EVN và câu hỏi đặt ra về trách nhiệm khi thiếu điện?
Thực tế, đây là một câu chuyện đau xót không chỉ với những người được trực tiếp nêu tên mà còn với cả tập thể EVN. Vậy, với mong muốn trong tương lai tránh lặp lại sự cố này, thì cần quan niệm thế nào về trách nhiệm?
Trong cơ cấu tổng công suất đặt hiện hành, EVN chiếm khoảng 37%, và cụ thể hơn thì DN được coi là phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp điện cho toàn quốc này chỉ nắm giữ trực tiếp 11%, số còn lại là gián tiếp qua các tổng công ty phát điện. Tiếp theo là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chiếm 8%, và Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giữ 2%. Tổng cộng 3 DN nhà nước chiếm 47% công suất đặt, còn tư nhân nắm giữ khoảng 42%. Tỷ lệ này theo thời gian chắc chắn sẽ còn thay đổi khi tới đây EVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá và chỉ còn nắm giữ những nhà máy nguồn đa mục tiêu, ví dụ thuỷ điện Hoà Bình, thuỷ điện Sơn La…Cũng theo thống kê mới nhất về nguồn năng lượng thì hiện nay thuỷ và nhiệt điện vẫn là quan trọng nhất, đến cuối năm 2022 nhiệt điện than chiếm tỷ trọng 33%, thuỷ điện chiếm 28%, năng lượng tái tạo (không bao gồm thuỷ điện) 26%, điện khí 11%, còn lại là nguồn khác.
Cuối tháng 5/2023 ở miền Bắc đã xảy ra tình trạng thiếu điện do nhu cầu sử dụng điện tăng vọt trong những ngày nắng nóng gay gắt. |
Đó là về nguồn, còn với truyền tải thì do yêu cầu đặc thù nên Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT), đơn vị trực thuộc EVN, vẫn là 100% vốn nhà nước. Dù luật hiện hành đã cho phép tư nhân đầu tư vào truyền tải nhưng hiện nay vẫn chủ yếu do NPT làm, lý do chính là bởi giá truyền tải thấp (khoảng 79 đồng/kWh chưa có VAT) và thủ tục thực hiện dự án khá mất thời gian nên nhà đầu tư tư nhân không quan tâm nhiều. Từ lưới điện 110kV đổ xuống, 5 tổng công ty phân phối (3 miền Bắc, Trung, Nam và HN cùng TP.HCM) của EVN hiện đang đảm nhiệm bán lẻ cho áng chừng 92% khách hàng trên toàn quốc, phần còn lại là do các hợp tác xã mua buôn của EVN rồi bán lại cho người tiêu dùng.
Phác thảo sơ lược bức tranh cung cấp và phân phối điện hiện nay để qua đó hình dung chính xác về vai trò của các bên liên quan, ai sở hữu tỷ trọng nguồn lớn nhất, ai đang nắm giữ phần điều phối, và tương lai thì trách nhiệm trong việc đảm bảo cung ứng điện quốc gia sẽ xếp đặt theo thứ tự nào?
Đến thời điểm hiện tại thì Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) đã được chuyển về Bộ Công thương. Với dư luận thì đây được coi là “trái tim” của hệ thống điện, và việc tách “trái tim” khỏi EVN thì đã gỡ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam khỏi thế vừa đá bóng vừa thổi còi, nhưng từ đây cũng đặt ra câu hỏi mới. Theo nhiều chuyên gia năng lượng thì với sự sắp xếp lại như hiện nay đương nhiên EVN không còn là “đầu tàu” trong ngành điện. Lý do đơn giản vì khi không còn nắm tỷ trọng chi phối nguồn phát và không trực tiếp quản lý A0 thì không còn cơ sở xác định vai trò EVN như trước được.
Sẽ có một chút băn khoăn ở đây là EVN vẫn quản lý khâu truyền tải và bán lẻ, tuy nhiên, nói đến cho cùng thì việc có nhà máy điện ở những khu vực cần có mới mang ý nghĩa quyết định, còn truyền tải dù là 500 kV hay hạ áp thì vẫn chỉ là dịch vụ cung cấp đi sau. Vậy câu hỏi mới ở đây là gì, đó là một khi xảy ra sự cố trong việc cung ứng điện thì trách nhiệm cao nhất lúc này sẽ thuộc về cơ quan nào?
Để trả lời câu hỏi này, theo quán tính, chắc chắn mọi ánh mắt đổ dồn về EVN! Nhưng nếu như vậy thì câu trả lời có đủ sức thuyết phục hay không? Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2024 tới đây trong trường hợp thời tiết cực đoan, nước về các hồ thuỷ điện ở mức thấp thì miền Bắc có thể thiếu khoảng 1770 MW, ước chừng 1/10 nhu cầu sử dụng. Tất nhiên không ai mong muốn điều này xảy ra, nhưng nếu phải đối mặt tình huống xấu nhất thì để xác định trách nhiệm cho thật thoả đáng, tâm phục khẩu phục quả thật là việc không dễ dàng. Sau đề xuất kỷ luật cán bộ EVN của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đây có lẽ là một trong những vấn đề không thể không quan tâm.