Giảm nghèo thông tin cho người dân vùng biên giới
Ngày 4/4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về nội dung hướng dẫn và công tác chuẩn bị triển khai thực hiện nội dung thông tin và truyền thông trong các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Quang cảnh hội nghị |
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, giai đoạn 2021-2025, có 3 chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội phê duyệt, đó là: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao thực hiện một số tiểu dự án trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng và thông tin - truyền thông. Bộ đã xây dựng dự thảo các Thông tư và văn bản quy định chi tiết việc thực hiện các dự án được giao, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Trong số này có dự thảo Thông tư hướng dẫn Tiểu dự án Giảm nghèo về thông tin trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Theo dự thảo, một trong những nội dung quan trọng để thực hiện Tiểu dự án Giảm nghèo về thông tin là trang bị hệ thống thiết bị thông tin cho các đồn biên phòng phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền thông tin đối ngoại tại các xã biên giới.
Mục tiêu nhằm đầu tư hệ thống thiết bị thông tin gắn với hoạt động giảm nghèo thông tin cho người dân vùng đặc biệt khó khăn biên giới; thu hút người dân tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng tại các đồn biên phòng, qua đó cung cấp thông tin đến người dân về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, vận động nhân dân tích cực vươn lên giảm nghèo, xây dựng và bảo vệ an ninh biên giới, đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch về chủ quyền biên giới lãnh thổ.
Địa điểm, địa bàn ưu tiên gồm các đồn biên phòng tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hải đảo; xã biên giới thuộc huyện nghèo; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025; xã an toàn khu, xã biên giới.
Hệ thống thiết bị thông tin gồm trang thiết bị nghe, nhìn phục vụ công tác truyền thông, thông tin đối ngoại. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tỉnh xác định nhu cầu, địa bàn ưu tiên, xây dựng kế hoạch thực hiện (chi tiết theo từng năm) gửi Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp.
Dự thảo đề xuất một nhiệm vụ quan trọng khác của Tiểu dự án Giảm nghèo về thông tin là phát triển mới, duy trì các cụm thông tin điện tử công cộng phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại cửa khẩu biên giới, với mục tiêu: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tại khu vực cửa khẩu, biên giới, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo, triển khai công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại từ Trung ương đến địa phương; quảng bá hình ảnh Việt Nam và các tỉnh, thành phố tới khách quốc tế.
Cụm thông tin điện tử bao gồm hệ thống các thiết bị điện tử màn hình cỡ lớn, được lắp đặt cố định tại địa điểm thiết lập và hệ thống trang thiết bị nghe nhìn phục vụ công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại. Địa điểm lắp đặt cụm thông tin điện tử: Tại khu vực cửa khẩu Quốc tế, ưu tiên cửa khẩu đất liền.
Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp nội dung thông tin, tuyên truyền đăng phát trên hệ thống cụm thông tin điện tử bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài, tiếng Lào, tiếng Campuchia, tiếng Trung Quốc và tiếng dân tộc; xây dựng văn bản hướng dẫn các địa phương về nội dung thông tin, quy định thời gian đăng phát nội dung thông tin của Trung ương và địa phương trên cụm thông tin điện tử…
Tại hội nghị, Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng cho biết khu vực biên giới hiện có 1.083 xã, phường, thị trấn, trong đó tuyến biên giới đất liền có trên 400 xã, phường, thị trấn với gần 300 đồn biên phòng. Trong số này, có đồn biên phòng phụ trách đến 3-4 xã, địa bàn rộng, địa hình phức tạp. Chính vì thế, công tác thông tin, truyền thông gặp nhiều khó khăn.
"Cụm thôn, bản ở biên giới địa hình phức tạp, kéo đường dây đến từng thôn, bản rất khó, người dân ở thưa thớt. Do vậy, thời gian qua, bộ đội biên phòng tuyên truyền bằng hình thức sử dụng loa kéo gắn trên xe gắn máy để đi đến các cụm thôn, bản ở biên giới rất hiệu quả", Đại tá Văn Ngọc Quế thông tin.
Đối với việc đầu tư trang thiết bị cho các đồn biên phòng trong Tiểu dự án, theo ông Quế, dự kiến 200 đồn biên phòng có điều kiện khó khăn nhất sẽ được đầu tư trang thiết bị phù hợp với điều kiện, trình độ, khả năng của đơn vị và phát huy hiệu quả ở các địa bàn biên giới.