Gỡ vướng cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào
Diễn đàn thu hút sự tham gia của nhiều đại diện doanh nghiệp Việt Nam tại Lào (Ảnh: Tuấn Quỳnh). |
Tham dự sự kiện có ông Khamchen Vongphosy - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào - Việt Nam; ông Nguyễn Bá Hùng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Trần Quốc Phương; đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào cùng các cơ quan liên quan của hai nước.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam đã thông tin về tình hình đầu tư kinh doanh tại Lào trong thời gian qua. Đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực dịch vụ, khoáng sản, năng lượng… để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào và thu hút các nhà đầu tư mới của Việt Nam đến với Lào.
Ông Dương Đình Bảng - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào (AVILA) cho biết: Chính phủ Lào đã và đang tích cực sửa đổi hệ thống pháp luật hiện hành, nhằm cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài; nhiều hiệp định, thỏa thuận giữa hai nước được ký kết đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.
Ông Dương Đình Bảng - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào (Ảnh: Tuấn Quỳnh). |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của nhiều doanh nghiệp Việt Nam tại Lào còn một số khó khăn vướng mắc. Cơ chế chính sách của Lào còn thiếu đồng bộ, thủ tục hành chính công chưa có sự thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và giữa các địa phương với nhau. Chính phủ Lào chưa có chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư cơ sở hạ tầng tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn,vùng biên giới; chưa có cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao; các thủ tục xuất nhập khẩu còn mất thời gian và tốn kém chi phí. Lào quy định tỷ lệ hạn chế lao động nước ngoài, trong khi lao động tại Lào chưa đáp ứng cả về số và chất lượng. Các loại phí (phí visa, thẻ lao động...) đã được Chính phủ quan tâm hỗ trợ, nhưng còn cao so với mức lương của người lao động, nhất là với lao động phổ thông.
Để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào và thu hút các nhà đầu tư mới của Việt Nam đến với Lào, tại Diễn đàn, đại diện Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị cụ thể như: Cải cách cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho người, phương tiện và hàng hóa qua lại các cửa khẩu biên giới giữa hai nước cho đơn giản, hợp lý và nhanh chóng; đẩy nhanh việc kết nối giao thông giữa hai nước với khu vực; cải tiến cơ cấu chính sách trong hợp tác vận chuyển hàng hóa, đầu tư hạ tầng kết nối qua các cửa khẩu hai nước; cải cách và đổi mới chính sách phù hợp để đẩy mạnh hợp tác về lao động nhằm đáp ứng nhu cầu về lao động cho các dự án cả về số và chất lượng; có cơ chế hỗ trợ các dự án tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: Tuấn Quỳnh). |
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cho biết, sự kiện diễn ra với mục đích nắm tình hình và kết quả hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào. Qua đó tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác và đầu tư giữa hai nước, đồng thời tạo điều kiện để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nước sở tại, cũng như vun đắp cho quan hệ giữa hai nước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào - ông Khamchen Vongphosy đánh giá cao đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh tại Lào. Sự đóng góp này không chỉ góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Lào mà còn giúp tiếp tục xây dựng và vun đắp những truyền thống tốt đẹp của hai nước. Theo ông Khamchen Vongphosy, các nội dung của diễn đàn sẽ được trình lên Chính phủ Lào trong thời gian tới nhằm giải quyết các vấn đề liên quan chính sách và quy định pháp lý.
Theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư VN đến hết tháng 10/2022, Việt Nam có 214 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn FDI đăng ký đạt 5,23 tỷ USD phủ kín 17/18 tỉnh, thành phố của Lào. Hết quý III/2022 có 4 dự án cấp mới và 3 dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn đăng ký là 65,42 triệu USD. Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào và hiện Lào là nước có số doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài lớn nhất; Tổng vốn giải ngân lũy kế khoảng trên 2,4 tỷ USD. Các dự án tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ là thế mạnh của Lào, đang được chính phủ Lào kêu gọi đầu tư. |
Gỡ khó cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam Ngày 30/11, tại TPHCM đã diễn ra “Hội nghị bàn tròn Nhật Bản tại TPHCM”. Đây là hoạt động thường niên do UBND TPHCM chủ trì phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản nhằm đối thoại, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. |
VUFO và Đại sứ quán Azerbaijan gặp gỡ nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao hai nước Ngày 1/12, tại Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) Nguyễn Phương Nga đã tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam Shovgi Mehdizade nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Azerbaijan (1992 – 2022). |