Đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý và vận động PCPNN
Ngày 17/3, tại Hà Nội, Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (Ủy ban) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban toàn quốc công tác phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) để tổng kết công tác năm 2020 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2021. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
Tại Hội nghị, các địa phương, bộ/ngành đã trao đổi, thảo luận về tình hình công tác phi chính phủ nước ngoài năm 2020 và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể cho công tác này trong năm 2021.
Thanh Hóa: lan tỏa, nhân rộng mô hình dự án tốt
Ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại điểm cầu Thanh Hóa. |
Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu lên những kết quả nổi bật về tình hình công tác PCPNN tại Thanh Hóa. Theo đó, năm 2020 giá trị viện trợ của tỉnh vẫn duy trì ở mức cao, toàn tỉnh có 62 tổ chức PCPNN đang hoạt động, triển khai 48 chương trình, dự án, giá trị cam kết đạt 8,7 triệu USD, giá trị giải ngân đạt 7,2 triệu USD, khoảng 1,7 triệu lượt người hưởng lợi. Mặc dù giá trị viện trợ không lớn, nhưng có ý nghĩa thiết thực, trực tiếp và kịp thời đến các đối tượng yếu thế trong xã hội, được chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao. Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều mô hình dự án tốt của tỉnh đã được các tỉnh đến học tập kinh nghiệm và nhân rộng.
Thông tin về nhiệm vụ trong năm 2021, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện các chương trình, dự án viện trợ PCPNN đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng tổ chức xúc tiến, vận động viện trợ tại Hà Nội và một số địa bàn trọng điểm khác; xây dựng, triển khai hiệu quả Kế hoạch tăng cường hợp tác và vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2021, giá trị viện trợ vượt năm 2020 và duy trì trong tốp đầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan Trung ương sớm ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 12/2012/NĐ-CP của Chính phủ để tạo ra hành lang pháp lý, giúp quản lý tốt hoạt động của các tổ chức PCPNN; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam; tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác PCPNN tại các địa phương.
Quảng Bình: Mong được giới thiệu nhiều dự án phù hợp với địa phương
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong phát biểu tại hội nghị. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong cho biết, trong năm 2020, trên địa bàn Quảng Bình có 42 chương trình, dự án PCPNN được thực hiện, bao gồm 36 chương trình, dự án mới và 6 chương trình, dự án chuyển tiếp với tổng số vốn cam kết là trên 15.000.000 USD. Trong đó, tổng vốn đã giải ngân trên 6.600.000 USD. Nổi bật trong công tác PCPNN tại Quảng Bình năm 2020 tập trung trên 2 lĩnh vực: khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh và khắc phục hậu quả thiên tai.
Báo cáo của tỉnh Quảng Bình cũng nêu rõ một số khó khăn, vướng mắc và kế hoạch công tác PCPNN tại Quảng Bình năm 2021. Trên cơ sở đó, kiến nghị Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN, Ban điều phối viện trợ nhân dân hỗ trợ tỉnh giới thiệu nhiều hơn các chương trình, dự án phù hợp với thực tiễn địa phương. Đặc biệt là các chương trình, dự án nhằm giúp tỉnh phục hồi sau thiên tai; bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, giáo dục đào tạo, hỗ trợ người khuyết tật, trẻ em mồ côi, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng Nai: Kiến nghị tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác vận động PCCPNN tại địa phương
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức phát biểu tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai. |
Tại Đồng Nai, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, năm 2020, tỉnh đã ban hành Chương trình tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2025. Qua đó, tỉnh đã tập trung vào các nhiệm vụ trong tâm: tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và địa phương gắn với đề cao tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt của cơ quan chuyên trách, đầu mối trong vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài đã thu hút nguồn viện trợ vào tỉnh. Năm 2020, tổng giá trị cam kết viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh là trên 100 tỷ đồng.
