Độc đáo lễ Vu Lan trên khắp thế giới
Lễ hội Vu Lan ở mỗi quốc gia đều có nét đặc trưng riêng, điển hình như ở Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam...
Lễ cúng cô hồn và nghi thức cài hoa hồng đặc sắc tại Việt Nam
Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, cứ đến ngày rằm tháng 7 mọi người khắp nơi lại tưng bừng tổ chức ngày lễ Vu Lan với tâm nguyện nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Vào ngày lễ Vu Lan, mọi người cùng nhau đến chùa để thắp nhang, khấn nguyện, cầu siêu cho người đã khuất, cầu mong cho gia đình, người thân được nhiều cơ may, hạnh phúc.
Nghi thức cài hoa lên áo chỉ có ở Việt Nam
Nhiều nơi còn tổ chức đại lễ trai đàn chẩn tế để cúng dường, bố thí và cầu nguyện cho chư vị âm linh, vong linh cô hồn. Có một nghi thức rất đặc biệt, rất riêng mà chỉ có người Việt mới tổ chức trong ngày lễ Vu Lan, do thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng lên cách đây vài chục năm. Đó là nghi thức cài bông hồng vào ngày lễ Vu Lan.
Những ai cài bông hoa màu đỏ, màu hồng là có ý nghĩa cảm tạ trời đất vì mình còn được phụng dưỡng cha mẹ. Còn người cài hoa trắng là những người không còn bậc sinh thành. Nghi thức cài hoa hồng này đã khiến nhiều người rơi nước mắt khi phải ngậm ngụi cài lên ngực áo một đóa hồng màu trắng, cũng có không ít người hồi tâm tỉnh giác, trở nên hiếu thảo với cha mẹ hơn, sống tốt hơn.
Tết Trung nguyên của người Hoa
Theo quan niệm của Đạo giáo Trung Hoa, 1 năm, các vị thần linh trên thiên giới có 3 đợt suy xét về cái thiện cái ác của người trần gian. Đó là ngày Rằm tháng Giêng – Tết Thượng nguyên, Rằm tháng 7 – Tết Trung nguyên và Rằm tháng 10 – Tết Hạ nguyên.
Trong đó, Tết Thượng nguyên là ngày quan trên trời thí lộc, quan dưới đất xá tội vào Tết Trung nguyên, còn Tết Hạ nguyên được coi là thời điểm quan dưới nước giải cứu ách nạn. Vào Tết Trung nguyên, người ta thường phổ độ cho cô hồn ngạ quỷ, vì trùng với ngày Rằm tháng 7 âm lịch.
Người Hoa thường thả đèn lồng hoa sen, giúp dẫn đường cho cô hồn, ngạ quỷ vào ngày Tết Trung nguyên
Thông thường, các Phật tử ở Trung Hoa tổ chức Tết Trung nguyên từ ngày đầu tháng 7 cho đến hết ngày 30. Ngày cúng có thể được lựa chọn sao cho hợp lý. Có nơi, người dân cho rằng, ban đêm, sau khi đã đón được linh hồn tổ tiên về nhà thì ban ngày phải dâng lễ cúng ba bữa. Từ mùng 1 tới hết tháng, mỗi lần dâng lễ đều phải đốt tiền vàng quần áo.
Người Hoa cũng chia việc cúng bái thành cúng cho người mới qua đời và cho những vong hồn lâu năm khác nhau. Người mới qua đời là người khuất núi trong vòng 3 năm đổ lại, những vong hồn lâu năm là những người đã mất trên 3 năm.
Tại Trung Quốc, phong tục hóa vàng ở mỗi nơi mỗi khác
Khác với Trung Quốc đại lục, người Đài Loan hóa vàng theo cách này để tưởng nhớ tổ tiên mỗi dịp Tết Trung nguyên
Trên mâm cúng của người Hoa ngày nay, nhất định không thể thiếu món dưa, cùng hoạt động đặc sắc nhất là thả đèn lồng hoa sen giúp dẫn đường cho cô hồn, ngạ quỷ. Trong ngày Tết Trung nguyên, chư tăng thường tổ chức các buổi lễ cầu nguyện cho người quá cố.
Những khóa lễ đặc biệt được tổ chức ở chùa chiền suốt cả ngày lẫn đêm, để cầu nguyện cho các vong linh đã quá vãng, cho những vong hồn đang bị đói khát giày vò nơi cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ được ấm no, an lành.
Tại Bắc Kinh các khóa lễ được tổ chức ở các chùa trong suốt mùa lễ
Ở Bắc Kinh, trong mùa Vu Lan, người ta đi thăm viếng phần mộ của người thân đã quá cố và sửa sang, quét dọn lăng mộ. Việc cúng thực phẩm và đốt giấy tiền, vàng mã cho những người đã khuất mang theo niềm tin rằng linh hồn họ sẽ nhận được. Nhờ vậy, các vong linh ấy sẽ đỡ khổ cực, vất vả, đồng thời không quấy rầy đến công việc làm ăn, cuộc sống và phù hộ người trần ăn nên làm ra. Ở Thượng Hải, có tục thả đèn lồng hoa sen nhưng phía đuôi thuyền sẽ đốt đèn giấy có màu xanh đỏ.
