Độc đáo nghề làm giấy dó của người Mông, Lào Cai
Người dân tộc Mông quan niệm giấy dó không phải là loại giấy thông thường mà là phương thức để gắn kết giữa người sống và người đã khuất, nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn (Ảnh: TTXVN). |
Trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mông, giấy dó có ý nghĩa tâm linh vô cùng quan trọng. Giấy dó được sử dụng trong các dịp đặc biệt như ngày Tết, cúng tổ tiên, các nghi thức lễ tế, đám ma… Theo quan niệm của đồng bào Mông, giấy dó là phương tiện, là phương thức để gắn kết giữa người sống và người đã khuất, nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn.
Loại giấy này được làm thủ công từ cây tre, vầu và phải lựa những cây “bánh tẻ”. Cây tre, vầu sẽ được chẻ nhỏ, nấu cùng tro bếp và vôi bột khoảng một đêm, sau đó cho vào tải và thùng ủ. Đến khi mềm thì đem ra đập nát rồi lọc lấy nước, vớt các thứ xơ bỏ ra ngoài. Nước tre, vầu (bột giấy) được hoà vào nước sạch, đảo đi, đảo lại cho đến khi bột tan hết. Thân tre, vầu chỉ còn lại những sợi nhỏ li ti, lúc đó có thể bắt đầu làm giấy.
Khi bột giấy đã dàn đều, sẽ dựng khung nghiêng theo hướng ánh nắng mặt trời để phơi giấy cho khô. Giấy khô thì gỡ mép giấy trước, sau đó lột cả tờ giấy lên, vậy là hoàn thành việc làm giấy. Giấy dó làm bằng tre vầu có độ mịn cao, màu vàng tươi đẹp mắt.
Nghề làm giấy dó ở Nậm Than còn được biết đến như một trải nghiệm thú vị khi du khách đến thăm quan. Đây cũng là cách để bà con người Mông lưu giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc mình trong đời sống hiện đại.