Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) - bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân
Sứ mệnh gìn giữ và phát huy các thông tin
Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định của Luật Lưu trữ năm 2011 còn phù hợp với thực tiễn; đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất trên nguyên tắc hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Sứ mệnh của Lưu trữ là gìn giữ và phát huy các thông tin quá khứ - bộ nhớ của dân tộc. Nhân dân là những người làm nên lịch sử, chính vì lẽ đó, các tài liệu lưu trữ - thông tin lịch sử trong bộ nhớ của cả dân tộc, trước hết là để phục vụ mọi nhu cầu chính đáng của nhân dân. Với tinh thần xuyên suốt này, yêu cầu đặt ra là xây dựng một nền lưu trữ Việt Nam hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, hiện đại hóa nền hành chính, phục vụ nhân dân - Đây cũng là chính sách đầu tiên trong 06 chính sách của Nhà nước về lưu trữ được quy định trong dự thảo Luật. (Điều 5 dự thảo Luật.) |
Cũng với tinh thần này, Dự thảo Luật đã đề ra 06 nguyên tắc lưu trữ cơ bản, trong đó, việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước là yếu tố quan trọng và sự tham gia của cộng đồng, xã hội, công chúng nhân dân là điều tiên quyết. Đồng thời, cần phải bảo đảm mục tiêu phát huy hiệu quả giá trị của tài liệu lưu trữ vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ lưu trữ quốc tế.
Dựa trên các chính sách đã được đề ra, toàn bộ 08 chương, 65 điều của dự thảo Luật đều đi đúng hướng, thể hiện những quy định cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một nền Lưu trữ phục vụ - vừa bảo đảm tối đa sự thuận tiện cho người dân, vừa bảo đảm hiệu quả quản lý Nhà nước.
Nhiệm vụ của Lưu trữ không chỉ đơn thuần là bảo quản, bảo vệ bộ nhớ của dân tộc, mà hơn cả, đó là việc tạo điều kiện thuận lợi và thu hẹp khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại, cho phép các thế hệ quần chúng nhân dân của các giai đoạn lịch sử kết nối với nhau và kết nối với cội nguồn của mình. Chính vì lẽ đó, cùng với việc ghi nhận giá trị đặc biệt của tài liệu lưu trữ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, một chương mới (so với Luật Lưu trữ 2011) “Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ" được cơ quan soạn thảo Luật đề xuất và nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội.
Ngoài việc phục vụ nhu cầu về thông tin của người dân, Chương V “Lưu trữ tư” của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) còn hướng tới phục vụ các nhu cầu khác của người dân trong việc bảo quản và phát huy giá trị các tài liệu do cá nhân sở hữu, bảo đảm tôn trọng quyền và lợi ích của các cá nhân/cộng đồng có sở hữu tài liệu. Theo đó, Nhà nước:
- Bảo hộ quyền sở hữu đối với tài liệu lưu trữ tư; có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tài liệu lưu trữ tư.
- Khuyến khích tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng cung cấp thông tin về tài liệu lưu trữ tư để xây dựng cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ tư, ký gửi, tặng cho, bán tài liệu lưu trữ tư cho Nhà nước.
- Hướng dẫn nghiệp vụ lưu trữ đối với lưu trữ phục vụ cộng đồng. Hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị để tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng thực hiện lưu trữ phục vụ cộng đồng và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư.
- Tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng đầu tư nguồn lực, phát triển lưu trữ phục vụ cộng đồng.
- Cung cấp dịch vụ thẩm định giá trị tài liệu lưu trữ tư và công nhận tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt; nhận ký gửi tài liệu lưu trữ tư.
- Vinh danh, khen thưởng tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng có thành tích, đóng góp cho lưu trữ tư.
Có thể nói, với việc bổ sung nhiều quy định mới nêu trên, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ trong việc bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Hiện nay, 04 Trung tâm Lưu trữ quốc gia đang quản lý: 33.964 mét giá tài liệu lưu trữ nền giấy, 63.954 tấm bản đồ; 275.809 tấm tài liệu ảnh; 3.699 giờ băng tài liệu ghi âm; 615 giờ băng tài liệu ghi hình; 12.121.733 megabye tài liệu điện tử; 33.791 tấm tài liệu Mộc bản. 63 Lưu trữ lịch sử tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện đang quản lý: 74.212 mét giá tài liệu lưu trữ nền giấy, 42.233 tấm bản đồ; 214 giờ băng tài liệu ghi âm; 2.660 giờ băng tài liệu ghi hình; 15.110 tấm tài liệu ảnh; 59.735.122 megabye tài liệu điện tử. Trong những năm qua, các tài liệu này đã phục vụ đắc lực công chúng xã hội nói chung và công tác thông tin đối ngoại nói riêng thông qua việc phục vụ xây dựng nhiều chương trình phát thanh, truyền hình, bài báo, các xuất bản phẩm góp phần cho việc truyền tải thông tin của các cơ quan báo chí, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền được thông tin và tiếp nhận thông tin của nhân dân. (Nguồn: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) |
Những điểm mới
Triển lãm tài liệu lưu trữ thu hút đông đảo công chúng và các nhà nghiên cứu văn hoá. (Ảnh: KT) |
Theo đại diện Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ, điểm mới và tiến bộ của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) thể hiện ở việc mở rộng phạm vi thông tin được tiếp cận. Cụ thể:
- Thứ nhất, quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và Lưu trữ lịch sử trong việc giải mật tài liệu: “Trong thời hạn 05 năm, cơ quan, tổ chức đã xác định bí mật nhà nước có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với lưu trữ lịch sử thực hiện việc giải mật tài liệu đã nộp vào lưu trữ lịch sử theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Việc giải mật tài liệu lưu trữ đã nộp vào lưu trữ lịch sử trong trường hợp cơ quan xác định bí mật nhà nước không còn hoạt động thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước”.
