Đổi "khẩu vị", Quỹ ngoại Dragon Capital đang săn đón những cổ phiếu nào ở Top dưới?
Thời gian gần đây, các quỹ ngoại trong nhóm Dragon Capital đầu tư mạnh vào các mã cổ phiếu nhóm bất động sản tầm trung, trong đó, có thể kể đến như Hải Phát Invest (HPX), CENLand….
Được biết Thành lập vào năm 1994, đến nay, Dragon Capital cùng các đối tác liên kết hiện quản lý tổng tài sản trên 2,5 tỷ USD thông qua việc đầu tư vào các công ty niêm yết, doanh nghiệp tư nhân, thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản.
Thời gian gần đây, Dragon Capital được nhắc đến thường xuyên bởi hàng loạt các thương vụ trao tay đình đám với những mã cổ phiếu cực “hot”.
Theo đó, trong năm 2017, chỉ tính riêng quỹ đầu tư lớn nhất thuộc quản lý của Dragon Capital – Vietnam Enterprise Investment Ltd (VEIL) ghi nhận sức tăng trưởng bất ngờ.
Tính đến thời điểm 20/12, tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của VEIL tăng trên 55% so với năm 2016, đạt 1.514 tỷ USD. Giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ đạt 6,82 USD/ccq, tăng khoảng 54% so với thời điểm 31/12/2016.
Mức tăng trưởng ấn tượng trên có được là do danh mục đầu tư của quỹ này chứa nhiều mã cổ phiếu “khủng” như MWG, FPT, VNM, ACB hay MBB.
Top 10 mã cổ phiếu đứng đầu trong danh mục đầu tư của Dragon Capital tính đến 31/5/2018
Tuy nhiên, để tìm kiếm động lực tăng trưởng mới cho năm 2018 cũng như các năm tiếp theo, từ đầu năm đến nay, Dragon Capital đã có khá nhiều các giao dịch mua/bán với giá trị lớn để tái cơ cấu danh mục đầu tư. Điển hình là hiện tượng lần lượt thoái vốn khỏi FPT của các nhóm quỹ trong nhóm này, với gần 6 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.
Trong khi đó, Dragon Capital lại tập trung đầu tư vào lĩnh vực bất động sản ở phía nam như Vinhomes (VHM), Khang Điền (KDH), Đất Xanh (DXG)…
Chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản tầm trung?
Sau quá trình tái cơ cấu danh mục đầu tư, tính đến cuối tháng 6/2018, lĩnh vực bất động sản đã vượt qua ngân hàng trở thành nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư trị giá 1,5 tỷ USD của VEIL với 27.34%.
Sự dịch chuyển về cơ cấu nhóm ngành đầu tư của Dragon Capital
Theo đó, Dragon Capital tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào phân khúc bất động sản tầm trung tại Hà Nội với các doanh nghiệp như CEN Land, Hải Phát Invest…
Cụ thể, trong tháng 12/2017, tại Hà Nội, Dragon Capital đã ký kết Hợp đồng đầu tư và chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) với tỷ lệ cổ phần tham gia là 15% vốn điều lệ.
Việc Dragon Capital đầu tư vào Hải Phát ở thời điểm cuối năm 2017 có thể coi là đúng thời điểm ở bản lề trước khi doanh nghiệp này bước vào thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ.
Được biết, Hải Phát Invest thành lập năm 2003, là doanh nghiệp bất động sản nổi tiếng khu vực phía Tây Nam Hà Nội, với số vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 2.000 tỷ đồng.
Năm 2018, Hải Phát đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 450 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2017. Trong đó, nguồn thu chính dự kiến sẽ đến từ các dự án: Hải Phát Plaza (Roman Plaza), Dự án Nhà ở xã hội Phú Lãm (The Vesta), Dự án Khu đô thị mới Phú Lương tại quận Hà Đông – Hà Nội và Dự án Đất đấu giá Trâu Quỳ tại huyện Gia Lâm – Hà Nội.
Ngày 24/7 tới đây, cổ phiếu HPX của Hải Phát sẽ chính thức giao dịch trên sàn HoSE với giá tham chiếu 26.800 đồng/CP, tương đương với mức vốn hóa thị trường của Hải Phát đạt hơn 4.000 tỷ đồng.
