Giá nông sản xuất khẩu tăng, thủ đoạn lừa đảo mới trong buôn bán quốc tế càng tinh vi
Xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam tăng mạnh, mang giá trị lớn về cho đất nước, trong đó có hạt tiêu. Tuy nhiên, trong quá trình giao thương với đối tác nước ngoài đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo. Cụ thể, mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan đã gửi cảnh báo tới các doanh nghiệp trong nước về các thủ đoạn lừa đảo mới trong buôn bán quốc tế.
Với việc giả mạo doanh nghiệp, đối tượng đã lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền để mua nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu, và lừa doanh nghiệp Pakistan xuất khẩu nguyên liệu chất lượng thấp sang Việt Nam. Điều này dẫn đến doanh nghiệp trong nước bị chiếm đoạt tiền còn doanh nghiệp Pakistan không thể tiêu thụ được lô hàng kém chất lượng. Các doanh nghiệp cũng không thể lấy lại được lô hàng vì vướng tranh chấp. Trong khi đó, phí lưu hàng tại cảng, tiền phạt của hãng tàu và tiền cắm điện chạy container lạnh đang tăng lên từng ngày.
Để giảm thiểu tổn thất, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan đề xuất doanh nghiệp 2 bên khi đàm phán một trong các thỏa thuận: hoặc doanh nghiệp Việt Nam ký quỹ một số tiền để doanh nghiệp Pakistan đồng ý giao hàng, hoặc doanh nghiệp Pakistan ký quỹ một số tiền để doanh nghiệp Việt Nam đồng ý cho tái xuất lô hàng.
Song, các doanh nghiệp cho rằng đề xuất như vậy chẳng khác nào đề nghị họ thanh toán lần 2 cho lô hàng không sử dụng được, hoặc đề nghị đối tác mua lại chính lô hàng của mình. Vụ việc vẫn đang tiếp tục diễn biến theo hướng các ngân hàng liên quan của Việt Nam và Pakistan có nguy cơ sẽ trở thành nạn nhân.
Đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều nghiệp vụ chuyên môn để gây nhầm lẫn, sai sót cho cả ngân hàng Việt Nam và ngân hàng Pakistan. Nhờ vậy, đối tượng đã vượt qua được các hàng rào an ninh của ngân hàng để mở tài khoản nhận tiền, và rút tiền thành công ra khỏi ngân hàng.
Theo pháp luật Pakistan, doanh nghiệp xuất khẩu không cần và không thể xuất trình bộ chứng từ giao hàng khi rút khoản tiền thanh toán trước mang tính chất đặt cọc để triển khai thực hiện việc giao hàng. Tuy nhiên, căn cứ vào các nội dung khác của thông báo chuyển tiền của ngân hàng Việt Nam, và các quy định khác về quản lý thanh toán quốc tế của Việt Nam và Pakistan, thì cả ngân hàng Việt Nam và ngân hàng Pakistan đều có nguy cơ phải chịu trách nhiệm vì đã có nhầm lẫn, sai sót.
Thủ đoạn lừa đảo trên nguy hiểm ở chỗ doanh nghiệp sở tại cũng bị lừa. Vì vậy, nếu Thương vụ đến trụ sở đối tác và đến ngân hàng thẩm tra xác minh khi nhận được đề nghị hỗ trợ thẩm tra, xác minh đối tác của doanh nghiệp Việt Nam, thì nguy cơ chính Thương vụ cũng bị lừa rất cao vì tất cả thông tin đối tác đều là thật.
“Chúng tôi kịp thời phát hiện được đối tượng và thủ đoạn lừa đảo mới này là nhờ may mắn. Bởi trước đó, đối tượng đã dùng chính thủ đoạn lừa đảo này để lừa doanh nghiệp Việt Nam, nhưng đối tác Pakistan không bị lừa và đã phối hợp với Thương vụ vạch mặt kẻ lừa đảo”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cho biết.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu trong nửa đầu tháng 9/2024 đạt 7.278 tấn, trị giá 45,4 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và tăng tới 72,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là giá xuất khẩu hạt tiêu đang tăng rất cao.
Lũy kế từ đầu năm đến 15/9/2024, xuất khẩu tiêu đạt 190.208 tấn, tương đương 923,3 triệu USD, giảm 2,5% về lượng nhưng tăng 44% về trị giá so với cùng kỳ.
Theo đó, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam. Tháng 8/2024, xuất khẩu hạt tiêu sang Mỹ đạt 8.570 tấn, trị giá 52.658.933 USD, tăng 45,1% về lượng và 52,4% về trị giá so với tháng trước.
Lũy kết, 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hạt tiêu vào thị trường Mỹ đạt 51.802 tấn, tương đương 258,261 USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 53,58% về lượng và tăng 90,97% về kim ngạch, chiếm 28,3% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu. Giá tiêu xuất khẩu bình quân sang thị trường này trong 8 tháng qua tăng 24,3%, lên mức bình quân 4.986 USD/tấn.
Mỹ hiện đang là quốc gia tiêu thụ và nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới. Ngày 18/9, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ sau 4 năm. Theo đó, lãi suất tham chiếu của Mỹ giảm 50 điểm cơ bản (0,5%), về 4,75-5%. Động thái này của Fed được kỳ vọng sẽ tác động tích cực lên thị trường hồ tiêu toàn cầu.