Giao lưu nhân dân góp phần tạo tiền đề cho hợp tác kinh tế Việt - Mỹ
Toàn cảnh Hội thảo. |
Hội thảo do Viện nghiên cứu châu Mỹ tổ chức nhằm mục đích nhìn nhận lại quá trình hợp tác Việt – Mỹ và đánh giá về triển vọng quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong tương lai.
Theo PGS.TS Phạm Thị Thanh Bình – Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng hợp tác kinh tế Việt - Mỹ vẫn gặt hái được nhiều thành tựu và đạt tốc độ phát triển ấn tượng. Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (trong khu vực châu Mỹ) và là đối tác thương mại lớn nhất thứ hai của Việt Nam trên thế giới (sau Covid-19). Việt Nam cũng đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ.
Bà Phạm Thị Thanh Bình cho biết: Hợp tác kinh tế Việt - Mỹ đạt được những ấn tượng tốt đẹp trước và trong đại dịch là nhờ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là nỗ lực phối hợp giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong việc giải quyết kịp thời và hiệu quả mọi vấn đề, trong đó có ưu tiên thương mại (mở cửa thị trường cho nông sản, hàng công nghiệp, hàng hóa và dịch vụ công nghệ thông tin, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy ký kết nhiều dự án, hợp đồng thương mại lớn). Thứ hai, tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế Việt - Mỹ là đặc điểm quan trọng giúp Việt Nam định hình chính sách kinh tế, thương mại với Mỹ theo hướng hài hòa và bền vững, đảm bảo duy trì lợi ích quốc gia trong hợp tác song phương. Đặc biệt theo bà Bình, giao lưu nhân dân giữa hai nước đã giúp nhận thức của Mỹ đối với Việt Nam thân thiện, lạc quan, cởi mở, đồng thời xây dựng lòng tin giữa hai bên, tạo tiền đề cho quan hệ hữu nghị hợp tác.
Theo TS Lê Thị Vân Nga - Viện nghiên cứu Châu Mỹ, các nhà đầu tư từ Mỹ đã quan tâm rót vốn đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế ở Việt Nam. FDI của Mỹ tập trung nhiều nhất vào các lĩnh vực: dịch vụ lưu trú và ăn uống (43%), công nghiệp chế biến và chế tạo (32%), cấp nước và xử lý chất thải (51%), vận tải kho bãi (3,4%). Mặc dù vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam không lớn so với một số quốc gia Châu Á khác. Tuy nhiên, nếu tính cả FDI của các nước thứ ba thì lại không hề nhỏ, bởi các doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam thường thông qua việc đầu tư vào British Virgin Islands, Panama, Singapore.
"Việc nhiều doanh nghiệp Mỹ bắt đầu quan tâm đầu tư vào Việt Nam là một tín hiệu tốt bởi khi các "ông lớn" này hiện diện sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, kéo thêm các nguồn đầu tư", bà Nga nói.
Để thúc đẩy hợp tác Việt - Mỹ trong thời gian tới, PGS.TS Phạm Thị Thanh Bình cho rằng, hai bên cần tập trung phát huy cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng thương mại và đầu tư Việt - Mỹ để kiến tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi, thúc đẩy trao đổi thương mại đầu tư và kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh trong lĩnh vực kinh tế thương mại. Trong đó Việt Nam cần quan tâm đến các vấn đề như công khai, minh bạch, ổn định, thực thi nghiêm chỉnh hệ thống pháp luật; đơn giản hoá thủ tục hành chính...
Các ý kiến cũng cho rằng kinh tế số, công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng sẽ trở thành những lĩnh vực trụ cột hợp tác kinh tế- thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong tương lai.
Nhiều triển vọng mới trong hợp tác du lịch Việt Nam-Lào Việt Nam và Lào hợp tác chặt chẽ trong nhiều diễn đàn du lịch khu vực như ASEAN, Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng... |
Việt Nam - Cuba tăng cường hợp tác khí tượng thủy văn, môi trường và kinh tế tuần hoàn Trong thời gian từ ngày 5-9/9, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) do Thứ trưởng Lê Công Thành dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Cuba để thúc đẩy hợp tác song phương về khí tượng thủy văn, môi trường và kinh tế tuần hoàn. |