Sau khi lên sàn, Hải Phát dự kiến sẽ tăng vốn từ mức 1.500 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng nhằm gia tăng năng lực tài chính.
Hiện, số cổ phần nắm giữ tại Hải Phát Invest đang là khoản đầu tư lớn thứ 5 trong ngành bất động sản của Dragon Capital. Sau khi niêm yết, giá trị của khoản đầu tư này có thể lên đến gần 40 triệu USD.
Nằm trong số các doanh nghiệp được Dragon Capital đầu tư vào đầu năm 2018 còn có CTCP Bất động sản Thế kỷ - CENLand.
Theo đó, vào đầu tháng 4 vừa qua, Dragon Capital đã chính thức đầu tư vào CenLand với việc chi 11 triệu USD để được sở hữu 13% cổ phần Công ty này.
Khác với HPX chuyên về phát triển dự án, CENLand là doanh nghiệp chuyên về môi giới bất động sản được thành lập từ năm 2002. Sau 16 năm phát triển, CENLand đã có 56.000 giao dịch thành công. Tại thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản đạt 1.054 tỷ đồng với vốn chủ sở hữu 578 tỷ đồng.
Theo giới thiệu trung bình mỗi năm, CENLand phân phối hơn 1 vạn sản phẩm. Hiện, CENLand đang là doanh nghiệp đứng đầu thị phần môi giới BĐS tại Việt Nam hiện nay và là đối tác của hơn 100 nhà phát triển bất động sản, nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam.
Bên cạnh đó, CENLand cũng tiến hành nộp hồ sơ đăng ký niêm yết và dự kiến sẽ lên sàn trong Quý III năm nay.
Mới đây, tại buổi Roadshow trước thềm niêm yết giới thiệu về cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp mình, lãnh đạo CENLand đã tiết lộ với nhà đầu tư về việc doanh nghiệp này sẽ niêm yết với giá từ 50.000 -60.000 đồng/CP.
Phát biểu tại buổi roadshow, ông Vũ Hữu Điền - Phó TGĐ đầu tư, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư của Dragon Capital cho bết: "Một số điều khoản giữa hai quỹ ký với CENLand được bảo mật. Tuy nhiên, chúng tôi là những nhà đầu tư dài hạn, đầu tư vào CENLand vì đây là công ty duy nhất trong mảng môi giới BĐS, tiềm năng lớn. Chúng tôi chưa có ý định thoái vốn khi CENLand niêm yết. Câu chuyện với CENLand với chúng tôi chỉ là khởi đầu, với mức giá 50.000 – 60.000 đồng/CP mà thoái vốn thì chưa phải mong muốn của chúng tôi".
Ngoài ra, theo báo cáo cho biết, hiện Dragon Capital đang nắm giữ gần 5% cổ phần của CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest (MÃ CK: VPI) khi doanh nghiệp này lên niêm yết trên sàn Hà Nội.
Được biết, ngày 28/11/2017, Văn Phú Invest đã đưa 160.000.000 cổ phiếu lên niêm yết trên HNX với giá tham chiếu 27.600 đồng/CP, vốn hóa doanh nghiệp trong ngày giao dịch đầu tiên đạt mức 4.416 tỷ đồng.
Sau 7 tháng niêm yết, ngày 29/6 vừa qua, toàn bộ 160.000.000 cổ phiếu VPI của Văn Phú Invest đã chính thức chuyển sang giao dịch tại sàn HoSE với mức giá tham chiếu là 43.500 đồng/CP. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/7, cổ phiếu VPI dừng ở mức 41.650 đồng/CP, tương đương vốn hóa của Văn Phú Invest đạt 6.664 tỷ đồng.
Mới đây, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, Văn Phú Invest đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018 với mức tăng trưởng khá tham vọng, cả doanh thu và lợi nhuận hợp nhất đều có mức tăng gấp hơn 2 lần năm 2017. Cụ thể: mục tiêu doanh thu ước đạt 2.333,76 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt 603,49 tỷ đồng.