Cũng tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đề nghị Bộ Ngoại giao, VUFO tiếp tục quan tâm công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức địa phương làm công tác vận động phi chính phủ nước ngoài nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại nhân dân trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay. Đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có địa bàn hoạt động tại nhiều tỉnh, thành, Đồng Nai đề nghị cơ quan thẩm quyền xem xét, hướng dẫn để các tổ chức này tập trung thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra, tránh tình trạng ghi danh nhiều địa bàn song việc triển khai chỉ vào một vài nơi…
Yên Bái: Kiến nghị tổ chức các đoàn công tác chia sẻ kinh nghiệm trong công tác vận động PCPNN
Ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: “Trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 40 chương trình, dự án của các tổ chức PCPNN được triển khai, thực hiện. Trong đó có 22 chương trình, dự án chuyển tiếp, 18 chương trình dự án phê duyệt, tiếp nhận mới với tổng giá trị giải ngân của chương trình, dự án là trên 4,7 triệu USD tương đương 108 tỷ đồng. Các chương trình, dự án tập trung vào các lĩnh vực: phát triển kinh tế xã hội, giáo dục đào tạo, giải quyết các vấn đề xã hội, y tế, tài nguyên - môi trường …”
Trong năm 2021, tỉnh Yên Bái dự kiến phê duyệt và tiếp nhận mới trên 20 chương trình, dự án viện trợ từ các tổ chức PCPNN, các đại sứ quán và các tổ chức cá nhân nước ngoài. Giá trị giải ngân của các chương trình, dự án dự kiến đạt 130 tỷ đồng (tương đương 5,6 triệu USD) tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, nông, lâm, ngư, nghiệp và phát triển nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp…
Tỉnh Yên Bái đề nghị Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN quan tâm hỗ trợ tỉnh Yên Bái trong công tác vận động nguồn viện trợ từ các tổ chức PCPNN ngoài như: giới thiệu các tổ chức PCPNN chưa có địa bàn hoạt động tại tỉnh đến thăm, làm việc và khảo sát chương trình, dự án tại địa phương. Đẩy nhanh thủ tục gia hạn, bổ sung giấy đăng ký hoạt động, giấy đăng ký lập văn phòng dự án, giấy đăng ký lập văn phòng đại diện cho các tổ chức tổ chức PCPNN có địa bàn hoạt động tại tỉnh Yên Bái. Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái cũng kiến nghị Uỷ ban tăng cường mở các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về công tác vận động viện trợ PCPNN; các quy định của pháp luật có liên quan nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác PCPNN của tỉnh; tạo điều kiện cho tỉnh Yên Bái tham gia các đoàn công tác của Bộ Ngoại giao, Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN hoặc của VUFO đi thăm và làm việc với các tổ chức PCPNN để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác vận động viện trợ PCPNN …
Đà Nẵng: Xúc tiến, vận động viện trợ không hoàn lại tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu thành phố Đà Nẵng. |
Tại Đà Nẵng, trong năm qua, toàn thành phố vận động, tiếp nhận được 54 chương trình, dự án, viện trợ lẻ (tăng 17 dự án so với năm 2019) với tổng kinh phí cam kết hơn 87,5 tỷ đồng. Trong đó, Sở Ngoại vụ vận động 13 dự án với kinh phí cam kết hơn 10,9 tỷ đồng. Các chương trình, dự án được tài trợ tập trung vào các nhóm yếu thế của xã hội như: Trẻ em, phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật; chủ yếu ở các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, môi trường, các vấn đề xã hội.
Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh COVID-19, Sở Ngoại vụ và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã vận động các tổ chức Save the Children, FHF, AOGWR, ASSORV, WVI, VVOB, PALS, GIBTK, OneSky và một số cá nhân nước ngoài chung tay hỗ trợ người yếu thế ứng phó với dịch bệnh với tổng số tiền 4,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 có ảnh hưởng rất lớn đến công tác viện trợ, nhiều dự án đã được phê duyệt không thể triển khai đúng tiến độ và không được giải ngân trong năm 2020. Bên cạnh đó, một số đơn vị như Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố, Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố... phản ánh quy trình thủ tục tiếp nhận viện trợ dưới dạng tình nguyện viên nước ngoài theo Nghị định số 11/2016/NĐ-CP của Chính phủ còn phức tạp, chưa hiệu quả, gây kéo dài thời gian xử lý và tiếp nhận tình nguyện viên của các đơn vị. Một số tổ chức hội của người yếu thế, đặc biệt là người khuyết tật trên địa bàn thành phố còn chậm triển khai dự án do thiếu hụt về nhân lực.
Năm 2021, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục xúc tiến, vận động viện trợ không hoàn lại tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như: Xây dựng thành phố thông minh, thành phố môi trường, thành phố thân thiện với trẻ em, giáo dục, y tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em...
Đồng thời, hỗ trợ có hiệu quả các chương trình, dự án lớn như: Sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em của UNICEF; Chương trình Vùng đô thị quận Sơn Trà do tổ chức Tầm nhìn Thế giới tài trợ; dự án Xây dựng thí điểm mô hình quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn do UNDP và GEF SGP tài trợ; dự án Trung tâm Chăm sóc và giáo dục mầm non OneSky - Đà Nẵng do tổ chức OneSky tài trợ...
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Phan Anh Sơn đề nghị các cơ quan trung ương và các địa phương cần tiếp tục phối hợp hiệu quả hơn, đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý và vận động PCPNN để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý hoạt động và vận động viện trợ của các tổ chức, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế xã hội.
Trong năm 2021, công tác quản lý sẽ tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về công tác PCPNN, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan và địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát và theo dõi xu hướng, chuyển đổi mục tiêu viện trợ của các tổ chức PCPNN. Các Bộ ngành, địa phương mở rộng đối tượng và phương thức vận động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và thúc đẩy quan hệ đối ngoại, đối ngoại nhân dân.