Phong tục nặn hình bằng bột ngũ cốc cúng tổ tiên...
Tại Giang Tây, những đĩnh tiền bằng giấy kiêng không cho thai phụ động tới. Nếu không, khi xuống dưới âm phủ, người chết sẽ không sử dụng được
Tại các địa phương khác, có những tập tục hay và lạ như: thả 4 chiếc thuyền trên sông, một thuyền chứa kinh Phật, một thuyền chở những đĩnh tiền làm bằng giấy thiếc, một thuyền đặt đèn lồng và thuyền còn lại chứa đồ ăn cúng lễ cho cô hồn tại tỉnh Giang Tô. Ngoài ra, còn có truyền thông nặn hình mèo hổ bằng bột ngũ cốc cúng tổ tiên, hay nặn hình trẻ nhỏ từ bột mì tặng cho các em bé trong dòng tộc hoặc giết dê tế thần ở Sơn Tây; hay gọt dưa chuột thành hình chiếc thuyền và hóa cùng đồ cúng ở Vân Nam.
Tạo hình trẻ nhỏ được nặn để tặng cho các em bé trong dòng tộc vào dịp Tết Trung nguyên ở Sơn Tây, Trung Quốc
Ở Phúc Kiến, vào ngày lễ Vu Lan, tất cả những người con gái đã thành gia thất – dù ở nơi nào – cũng phải về tặng quà cho cha mẹ. Món quà đó được đặt trong chiếc hòm hoặc rương, gồm quần áo mũ mão.
Người dân Quảng Tây thường giết vịt để cúng bái tổ tiên vào ngày Rằm tháng 7
Riêng ở Quảng Tây, người dân thường giết vịt để cúng bái vì cho rằng các linh hồn thường đứng trên mình vịt, nhờ vịt “cõng” mà có thể tự do đi lại giữa âm thế và dương gian. Người Hoa tại đây hành lễ Vu Lan từ mùng 7 âm đến tối 14 âm (hoặc 13 âm), để đón tiếp và tống tiễn tổ tiên. Sau khi làm lễ tống tiễn có đồ ăn mặn, người nhà sẽ phải đốt bao lì xì có ghi tên húy của tổ tiên.
Lễ cướp đồ – một hoạt động văn hóa độc đáo thường được tổ chức ở Đài Loan trước đây...
Còn tại Đài Loan, người dân có một nghi thức khá đặc biệt vào ngày lễ Vu Lan là cướp đồ. Đồ lễ hoặc cờ quạt được treo trên trụ cao, thân trụ bôi đầu dầu mỡ. Sau khi, phát hiệu lệnh leo trụ, ai leo lên trước lấy được đồ hoặc cầm được cờ sẽ là người thắng cuộc.
Người đó vừa được nhận phần thưởng vừa có vinh dự nhận được lời chúc phúc của quỷ thần. Hoạt động này khá nguy hiểm, thậm chí có người tham gia bị tử vong nên đã bị cấm tổ chức. Ngày nay Đài Loan thường tổ chức những lễ hội rước ma với quy mô lớn ở nhiều nơi trên cả nước với hai phần chính là: rước ma với các xe chở hình nộm, hoa quả và múa lân.
... đến nay, họ ưa chuộng việc tổ chức lễ rước ma mỗi dịp lễ Vu Lan
Lễ Obon của người Nhật Bản
Nhật Bản cũng có lễ Obon báo hiếu nhưng lại diễn ra vào tháng 8 dương lịch hàng năm. Trong dịp này, hầu hết những người đang ở xa đều về thăm cha mẹ, ông bà, hoặc đi viếng mộ người thân. Đây còn là lễ hội linh thiêng huyền bí của toàn nước Nhật được tổ chức tại cố đô Kyoto thơ mộng. Thường các gia đình sẽ có một đợt nghỉ khá dài, gọi là kỳ nghỉ Obon, được coi như những ngày gia đình đối với họ.
Lễ hội Obon thu hút rất nhiều người Nhật Bản cũng như du khách từ khắp các nơi trên thế giới đến chiêm ngưỡng
Các hoạt động diễn ra trên đường phố vào ngày lễ Obon hết sức sôi nổi
Nhiều hoạt động tín ngưỡng được người Nhật Bản tổ chức để kỷ niệm Lễ hội Obon này. Đặc biệt nhất là Lễ dâng lửa để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất quay trở về trời (sau khi ghé về thăm trần thế trong dịp Obon) vào đêm 16/8. Trong Lễ dâng lửa linh thiêng này, 5 đám lửa lớn sẽ được đốt lên lần lượt ở trên 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng 1 giờ đồng hồ.