Theo đó, để hoàn thành kế hoạch này, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các dự án trong năm 2017, năm 2018 Văn Phú Invest sẽ đồng loạt triển khai 4 dự án lớn. Các dự án mới triển khai đều nằm ở những vị trí rất đắc địa, có tính thanh khoản cao và đều là đất vàng, bao gồm: Dự án The Terra - Hào Nam, Dự án Grandeur Palace - Giảng Võ, Dự án The Terra - An Hưng và Dự án Grandeur Palace – Phạm Hùng.
Tại sao Dragon Capital chọn Hải Phát Invest, CENLand, Văn Phú Invest?
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu của Dragon Capital cho hay, từ năm 2014 đến nay, khi những thương vụ IPO và thoái vốn lớn nhất diễn ra, Dragon Capital đã đầu tư vào Novaland (NVL), Vingroup (VIC), Vincom Retail (VRE) hay Viglacera (VGC).
Dragon Capital cũng là cổ đông lâu năm của Đất Xanh Group (DXG) – doanh nghiệp được coi là "ông trùm" trong lĩnh vực môi giới bất động sản và Khang Điền (KDH)– một doanh nghiệp tên tuổi trong ngành bất động sản.
Nhưng nếu như Novaland, Khang Điền hay Đất Xanh thuộc lớp doanh nghiệp top trên theo quy mô tài sản và vị thế trong ngành thì Cen Land, Hải Phát, Văn Phú Invest…lại thuộc lớp doanh nghiệp "nhóm 2" với quy mô cỡ vừa.
Trả lời câu hỏi về xu hướng đầu tư nói trên của Dragon Capital, ông Nguyễn Anh Tuấn nói: "Gần đây các thương vụ diễn ra chủ yếu ở Hà Nội với xu hướng các doanh nghiệp quy mô nhỏ đang chuyển mình để trở thành những tên tuổi mới".
Theo Giám đốc Nghiên cứu của Dragon Capital, thị trường bất động sản trung cấp ở Hà Nội hiện đang rất phân mảnh và chưa nhiều tên tuổi lớn. Trong khi đó tại TP.Hồ Chí Minh, phân khúc trung bình đã bắt đầu định hình với Đất Xanh, Nam Long, Khang Điền hay Hưng Thịnh. Dragon Capital tin tưởng rằng thị trường Hà Nội cũng sẽ đi theo xu hướng này và Hải Phát, Văn Phú, CEN Land có nhiều lợi thế để chiếm lĩnh thị trường. Đây cũng là cơ hội để quỹ ngoại này đa dạng hóa danh mục tới thị trường bất động sản miền Bắc vốn còn nhiều tiềm năng nhưng lại có ít doanh nghiệp tốt trên sàn.
"Các doanh nghiệp cỡ vừa có nhiều cơ hội để vươn lên trong những tới – điều này nằm trong xu thế ngày càng cô đặc về thị phần của ngành bất động sản." – ông Tuấn đánh giá.
Theo đó, người mua nhà ngày càng khắt khe hơn sẽ giúp sàng lọc những doanh nghiệp yếu và nhường lại thị trường cho các doanh nghiệp bài bản. Ngoài ra việc gia tăng quỹ đất ngày càng khó do giá tăng nhanh và có sự tham gia quyết liệt của các chủ đầu tư nước ngoài.
Điều này khiến những doanh nghiệp yếu về vốn cũng sẽ dần bị đảo thải. Chính vì vậy các doanh nghiệp cỡ vừa có thương hiệu, chiến lược bài bản và sức khỏe tài chính tốt sẽ có nhiều cơ hội để phát triển mạnh.
Trên thực tế, nhiều mã cổ phiếu được quỹ ngoại săn đón, đầu tư, doanh nghiệp có sự phát triển nhất định và giá cổ phiếu có sự tăng trưởng mạnh thần kỳ. Tuy nhiên, giá một số cổ phiếu đạt đỉnh giá, quỹ ngoại đã tiến hành thoái vốn nhằm chốt lời. Sau khi bị quỹ ngoại thoái vốn, giá các cổ phiếu này đã suy giảm nghiêm trọng trong thời gian dài, khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ khốn đốn.
Ánh Phượng
Theo Báo Thời Đại