Gặp gỡ nữ MC khiếm thị đầu tiên của show truyền hình thực tế trên sóng VTV
Hà Nội những ngày tháng 3, mưa lạnh và buồn, đi qua những ngày âm u triền miên ấy, tôi tưởng như ngộp thở. Bạn có hiểu được cảm giác ấy, cảm giác thèm nắng - một điều quen thuộc, bỗng chốc mất đi, không tìm thấy?
Đấy là tôi chỉ mới sống trong thời tiết thiếu nắng có mấy ngày, còn đối với Lê Hương Giang (SV ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, SN 1995), cô gái đang nhìn thấy, dần dần trở thành người khiếm thị, cuộc sống không ánh sáng mặt trời, đã kéo dài hơn 10 năm nay. Nhưng thay vì cảm thấy buồn chán, Giang lại chọn cách đón nhận mọi thứ bằng tâm thế bình thản. Đó có lẽ cũng chính là lý do để hơn 10 năm qua, cô gái này luôn sống tự tin và vươn lên, trở thành nữ MC khiếm thị đầu tiên của show truyền hình thực tế trên sóng VTV.
Clip gặp gỡ nữ MC truyền hình thực tế khiếm thị đầu tiên ở Việt Nam. Thực hiện: Kingpro/
"Chuyện gì cũng có cách giải quyết, chỉ là trong rất nhiều lựa chọn, người khiếm thị sẽ luôn có cách làm của riêng họ"
MC truyền hình thực tế - bạn nghĩ gì về công việc đó? Nếu bây giờ nó được giao cho một người không nhìn thấy ánh sáng, bạn nghĩ liệu họ có thể đảm nhận tốt?
Không biết câu trả lời của từng độc giả sẽ ra sao nhưng khi Hương Giang (một người khiếm thị) đi casting làm MC truyền hình, cô từng nhận được rất nhiều lời từ chối, thậm chí không ít người còn tin đó là điều điên rồ, vượt ngoài sức tưởng tượng. Có lần casting, chưa kịp thi thố tài năng gì, cô đã phải ra về vì BGK nói rằng: "Không thể nào, em chắc chắn không làm được đâu".
Đó là giây phút Giang chỉ vừa kịp bước tới, mọi người liền quay lưng, khi cô đưa tay ra, mọi người không ai nắm lấy. Họ không cần hỏi Giang có làm được hay không mà chỉ mặc định rằng: cô không thể!
Giang chia sẻ mình từng thất bại trong rất nhiều lần casting MC truyền hình.
Nếu bị người khác lạnh lùng tước đoạt cơ hội như thế, bạn sẽ làm gì? Nếu xung quanh, rất ít người dám đặt lòng tin, khích lệ bạn, liệu bạn có nghĩ lựa chọn ban đầu của mình là một sai lầm? Hương Giang cũng từng nhiều lần buồn bã, thất vọng. Mỗi lần casting thất bại, cô gái trẻ mất cả 1 tuần dài để nguôi ngoai. Thế nhưng sau tất cả, nữ sinh này vẫn kiên cường đứng lên.
"Bởi vì mình nghĩ họ chưa nhìn nhận mình, có thể do mình chưa trau dồi đủ kĩ năng. Một ngày nào đó, nếu mình tốt hơn, liệu mình và họ có thể đối diện nhau ở một tâm thế khác?".
Hàng loạt bằng khen mà Giang giành được qua các cuộc thi.
Giang từng giành giải nhất cuộc thi "The Next MC 2016".
Giữ ý nghĩ ấy, Giang luôn cố gắng từng ngày. Cô không chỉ tích cực học tập, tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường mà còn tập viết báo, làm CTV cho chương trình phát thanh của VOV giao thông. Con đường làm MC, cứ như thế, ngày một mở rộng hơn.
Năm 2016, Giang tham gia cuộc thi "The Next MC" do Thành đoàn kết hợp với CLB MC Hà Nội tổ chức và giành giải nhất. "Tuy đó chỉ là cuộc thi nhỏ nhưng đã mở ra cho mình rất nhiều cơ hội và giúp mình tin rằng, chuyện một người khiếm thị làm MC truyền hình là điều hoàn toàn có thể".
Cuộc thi "The Next MC" đã mở ra cho Giang rất nhiều cơ hội mới.
Hiện tại, Giang đang là MC cho dự án "Studio đom đóm" - chương trình dành cho người khuyết tật phát trên youtube. Mới đây, Giang tham gia casting MC cho show truyền hình thực tế "Người phụ nữ hạnh phúc của VTV2" và xuất sắc được chọn.
Dù công việc chưa chính thức bắt đầu nhưng chắc chắn trong tương lai không xa, chúng ta sẽ thấy Giang, một cô gái khiếm thị xuất hiện trên sóng truyền hình với vai trò nữ MC. Không biết, mọi việc sẽ diễn ra thế nào nhưng bản thân Giang luôn tự tin mình có thể làm tốt.
Giang nhớ nhất là khoảnh khắc MC Thái Tuấn gọi tên cô, cả hội trường nín lặng và họ theo dõi cô thi, trọn vẹn từ đầu đến cuối. "Khi mình kết thúc, rất nhiều người đứng dậy vỗ tay, khoảnh khắc ấy, mình xúc động tới trào nước mắt".
Khi theo học ở trường Nguyễn Đình Chiểu, ngoài kiến thức, Giang còn dành thời gian phát triển rất nhiều kỹ năng khác như múa, hát và chơi đàn.
