Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng ấn tượng
Cụ thể, gạo 5% tấm đã tăng từ 12 - 15 USD/tấn so với đầu năm, lên mức 415 USD/tấn, cao nhất trong hơn 3 tháng qua nhờ nhu cầu tăng và lợi thế về sản lượng.
Ngoài ra, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 2 USD/tấn vào ngày 1/4 đối với gạo 25% tấm và được chào bán với giá 395 USD/tấn. Giá gạo 100% tấm tiếp tục ổn định ở mức giá 338 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu. (Ảnh minh họa) |
Hiện tại, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá cao hơn gạo Thái Lan 5 USD/tấn, nhưng gạo 25% tấm của Việt Nam thấp hơn gạo Thái Lan 13 USD/tấn; gạo 100% tấm của Việt Nam thấp hơn gạo Thái Lan 70 USD/tấn.
Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Pakistan cũng được điều chỉnh tăng thêm từ 5-8 USD/tấn. Sau khi tăng 5 USD/tấn, gạo 5% tấm và 25% tấm của Pakistan bán ra lần lượt với mức giá 358 USD và 338 USD/tấn; sau khi tăng 8 USD/tấn, gạo 100% tấm của Pakistan chào bán với giá 353 USD/tấn.
Trong số 4 quốc gia xuất khẩu gạo truyền thống gồm: Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan, Ấn Độ là nước có giá gạo xuất khẩu thấp nhất. Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ ổn định ở mức 343 USD/tấn, 323 USD/tấn và 313 USD/tấn.
Ngoài các thị trường truyền thống như Philippines (chiếm tỉ trọng lớn nhất) Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, các nước châu Phi, Hàn Quốc... thì xuất khẩu gạo sang châu Âu (EU) dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 bởi hỗ trợ của Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
Việt Nam định hướng tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững. Ngành lúa gạo cũng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt.