Đưa kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt qua hệ thống của AEON đạt 1 tỷ USD vào năm 2025
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản làm việc với Tập đoàn AEON của Nhật Bản |
Nhằm hiện thực hoá Bản ghi nhớ Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài”, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Nhật Bản, vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã có buổi làm việc với Tập đoàn AEON của Nhật Bản.
Tập đoàn AEON cam kết tăng tỷ lệ mua hàng của Việt Nam để bán tại hệ thống AEON tại Việt Nam và khu vực.
Tại buổi làm việc, hai bên cùng thống nhất một số kế hoạch triển khai trong thời gian tới nhằm thúc đẩy và đưa hàng nông sản của Việt Nam vào hệ thống bán lẻ của AEON.
Theo đó, Tập đoàn AEON sẽ lấy việc gia tăng tỷ lệ mua hàng của Việt Nam để bán tại hệ thống AEON tại Việt Nam và các nước trong khu vực làm mục tiêu, đồng thời cam kết hướng đến mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của AEON đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, việc Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) đặt ra mục tiêu xuất khẩu cao thông qua hệ thống phân phối của Tập đoàn AEON tại Nhật Bản, và các nước thể hiện sự lạc quan về tiềm lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm sắp tới, cũng như những cam kết thuận lợi hóa môi trường kinh doanh của Chính phủ, đồng thời phản ánh thực tế là ngày càng có nhiều doanh nghiệp của Việt Nam chọn hướng kinh doanh bài bản, lâu dài, tập trung đầu tư vào khâu sản xuất, định hướng bổ sung giá trị gia tăng vào từng sản phẩm cụ thể, đảm bảo được yêu cầu của các hãng phân phối và đã thâm nhập thành công vào các hệ thống phân phối hiện đại.
Tập đoàn AEON đánh giá vai trò quan trọng của tầng lớp trung lưu trong việc tạo động lực cho sự phát triển này. Và đây cũng chính là đối tượng khách hàng mà AEON sẽ nhắm tới.
“Cùng với sự hỗ trợ nâng cao năng lực của những Tập đoàn hàng đầu như AEON Nhật Bản, đây cũng là kinh nghiệm quý báu và là nền móng vững chắc để các doanh nghiệp Việt Nam khác mạnh dạn đầu tư, xuất khẩu và tìm kiếm cơ hội trên thị trường thế giới”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản nói.
Tập đoàn AEON có nhu cầu nhập khẩu chuối với khối lượng không giới hạn
Chuối nằm trong số các loại trái cây nhiệt đới được người dân xứ sở “Mặt Trời mọc” ưa chuộng, và chuối nhập khẩu từ Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản chọn mua bởi có chất lượng thơm ngon hơn so với chuối Philippines. Đây là lý do khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tăng nhập khẩu chuối Việt Nam.
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, một số hệ thống siêu thị tại Nhật Bản đã có kế hoạch tăng nhập khẩu chuối Việt Nam. Cụ thể, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tập trung nhập khẩu giống chuối Fohla được bón phân bò trong mô hình VAC khép kín và chuối có chứng nhận hữu cơ. Và trước mắt, Tập đoàn AEON đang có nhu cầu nhập khẩu chuối với khối lượng không giới hạn, miễn là các đối tác Việt Nam có thể đáp ứng, đảm bảo chất lượng.
Năm 2022, chuối Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản chỉ đạt hơn 7 triệu USD, chiếm chưa đầy 1% thị phần nhập khẩu chuối của Nhật Bản. Xuất khẩu chuối Việt Nam vào thị trường này còn ở mức khiêm tốn, vì vậy, còn nhiều cơ hội để gia tăng thị phần tại thị trường Nhật Bản trong những năm tới.
Theo ông Minh, để các sản phẩm rau quả của Việt Nam xuất khẩu thành công vào Nhật Bản và giữ được thị trường lâu dài, bền vững là việc không đơn giản. Bởi các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm tại Nhật Bản là rất cao.
Mặt khác, rau quả tươi xuất khẩu vào Nhật Bản, trong đó có chuối cần phải đảm bảo sự ổn định về giá bán và sản lượng cung ứng. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu chuối cần thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để kiểm soát chặt chẽ chất lượng, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc ….
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, nhãn hiệu chuối Fohla (Fruit of Huy Long An) cho biết, từ năm 2016, chuối Fohla bắt đầu xuất khẩu sang Nhật Bản cũng như cung cấp cho chi nhánh Aeon tại Việt Nam, nhưng cung cấp cho toàn hệ thống Aeon là đầu năm 2023.
Muốn xuất khẩu chuối sang thị trường Nhật Bản hay vào hệ thống Aeon thì chuối Fohla phải qua lộ trình kiểm tra chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt và phải đạt chuẩn của Aeon về khả năng cung cấp, sử dụng cũng như việc thu thập nhận định, đánh giá từ người tiêu dùng về sản phẩm, khi đã đạt rồi họ mới bắt đầu đặt mua hàng.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An với chuối Fohla |
“Đối với việc cung cấp chuối vào hệ thống Aeon công ty sẽ phải xác định lượng chuối hàng tháng theo đơn đặt hàng của bên mua. Về nguyên tắc hợp đồng, 2 bên sẽ xác nhận nhu cầu và khả năng cung cấp. Hình thức buôn bán này tương đối dễ chịu mà giá cả cũng hợp lý nên công ty sẳn sàng ký hợp đồng cung ứng cho họ”, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An nói.
Ví dụ, Aeon đặt mua 10 container chuối Fohla nhưng công ty chỉ có khả năng cung ứng 6 container thì bán 6 container.
“Nhìn chung với tiêu chuẩn sản xuất chuối Fohla thì Nhật Bản chấp nhận, bởi khi chúng ta xây dựng được tiêu chuẩn sản xuất rồi thì thị trường không phải là điều đáng lo. Hiện nay, Nhật Bản rất quan tâm đến chuối Việt Nam nên còn nhiều dư địa để phát triển ở thị trường Nhật Bản”, ông Huy nhận định.
Nông sản Việt có mặt tại hội chợ nông nghiệp lớn nhất Bắc Ireland Hội chợ Balmoral Show 2023 là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá ngành nông nghiệp và nông phẩm trong nước tới các nhà phân phối và người tiêu dùng Bắc Ireland. |
Thị trường xuất khẩu chậm hồi phục, đe dọa mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD ngành thủy sản Để đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm nay, ngoài những giải pháp trọng yếu được giao cho ngành nông nghiệp, mới đây Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan, các địa phương quyết liệt tháo gỡ vướng mắc về thị trường, thể chế, thuế phí, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. |