"Mọi người cứ nghĩ dẫn chương trình thực tế rất khó nhưng thực ra không phải. Khi ra hiện trường, chỉ cần mọi người miêu tả qua cho mình biết điều gì đang xảy ra là mình có thể nắm bắt được. Nếu ở trên sân khấu, có người mô tả và cho mình tập đi vài vòng là mình sẽ di chuyển tốt. Mình không nhìn thấy nhưng có thể cảm nhận mọi hoạt động xung quanh và đảm nhận tốt vai trò của MC".
"Đừng quá ưu tiên người khuyết tật - Đó là sự phân biệt"
Ngày nhỏ, Giang vẫn còn mơ hồ nhìn thấy ánh sáng. Hồi cấp 1, cô học chữ bình thường nhờ các công cụ hỗ trợ như kính lúp, sách giáo khoa chữ to... Nhưng mùa hè lên cấp 2, mắt cô hoàn toàn không nhìn thấy gì. Khoảng thời gian học cấp 2 tại trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (trường dành cho người khiếm thị) cũng là lúc rất nhiều người nói với Giang rằng, bất luận cô có học lên cao như thế nào, cố gắng hòa nhập cuộc sống ra sao thì vẫn sẽ không có một tương lai tốt đẹp nào đón đợi ở phía trước.
Mùa hè năm bước vào cấp 2, Giang chính thức trở thành người khiếm thị.
Có một khoảng thời gian dài, Giang sống buông xuôi, phó mặc cho số phận.
Thế giới bị bó hẹp và cô không thể hòa nhập với các bạn mắt sáng.
"Đó cũng là khoảng thời gian mình thả trôi theo số phận, để mặc thời gian trôi đi hoài phí. Mình không biết gì ngoài gia đình và những người bạn khuyết tật. Thế giới bị thu hẹp lại. Mình co cụm, không hòa nhập và chẳng hề có một người bạn mắt sáng nào cả".
Rồi một lần thầy giáo cô dẫn cả lớp đến làng gốm Bát Tràng. Thầy đưa cho cô những nắm đất sứt sẹo và yêu cầu cô hãy tô màu lên chúng. Đó là lần đầu tiên Giang hiểu rằng, cuộc sống này vốn dĩ không phải lúc nào cũng tròn trịa mà nó là mảnh ghép của vô vàn màu sắc khác nhau. Có niềm vui thì sẽ có nỗi buồn. Người mắt sáng hay người khuyết tật, tất cả chúng ta đều sẽ phải đối mặt với những khó khăn của riêng mình. Điều quan trọng là chúng ta sẽ làm cách nào để vượt qua?
Chuyến đi đến Bát Tràng đã giúp cô thay đổi hoàn toàn suy nghĩ tiêu cực.
Cũng từ đó, Giang ý thức về bản thân nhiều hơn. Cô quyết định sẽ học lên cấp 3 và quyết tâm hòa nhập cuộc sống. Cô nộp đơn xin vào trường THPT Thăng Long, ngôi trường thuộc top đầu ở Hà Nội, nơi mà nhiều bạn mắt sáng cũng không đủ sức theo đuổi. Trải qua rất nhiều khó khăn, cuối cùng Giang cũng được nhận.
Mọi người đều nói đó là quyết định sai lầm nhưng Giang tin vào lựa chọn của mình. Ở trường, chỉ mình cô là học sinh khuyết tật nhưng chưa bao giờ, Giang đòi hỏi sự đối xử ưu tiên. "Mình xin vào đó học cũng vì muốn hòa nhập với các bạn mắt sáng, được trao cơ hội bình đẳng như tất cả mọi người".
Giang học tập và ghi chép hoàn toàn bằng máy tính.
Có thể tự lo sinh hoạt cá nhân và làm nhiều việc nhà giúp mẹ.
Giang bắt đầu sử dụng máy tính có chức năng đọc màn hình. Cô ghi chép, làm bài trên máy tính, máy ghi âm và không cần sử dụng chữ nổi. "Mọi người cứ nghĩ việc học của người khiếm thị sẽ đặc biệt nhưng thực ra nó chẳng có gì khác biệt cả. Tất cả các môn học trên lớp, mình đều học và thi như bình thường". Không chỉ có thành tích tốt, Giang còn chiến thắng trong nhiều cuộc thi và được tuyển thẳng vào khoa tâm lý học, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn.
Phòng học của Giang.
Bằng khen treo kín khắp nơi.
Giang nói nếu người nhìn thấy, rót nước chính xác vào một chiếc ly, mọi người nghĩ là bình thường nhưng khi người khiếm thị làm được điều đó, họ lại cho là điều phi thường. "Đó chính là một sự phân biệt. Đừng ưu tiên người khuyết tật thái quá mà hãy trao cho họ cơ hội một cách công bằng hơn. Bởi hạnh phúc của chúng mình là khi được hòa nhập và sống bình thường như những người mắt sáng".
Cô muốn người khác nhìn nhận thành công của mình đơn giản hơn, không muốn nghĩ nó có gì khác biệt. "Chỉ khi nào mình làm được những gì mà ngay cả nhiều người mắt sáng cũng không làm được thì mình mới nghĩ đó là thành công. Nhiều người cứ nghĩ thế giới bóng tối sẽ đáng sợ lắm nhưng khi không nhìn thấy, mình lại có nhiều cách khác để cảm nhận cuộc sống, bằng những giác quan khác và khi đi qua trái tim mình, mỗi ngày đều trở nên rực rỡ sắc màu xanh đỏ, tím, vàng".
Thu Hường - Ảnh: Mai Lân