Giáo hội Phật giáo Việt Nam đẩy mạnh công tác chăm lo Việt kiều
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, ngay từ khi mới thành lập năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đặc biệt quan tâm tới mối bang giao Phật giáo quốc tế và chăm lo đời sống tâm linh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Năm 1990, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã bổ nhiệm Hòa thượng Thích Thiện Châu trụ trì chùa Trúc Lâm Paris, gửi chuông đồng và tượng Phật từ trong nước sang và cử chư Tăng sang Pháp phục vụ đời sống văn hóa tâm linh cho bà con cộng đồng.
Khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đẩy mạnh công tác chăm lo Việt kiều ở các nước trên thế giới. Giáo hội đã phối hợp công tác với các Bộ, Ban ngành Trung ương trong công tác chăm lo người Việt Nam ở nước ngoài thông qua việc Giáo hội đã ký kết phối hợp công tác hàng năm với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài để công tác chăm lo cho bà con người Việt ở nước ngoài đạt kết quả tốt.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. |
Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, trong hơn 20 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành lập được các Hội Phật tử Việt Nam tại nước ngoài, Trung tâm văn hóa Phật giáo ở các nước là tổ chức trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam như tại các nước châu Á: Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản; tại châu Âu: Pháp, CH Séc, Ba Lan, Ucraina, Hungary, Đức, Nga; tại châu Phi: Mozambique, Angola; châu Mỹ: Hoa Kỳ.
Các Hội Phật tử, Trung tâm văn hóa Phật giáo là trung tâm đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, nơi giao lưu chia sẻ hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau của cộng đồng, giới thiệu quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với người dẫn bản địa. Giáo hội cũng đã mở các lớp dạy tiếng Việt cho các thế hệ thứ 2, thứ 3 của người Việt tại các nước. Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thường xuyên quan tâm công tác Phật sự của các Hội Phật tử, Trung tâm văn hóa Phật giáo của cộng đồng người Việt Nam ở 33 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Hàng năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều tổ chức các chuyến hoằng pháp tại các nước có cộng đồng người Việt Nam. Thông qua các chuyến hoằng pháp này đã hướng bà con về với cội nguồn tổ tiên, quê hương đất nước thông qua các hoạt động Phật sự có ích, các sinh hoạt văn hóa, lễ hội, công tác từ thiện xã hội... Các hoạt động Phật sự thực sự đã đem lại sự đoàn kết cộng đồng, làm cho cộng đồng yêu thương nhau hơn, phát triển mạnh mẽ hơn trong lòng xã hội nước sở tại. Các hoạt động Phật sự phải duy trì, tiếp nối nguồn mạch văn hóa dân tộc Việt Nam, gìn giữ, phát huy các tinh hoa văn hóa Việt thông qua chữ viết, ngôn ngữ... tiếp thu sự tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, văn minh của thế giới. Đồng thời giới thiệu với bạn bè quốc tế tại các nước hiểu hơn về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam làm tăng cường hơn tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới vì hòa bình nhân loại.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức giao lưu, động viên khích lệ đại diện cộng đồng và các Hội Phật tử, các Trung tâm văn hóa Phật giáo từ 33 quốc gia, vùng lãnh thổ về tham dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc tổ chức tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình năm 2014 và tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam năm 2019.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức thành công những chuyến thăm lịch sử cho bà con Kiều bào ta ở nước ngoài ra thăm quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Tổ chức các đại lễ tri ân tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
"Có thể khẳng định, công tác chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiều năm qua đã thực sự thiết thực đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của cộng đồng người Việt Nam tại các nước trên thế giới", Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ.
Theo Thượng tọa, phương hướng hoạt động Phật sự đối ngoại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và sự nghiệp chung tay chăm lo cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã được Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX vạch ra. Cụ thể: Quan tâm sâu sắc và đổi mới phương thức kết nối chặt chẽ với các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ cộng đồng bà con kiều bào ở nước ngoài. Tiếp tục thành lập các Hội Phật tử Việt Nam tại tất cả các nước có cộng đồng người Việt Nam sinh sống, lao động và học tập để gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc và hướng lòng yêu nước về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Để thực hiện thành công mục tiêu hoạt động đối ngoại như trên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam mong muốn có được sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành và Đại sứ quán Việt Nam tại các nước giúp giúp đỡ Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại đa phương, các hoạt động đối ngoại nhân dân. Bộ, ban ngành giúp cho Giáo hội tổ chức đoàn, cử Tăng Ni sang hoằng pháp phục vụ bà con kiều bào tại các nước. Giúp đỡ Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng các ngôi chùa kiến trúc thuần văn hóa Việt tại các nước nơi có cộng đồng người Việt sinh sống, học tập và lao động.