặc trưng các vùng miền, chậu cây hình con thú, mặt người được làm từ vỏ chai nước giặt…
Sứ giả văn hóa Việt
Tình yêu, nỗi nhớ quê hương và niềm tự hào, mong muốn giới thiệu văn hóa Việt Nam được các y bác sĩ bệnh viện dã chiến Việt Nam tại Nam Sudan gửi gắm vào từng chi tiết, sản phẩm tại “Góc Việt Nam”. Điều này giúp những người lính "mũ nồi xanh" Việt Nam ghi dấu trong lòng bạn bè quốc tế không chỉ về tinh thần trách nhiệm, chuyên nghiệp trong chuyên môn, tính hiếu khách, sự khéo léo trong đối ngoại mà còn là tính sáng tạo, khắc phục khó khăn trong môi trường dã chiến để tạo nên những nét riêng rất Việt Nam tại địa bàn châu Phi xa xôi này.
Trong một lần trao đổi với báo chí về hoạt động của những người lính mũ nồi xanh Việt Nam khi tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng – Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam khẳng định, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã được thể hiện rõ nét ở các quốc gia châu Phi, đặc biệt ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi. Đây cũng là cơ hội để Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam trên cương vị là một thành viên của Liên hợp quốc có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
“Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ một lần nữa sống lại trong lòng người dân Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi trong môi trường đa phương của nhiều sĩ quan đến từ nhiều quốc gia. Mỗi cán bộ, sĩ quan quân đội Việt Nam là một sứ giả của nền văn hóa Việt Nam tại các nước đó”, ông Hoàng Kim Phụng nói.