Điều này thúc đẩy quá trình giải mật tài liệu được nhanh hơn. Nhiều thông tin trong các tài liệu lưu trữ đóng dấu chỉ các mức độ mật thường liên quan đến các sự kiện, vụ việc, nhân vật được rất nhiều người quan tâm. Nếu các thông tin chính thức không được đáp ứng sẽ có những thông tin không chính thức thay thế. Trong bối cảnh hội nhập, sự bùng nổ thông tin và sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, của xu thế mở rộng dân chủ của xã hội, đòi hỏi Nhà nước phải chủ động tuyên truyền về đường lối, chính sách, chủ trương của mình tạo điều kiện để công chúng tiếp cận đầy đủ hơn với tài liệu, hạn chế mức thấp nhất khoảng trống thông tin do tính mật của tài liệu tạo nên thì sự thật lịch sử sẽ trở nên khách quan, đầy đủ hơn, tránh sự xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử của các thế lực thù địch gây nên.
- Thứ hai, đối với các tài liệu của ngành Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, dự thảo Luật trao quyền cho “Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao quản lý và lưu trữ tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động, tài liệu lưu trữ dự phòng, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ của ngành quốc phòng, công an, Bộ Ngoại giao, nhưng hằng năm phải “lập Mục lục hồ sơ, tài liệu lưu trữ vĩnh viễn thuộc phạm vi quản lý và hằng năm cập nhật, gửi Bộ Nội vụ. Đồng thời, quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phê duyệt Danh mục tài liệu lưu trữ tiếp cận có điều kiện của ngành quốc phòng, công an và Bộ Ngoại giao. Điều này góp phần lấp đầy khoảng trống thông tin về một số lĩnh vực quan trọng trong quản lý xã hội.
- Thứ ba, đối với tài liệu lưu trữ cấp xã, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã bổ sung quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của HĐND, UBND cấp xã phải nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh (khoản 4 Điều 10 của dự thảo Luật). Tài liệu đã nộp vào lưu trữ lịch sử vẫn được khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật, do đó vẫn bảo đảm nhu cầu sử dụng tài liệu lưu trữ của người dân và đáp ứng yêu cầu quản lý của chính quyền cơ sở.
- Thứ tư, trong bối cảnh hiện nay, dữ liệu là nguồn tài nguyên quý của quốc gia, là động lực, nguồn lực cho sự phát triển. Với vai trò quan trọng đó, Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 02/02/2024) đã xác định: dữ liệu của Việt Nam cần mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Vì vậy, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định về loại hình tài liệu mới - tài liệu lưu trữ số. Đồng thời, có điều khoản quy định về việc xây dựng, quản lý và kết nối cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo mật thông tin theo cấp độ quy định của Luật An toàn thông tin mạng.
Dự kiến sau khi được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua và có hiệu lực, việc thực thi quy định cụ thể trong Luật Lưu trữ (sửa đổi) về các nội dung đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân sẽ góp phần đem lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt: Việt Nam có một Phiên đối thoại về Báo cáo UPR IV rất thành công Trả lời báo chí về kết quả phiên Đối thoại về Báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR chu kỳ IV, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho rằng Việt Nam đã có một phiên đối thoại rất thành công. Phiên đối thoại thu hút sự quan tâm cao, với 133 nước đăng ký phát biểu và đưa ra 320 khuyến nghị cho Việt Nam. Phần lớn các khuyến nghị Việt Nam nhận được lần này có nội dung tích cực, ta có thể chấp thuận. |
Đảm bảo quyền lợi của tiểu thương người Việt trong vụ cháy trung tâm thương mại tại Ba Lan Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan cam kết sẽ đồng hành với với các hội đoàn để hỗ trợ bà con vượt qua giai đoạn khó khăn, làm việc với các cơ quan chức năng sở tại nhằm phối hợp đảm bảo quyền lợi của bà con. |