Du lịch Ninh Thuận: Đến khi nào mới thực lòng nhớ đến Chăm Pa!
Nhưng muốn trả lời cụ thể cũng không dễ, không lẽ nói như search google là địa phương này có thêm sự đặc sắc bởi văn hoá Chăm Pa, một nền văn hoá xa xưa mà giờ đây nếu không cư xử đúng mực thì chỉ còn sót lại qua những câu chuyện ngô nghê để bán vật phẩm lưu niệm. Vậy, hãy nói về những con người đang cố gắng chắt chiu những gì tích luỹ được và nỗ lực làm nên một Ninh Thuận đọng lại trong ký ức của mọi người, cho dù điều đó hiện giờ vẫn chỉ là hy vọng. Tôi muốn nói đến doanh nhân Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc điều hành Hoàn Mỹ resort Ninh Chử và Hòn Cò resort Cà Ná.
Vịnh Vĩnh Hy, Ninh Thuận |
Với sự tiện lợi của công nghệ hiện nay, đặt phòng du lịch rất dễ dàng khi có một loạt app cung cấp dịch vụ với giá cả phù hợp. Vấn đề còn lại cần lo lắng là nơi chọn làm điểm đến có còn phòng hay không mà thôi vì nếu mùa cao điểm du lịch, thời gian đặt trước phải cả tháng vì phòng luôn kín. Resort Hoàn Mỹ và Hòn Cò cũng vậy. Nhưng tôi không muốn đề cập về việc này, vì nếu chỉ vậy thì không có gì đáng để nói cả.
Kéo thời gian về trước, và hãy hình dung những dải đất này ở 1 tỉnh nghèo như Ninh Thuận cách đây chừng 25 năm, thời điểm chưa có khái niệm gì về nghỉ dưỡng resort. Nơi này, mưa ít nắng nhiều, đất đai thì cằn cỗi, gió biển thổi xơ xác con người. Nếu Ninh Thuận có gì gợi nhớ chắc chỉ là những chàng trai, cô gái Chăm với đôi mắt sáng nhưng luôn phảng phất u buồn vọng về từ thiên cổ.
Tôi về đây tìm hiểu Ninh Thuận là khi đó đi cùng chú Sáu (cố Thủ tướng Phan Văn Khải), anh Hiếu tâm sự. Như một sự gắn kết không định trước, Cố Thủ tướng khi đó chỉ nói xem có gì làm được thì làm vì tỉnh khó khăn quá!
Doanh nhân Nguyễn Minh Hiếu |
Nhờ người đứng đầu Chính phủ “se duyên”, việc mua đất kinh doanh du lịch đã hình thành bên cạnh mục đích ban đầu của anh Nguyễn Minh Hiếu khi về Ninh Thuận chỉ là công tác từ thiện. Quyết định này là vì tầm nhìn hay khát vọng, hoặc xuất phát từ một lý do nào đó đời hơn là mua bất động sản để đó kiếm lời cũng đều rất đáng nói. Bởi lẽ, khi đầu tư một khoản kinh phí lớn vào một vùng đất mà chưa biết tương lai sẽ ra sao khác rất nhiều với việc bây giờ ngồi bình luận.
Anh Hiếu cho biết tổng đầu tư riêng cho việc xây dựng resort Hoàn Mỹ ước khoảng 400 tỷ đồng. Nếu đánh giá qua suất đầu tư, tiềm năng du lịch, mức độ cạnh tranh, sức mua và thói quen tiêu dùng trong tương lai…thì có thể vững tin vào hiệu quả. Và nếu chỉ dừng ở đó thì đúng là việc dừng chân tại Ninh Thuận để kinh doanh đã là thương vụ thắng lớn của doanh nhân này. Nhưng hiệu quả đơn thuần về tài chính có phải là mục đích cuối cùng?
