Du lịch hoài niệm: "ôn cố tri tân" tình hữu nghị Việt - Lào
Hơn cả một tour du lịch
"Chiến tranh đã lùi xa, cỏ xanh đã phủ kín những hố bom ngày nào trên chiến trường Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào). Nơi đây đã có nhiều đổi thay với con đường thẳng tắp, cuộc sống người dân phát triển, sung túc hơn. Duy chỉ có những chiếc chum đá là vẫn hiên ngang nằm đó. Nó gợi cho chúng tôi, những cựu quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên chiến trường Lào nhớ về sự ác liệt, tàn khốc của chiến tranh. Ở đây, từng tấc đất, ngọn cây đều có dấu chân, những giọt mồ hôi, những giọt máu của các chiến sỹ hai nước Việt - Lào. Chúng hòa quyện với nhau để đổi lấy độc lập của cả hai dân tộc. Cánh đồng Chum xứng đáng là một trong những địa chỉ đỏ di tích cách mạng, để các thế hệ con cháu hai dân tộc hành hương, tìm về!" - đó là chia sẻ của cựu chiến binh Nguyễn Tiến Dũng (Hà Nội) khi về thăm lại Cánh đồng Chum, chiến trường ác liệt trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân Việt - Lào.
Đoàn cựu chiến binh Việt Nam thăm Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng. (Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng) |
Từng có cơ hội tham gia tour du lịch thăm lại chiến trường tại Lào, bà Hà Thị Thu (Thanh Hóa) cho biết "Mỗi cung đường, mỗi hành trình đã mang đến cho tôi những xúc cảm đặc biệt. Đó là lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ Việt Nam đã gắn bó đoàn kết với nhân dân Lào. Đó cũng là sự tự hào về tình cảm thủy chung hiếm có trên thế giới, là viên ngọc quý của hai dân tộc".
Đối với rất nhiều người lính quân tình nguyện Việt Nam đã từng sống, chiến đấu trên mảnh đất Lào và thân nhân của họ, trở về chiến trường xưa là niềm mong ước và nguyện vọng cháy bỏng. Nắm bắt được nhu cầu ấy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã phát triển các tour du lịch đưa các cựu chiến binh và thân nhân thăm lại chiến trường xưa trên đất nước Triệu voi.
Các tour du lịch hoài niệm, thăm chiến trường xưa được thiết kế đa dạng với nhiều điểm đến là những địa chỉ đỏ di tích cách mạng như: Cánh đồng Chum, hang Thẩm Piu, thị trấn Mường khun, công trường đá Thà khẹt, Dốc Thông, đèo Thẩm Thuội, núi Phu keng, thị xã Sầm nưa... Đây là những địa danh tiêu biểu - nơi mà liên quân Việt - Lào đã phối hợp tác chiến trong thời kỳ kháng chiến chống kẻ thù chung. Một số nơi là bản làng nơi bộ đội Việt Nam từng đóng quân để thăm hỏi cảm ơn bà con dân bản đã đùm bọc cưu mang giúp đỡ quân tình nguyện Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến.
Tour du lịch cũng kết hợp đưa du khách đi thăm một số công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa, kinh tế, danh thắng nổi tiếng của đất nước Lào như: tượng đài các lãnh tụ của Lào, khu tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh, những ngôi chùa cổ hơn ngàn năm tuổi, nhà máy thủy điện, trung tâm thương mại, khu du lịch sinh thái...
Sợi chỉ đỏ thắt chặt tình dân
Vượt chặng đường gần nghìn cây số, những cựu chiến binh người Việt ở tuổi 70, 80 tới Lào. Các cựu chiến binh tuy tuổi cao, sức yếu nhưng tinh thần phấn chấn, cùng múa, hát, ôn lại những kỷ niệm thời bom đạn trên đất nước Triệu Voi. Họ khát khao trở lại vùng đất năm xưa để gặp các đồng chí, những người bạn Lào thân thiết từng kề vai, sát cánh, chung chiến hào chống kẻ thù trong thời đạn bom ác liệt.
Du lịch hoài niệm thường được tổ chức vào mùa khô ở Lào (từ tháng 11 đến tháng 4) và vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7. Không chỉ có các doanh nghiệp phát triển loại hình này, các đơn vị như Hội Cựu chiến binh, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào, Ban liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào cũng thường xuyên tổ chức hoạt động ý nghĩa này cho hội viên của mình.
Không chỉ là những chuyến du lịch của những cựu chiến binh, đây là dịp để hoài niệm, hồi niệm, tìm đồng đội, hay tri ân những người từng chung vai sát cánh ở thời khắc lịch sử.
Ông Dương Mạnh Việt, Trưởng Ban liên lạc Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên trong lần trở lại Sầm Nưa tháng 6/2023 nói: Khi mới giải phóng (tháng 3/1970), Sầm Nưa hoang vắng, tiêu điều mà nay đã trở nên nhộn nhịp. Đường phố thông thoáng, có nhiều ô tô, xe máy lưu thông; hàng hóa được bày bán trong các cửa hiệu, khu thương mại khá phong phú. Đời sống người dân được cải thiện, nhà nào cũng có xe máy, ti vi; trẻ em được đến trường học chữ… Ông và nhiều thành viên trong đoàn rất vui khi lần trở lại này thấy vùng căn cứ địa cách mạng Sầm Nưa đã có những đổi thay rõ nét. Nếu trước đây, họ đến đây, chiến đấu cùng dân tộc Lào với vai trò là chiến sĩ, quân tình nguyện. Thì nay, họ vẫn vẹn nguyên tình cảm đó, hiện, họ là những người làm trong hội hữu nghị Việt - Lào; gắn kết tình dân hai nước.
Ở một khía cạnh, du lịch chiến trường xưa có ý nghĩa tâm linh phù hợp với truyền thống nhân văn cao đẹp, đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân Việt Nam. Ngoài các cựu chiến binh, thân nhân, bạn bè của những người đang sống và đã hy sinh; lớp trẻ hôm nay cũng muốn tìm hiểu, muốn tri ân công lao của cha anh...
Nhân dân bản Nacasao (tỉnh Salavan) đón chào đoàn cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam về thăm chiến trường xưa. (Ảnh: Bùi Thượng Toản) |
Theo đại diện một lãnh đạo tổ chức nhân dân: Du lịch chiến trường xưa còn là hoạt động ngoại giao nhân dân tích cực và hiệu quả, hướng tới hòa bình, hợp tác, hữu nghị. Đây là cơ hội để người dân hai nước đặc biệt là những người trẻ tìm hiểu về lịch sử, quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt - Lào từ đó tri ân công lao của cha anh.