Giá gạo “nhảy múa” từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Chính phủ Ấn Độ
Ảnh minh họa |
Ngày 13/7, Chính phủ Ấn Độ cho biết đang xem xét cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo ngoại trừ basmati, khiến giá gạo xuất khẩu biến động tăng, động thái này đã làm cho giá gạo trên thị trường “sốt nóng” suốt tuần qua.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 20/7, chính phủ nước này lại ban hành lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo trắng, không phải giống basmati (gạo từ giống lúa trồng ngắn ngày như lúa 3 tháng của Việt Nam). Thông báo từ Chính phủ Ấn Độ nêu rõ lệnh cấm có hiệu ngay lập tức, thông tin này chắc chắn sẽ làm giá gạo tiếp tục biến động tăng.
Giá gạo xuất khẩu các nước đồng loạt tăng mạnh
Sau khi có tin Chính phủ Ấn Độ xem xét dừng xuất khẩu gạo giá gạo xuất khẩu của các nước đồng loạt tăng mạnh.
Dẫn nguồn từ Oryza, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, so với ngày 6/7, ngày 13/7, gạo 5% tấm xuất khẩu Việt Nam đã tăng thêm 10 USD/tấn, lên mức 533 USD/tấn; Gạo 5% tấm Thái Lan tăng thêm 30 USD/tấn đạt mức 544 USD/tấn; Gạo 5% tấm của Ấn Độ tăng thêm 10 USD/tấn, đạt mức giá 493 USD/tấn; Gạo 5% tấm Pakistan tăng thêm 45 USD/tấn, đạt mức giá 533 USD/tấn.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo về mặt lý thuyết sẽ có lợi cho giá lúa gạo trong nước, vì Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa Hè Thu người dân kỳ vọng bán lúa giá cao, nhưng thu hoạch trong điều kiện mưa bão, bà con lại không có điều kiện sấy và tồn trữ nên giá lúa dù cao, thấp thế nào cũng phải bán, vì vậy, giá lúa khó có cơ hội tăng cao. Nhưng cũng khó có thể xuống giá vì một bộ phận doanh nghiệp bắt buộc phải mua vào để giao các hợp đồng đã ký.
Như vậy có thể nói, giá gạo tăng chủ yếu do các doanh nghiệp tập trung mua nên đẩy giá lên để gom đủ lượng hàng giao cho các hợp đồng đã ký, do vậy, trước mắt giá gạo trong nước cũng khó tăng mạnh. Trong bối cảnh thị trường gạo như hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang rất lo lắng vì đã bán trước nhiều nhưng vẫn chưa mua đủ hàng giao cho khách hàng.
“Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán giá 560 USD/tấn (FOB), bán giá này doanh nghiệp mới có lời, nhưng khách hàng chưa chấp nhận nên chỉ ký nhỏ giọt, bởi theo họ nếu giá gạo tăng lên nữa sẽ là một bài toán khó, vì vậy, các doanh nghiệp cần bình tĩnh quan sát diễn biến của thị trường. Trước đó, một số doanh nghiệp đã bán với giá 530-535 USD/tấn, và vẫn phải đang giao hàng”, ông Nam nói.
Trong bối cảnh tình hình cung cấp gạo căng thẳng, các nhà nhập khẩu gạo lớn như Indonesia, Trung Quốc và Philippines đã ráo riết dự trữ gạo trong năm nay.
Phần lớn các hợp đồng trước tháng 7/2023, đều bán giá mềm
Vẫn theo Phó chủ tịch VFA, đang mùa mưa bão, nếu biển Đông xuất hiện thêm vài trận bão lớn thì các nước ở Đông Nam Á sẽ tăng mua gạo để dự trữ, dẫn đến tình hình cung ứng lương thực căng thẳng nhất, tuy nhiên, Philippines – nước mua gạo lớn nhất thế giới đã mua vào một lượng gạo rất lớn và đa phần họ mua với giá khá mềm, sở dĩ có tình trạng này do một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam tranh giành khách hàng ký giá thấp.
“Ngoài cảng đang có rất nhiều tàu chờ lấy hàng đi Indonesia, phần lớn hợp đồng gạo đi Philippines phải đến tháng 8 mới giao hàng xong, trong khi nhiều doanh nghiệp không đủ hàng giao nên cũng có khó khăn”, Phó chủ tịch VFA nói.
Chia sẻ quan điểm Phó chủ tịch VFA, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành 4 cho biết, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, xuất khẩu lúa mì của Ukraine gặp nhiều khó khăn, trong khi biển Đông đang vào mùa mưa bão, có thể các nước Đông Nam Á sẽ tăng mua gạo dự trữ. Trong khi thị trường lúa gạo trong nước rất nhạy cảm với những thông tin như vậy, nên tuần qua giá gạo trong nước tăng lên rất nhanh.
Nếu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, có thể thiếu lượng gạo gối đầu
Theo ông Thành, giá gạo tuần qua tăng cao do có nhiều khách quốc tế sang Việt Nam đặt vấn đề mua hàng, trong nước doanh nghiệp đang tranh thủ mua vào để trả nợ các hợp đồng đã ký, số khác, mua vào để đảm bảo chân hàng cho những tháng tiếp theo và đảm bảo nguồn cung ứng trong nước.
Trong khi Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch một nửa diện tích lúa Hè Thu, nhưng nguồn cung lúa trên thị trường không dồi dào, do bà con làm rải vụ nên không thu hoạch đồng loạt, nhu cầu cao là nguyên nhân đẩy giá lúa tăng lên, giá lúa tăng sẽ có lợi cho người trồng lúa, nhưng nếu giá gạo lên quá cao sẽ khó khăn cho người tiêu dùng.
Đối với vấn đề lúa mì thì không mới nên không ảnh hưởng nhiều lên thị trường gạo, tuy nhiên khi nghe thông tin này các nước tranh thủ mua vào, như Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ phụ phẩm lúa gạo lớn nhất thế giới, đang tranh thủ mua tấm, cám để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản.
Thời gian qua, thương nhân Trung Quốc liên tục sang Việt Nam hỏi mua tấm, cám khiến giá phụ phẩm tăng lên rất mạnh, cám không tăng nhiều nhưng tấm to và tấm nhỏ tăng từ 1.000-2000 đồng/kg, tương đương 20% so với đầu tháng 7/2023. Giá tấm, cám tăng cũng tác động lên các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.
“Nếu Chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo hoàn toàn thì giá gạo sẽ tăng tiếp, nhưng nếu chỉ hạn chế thì biến động giá gạo trên thị trường không đến nỗi quá căng thẳng. Bởi, từ nay đến cuối năm thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra liên tục nên vẫn bảo đảm được an ninh lương thực, và năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo, còn mục tiêu 7 triệu tấn xem ra khó, vì nếu 2 năm liền xuất khẩu đạt trên 7 triệu tấn gạo thì sẽ thiếu hụt lượng gạo gối đầu”, ông Thành nhấn mạnh.