Thực tế đây là câu chuyện rất tế nhị với nhiều doanh nghiệp. Kinh doanh vì tiền là đương nhiên rồi, không lẽ làm cho vui! Nhưng cách làm ra tiền thì có vô vàn. Nguyễn Minh Hiếu chia sẻ là nếu khách chỉ đến ăn, nghỉ rồi về thì nhanh chán quá vì có gì ở lại với họ đâu. Điều tôi mong muốn lâu dài là du lịch phải gắn với nền văn hoá Chăm đặc sắc ở nơi này.
Không dừng ở ý định, Hiếu cho biết đã trao đổi về vấn đề này với cơ quan chức năng của tỉnh và cùng đại diện ngành du lịch Ninh Thuận ra Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trình bày kế hoạch, dù là sơ thảo.
Du lịch gắn với văn hoá, đây là điều không mới mẻ gì, vì không chỉ trên thế giới mà ngay tại Việt Nam nhiều vùng miền đang tận dụng tối đa lợi thế này. Nhưng biết là một chuyện, còn tận dụng và khai thác thế nào, có đủ tự tin để bỏ tiền làm một cách bài bản và chiều sâu không, có bản lĩnh chấp nhận rủi ro thay vì ngồi an nhàn thu tiền về như hiện tại…là một câu chuyện rất, rất khác. Mỏ vàng có đó, nhưng khai thác thế nào?
Tôi thấy nói về văn hoá Chăm ở đây còn đơn giản và thô sơ quá, Hiếu tâm sự, và cũng nếu như vậy thì khách sẽ chỉ đến một lần cho biết rồi rất khó quay trở lại. Tâm tư của doanh nhân này có lẽ cũng nói hộ suy nghĩ của đại đa số du khách. Có một điều rất chua xót là trong trào lưu check in hiện nay, cơ bản những gì mọi người thấy trên mạng xã hội chỉ là những bức ảnh hoặc clip về bãi biển, về vịnh, về những cung đường…tất nhiên là cũng lưa thưa vài tấm ảnh du khách thả tim đứng cùng tháp Chăm cổ kính đang đau đớn và dằn vặt. Chẳng lẽ kinh đô của cả một vương quốc cổ xưa giờ chỉ đáng in trong mấy tấm bưu thiếp hoặc voucher?
Bắt bệnh thì không khó, bởi có phải điều gì đó quá sâu xa và bí ẩn đâu, nhưng để cả một bầu trời vàng son trong ký ức tiếp tục bị bào mòn cùng thời gian thì quả thực là điều đáng tiếc. Tôi không hy vọng có kết quả ngay, Hiếu cho biết, những kế hoạch này phải từ 5 đến 7 năm nữa may ra mới có kết quả. Doanh nhân này cho biết sẵn sàng cùng nhà nước đầu tư xây dựng mới bảo tàng văn hoá Chăm ở Phan Rang để cộng đồng biết đến lịch sử nơi này một cách trang trọng, tôn nghiêm và cũng đầy mê hoặc.
Đó là những bước khởi đầu, còn để khai thác được ưu thế đặc biệt này thì còn rất nhiều việc phải làm. Thị trường du lịch trong và ngoài nước luôn đón đợi những gì nghiêm túc, chuẩn mực và có bề sâu văn hoá. Đó là giá trị vĩnh cửu tạo nên sức hút chứ không phải những đợt sale trong mùa du lịch hay những bữa ăn miễn phí…!
Tôi chia tay Phan Rang khi ghé một gia đình người Chăm làm nghề dệt thổ cẩm. Cái nắng gay gắt đầu mùa hạ chiếu xiên vào đôi bàn tay người phụ nữ đang vội vàng ngồi vào khung dệt để khách du lịch tò mò ngắm nhìn nói lên rất nhiều điều. Chợt nhớ câu thơ của thi hào Chế Lan Viên trong tập Điêu tàn: Ta cùng nàng nhìn nhau không tiếng nói, sợ lời than lay đổ cả đêm sâu!