Giáo sư Klaus Schwab: WEF là xúc tác, động lực để biến Việt Nam trở thành thế lực mới trong cuộc cách mạng 4.0
Ngày hôm nay, 11/9, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) đã khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp 4.0”, trọng tâm hướng tới là doanh nghiệp và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
WEF Asean 2018 là sự kiện quốc tế quan trọng, có sức thu hút mạnh mẽ và đã nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp, đại biểu, nhà khoa học và đặc biệt là lãnh đạo cấp cao các nước trên khắp thế giới.
Sáng 11/9, buổi họp báo ra mắt cuốn sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” phiên bản tiếng Việt đã diễn ra với hai diễn giả là Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập, Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Tổ chức WEF ASEAN 2018 Bùi Thanh Sơn.
Bày tỏ vui mừng được quay trở lại Việt Nam lần này, 20 năm qua, WEF đã có mối quan hệ rất tốt đẹp với Việt Nam. Giáo sư nhìn thấy Việt Nam có một tiềm năng tuyệt vời, cơ hội phát triển kinh tế tốt đẹp.
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn và GS Klaus Schwab, Người sáng lập và Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Giáo sư cho biết, mục tiêu xuất bản cuốn sách này với phiên bản tiếng Việt đúng vào dịp Hội nghị WEF ASEAN 2018 nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng đối với tầm quan trọng của CMCN 4.0, giúp hiểu rõ hơn về cuộc cách mạng này, đồng thời đảm bảo chúng ta sẽ đưa ra được những chính sách, tạo ra được tinh thần doanh nhân để nắm bắt được cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại, không coi đây là một đe dọa mà là một cơ hội không chỉ cho Việt Nam mà toàn bộ khu vực để trở thành một khu vực có tính cạnh tranh cao nhất trong tương lai.
Cuốn sách đã được dịch sang 29 ngôn ngữ, xuất bản tại nhiều quốc gia với số lượng phát hành trên 1 triệu cuốn. Dành cuốn sách này cho người dân Việt Nam, Giáo sư bày tỏ hy vọng đây sẽ là chất xúc tác, động lực để biến Việt Nam trở thành một thế lực mới trong cuộc CMCN 4.0.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, người trực tiếp chỉ đạo công tác dịch sang tiếng Việt của cuốn sách này đã gửi lời cảm ơn tới Giáo sư Klaus Schwab. Thứ trưởng nhấn mạnh, Giáo sư đã mô tả cách công nghệ thay đổi cách thức con người sinh sống làm việc và tương tác với nhau cũng như những thay đổi về quy mô. Cuốn sách chia sẻ với chúng về đại xu thế trước mắt chúng ta, những tư duy thay đổi đang diễn ra. Theo Thứ trưởng, cuốn sách rất có ý nghĩa với Việt Nam, giúp Việt Nam nắm bắt được cơ hội để đẩy nhanh hiện đại hóa công nghiệp hóa đất nước.
Cũng trong khuôn khổ WEF đã diễn ra buổi thảo luận với chủ đề “ASEAN thời đại 4.0 dành cho tất cả mọi người?”, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia Syed Saddiq Abdul Rahman đã trở thành diễn giả đặc biệt, đóng góp ý kiến và trao đổi với những khán giả quan tâm tới những thay đổi trong công nghệ ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai.
Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia Syed Saddiq Abdul Rahman. Ảnh WEF.
Trả lời câu hỏi “người trẻ Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung cần phải làm gì để thích nghi với sự thay đổi và tiến bộ của công nghệ trên thế giới và làn sóng Cách mạng Công nghiệp 4.0”, ông Syed Saddiq cho biết giới trẻ hiện tại cần tư duy vượt giới hạn.
"Các bạn hãy tư duy, suy nghĩ vượt mọi giới hạn thông thường. Với sự ra đời của Cách mạng Công nghiệp 4.0, với nền kinh tế số, với kỷ nguyên công nghệ trong tương lai, hãy coi chúng là thời cơ của chúng ta. Hãy xác định niềm đam mê của bạn. Hãy học hỏi từ những người có nhiều kinh nghiệm đi trước. Nếu bạn chỉ giữ lối tư duy thông thường, sẽ có hàng nghìn, hàng chục nghìn người khác sẽ luôn ở phía trước bạn vì họ bắt đầu sớm hơn bạn. Nhưng bạn còn trẻ, hãy chấp nhận rủi ro. Hãy sử dụng mọi phương pháp “phi thường” nhất có thể để đạt được mục tiêu của bạn. Tôi tin chúng ta đều có thể tạo nên điều kỳ diệu”, ông Syed Saddiq chia sẻ.
Xuân Hoà