Ấn tượng nhất trong lễ Obon phải kể đến là ngọn lửa cháy với hình chữ Đại
Sau khi lửa cháy hết, các điệu múa truyền thống được diễn ra
Các đám lửa được sắp xếp theo hình dạng của các chữ Hán ở năm ngọn núi, bắt đầu bằng ngọn núi chữ Đại (Daimonji), Diệu (Myo), Pháp (Ho), Thuyền (Funagata), chữ Đại nhỏ ở đỉnh núi nhỏ hơn gọi là Hidari-Daimonji, gần với Chùa Vàng, và kết thúc bằng đám lửa có hình Torii (có nghĩa là Cổng lên trời).
Mỗi đám lửa sẽ được thắp sáng trong vòng 30 phút, trong thời gian đó mọi người sẽ gửi những lời cầu nguyện đến tổ tiên. Sau khi các đám lửa đã cháy hết, các điệu múa truyền thống là Daimoku và Sashi của Lễ hội Obon sẽ được tổ chức trong vòng một tiếng đồng hồ ở chùa Yusen-ji dưới chân các ngọn núi. Lễ hội kết thúc với nghi thức thả thuyền giấy. Các con thuyền được xếp bằng giấy rồi thả theo dòng sông như là biểu tượng để tiễn đưa linh hồn những người quá cố trở về thế giới của họ.
Đèn lồng giấy được sử dụng rất nhiều trong lễ hội Obon
Nếu như ở Việt Nam có tục cúng lễ rất lớn và đốt vàng mã dâng lên người đã khuất thì người Nhật Bản cũng có những nét tương đồng. Đồ cúng thờ của họ là những chiếc bánh như bánh khảo, làm từ bột gạo màu xanh, đỏ, vàng… trông rất hấp dẫn và thường có hình hoa sen cùng những giỏ hoa quả gồm nhiều loại được trình bày rất đẹp mắt trên bàn thờ. Đồ cúng được thay đổi mỗi ngày, gồm: bánh đón linh hồn (ngày 13); bánh bột gạo (ngày 14); bún làm bằng bột mì (ngày 15) và bánh tiễn linh hồn (ngày 16).
Mâm cúng của gia đình người Nhật vào ngày lễ Obon
Lễ hội Trung nguyên của người Hàn Quốc
Theo phong tục, Rằm tháng 7 Âm lịch được người Hàn Quốc gọi là Bách Trung hay Bách Chủng, tức là 100 chủng loại hạt ngũ cốc, vì đây là thời điểm có nhiều loại rau củ quả có thể thu hoạch trong năm. Ngoài ra, người Hàn Quốc còn gọi ngày này là Lễ Trung nguyên hoặc Vu Lan Bồn như người Hoa.
Dưới đây là chùm ảnh về khung cảnh trong ngày lễ Vu Lan tại Hàn Quốc:
Dịp lễ Vu Lan báo hiếu cũng là thời kỳ để mọi người thể hiện tấm lòng tri ân, báo ân, cùng cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được tăng long phúc thọ, cha mẹ, ông bà quá cố được siêu sinh cực lac quốc.
Trước kia, khi người Hàn Quốc chưa ấn định mùng 8/5 là ngày Cha mẹ thì ngày Rằm tháng 7 đã từng đóng vai trò là ngày báo hiếu với bậc sinh thành. Kể từ khi Phật giáo truyền vào Hàn Quốc, mùa Vu Lan trở thành truyền thống báo hiếu.
Ở nông thôn Hàn Quốc, vào ngày Bách Chủng – Rằm tháng 7 âm lịch, mọi công việc đồng áng, bón phân làm cỏ cũng đã hoàn thiện. Người nông dân bắt đầu có thể nghỉ ngơi và chờ đến khi lúa chín, nên cũng không cần sử dụng đến cái liềm nữa. Chính vì thế, mà ngày rằm tháng 7 Âm lịch còn được gọi là “Ngày rửa liềm”.
Với người nông dân Hàn Quốc, ngày lễ Bách Chủng là dịp nghỉ ngơi, vui vẻ
Xưa kia, đây cũng là dịp để người ăn kẻ ở trong nhà được nghỉ ngơi, nên họ còn gọi ngày này là “Ngày sinh nhật của kẻ ăn người ở” hay “Tết của kẻ ăn người ở”. Người nông dân nghỉ việc đồng áng trong ngày Rằm tháng 7 âm lịch. Họ làm cơm nấu rượu, ăn uống thỏa thuê và khua chiêng gõ trống thổi kèn cùng nhau vui ca hát nhảy múa. Các gia chủ thì sắm quần áo mới cho tôi tớ trong nhà mình.
Ở vùng Jeolla-do, người ta còn có tập tục là mời rượu người ở những nhà có sản lượng thu hoạch lớn nhất và bầu họ là một “Trạng nguyên nông nghiệp”. Người này sẽ được bôi mặt đen, khoác áo tơi dorongi, đội nón sậy satgat và cưỡi bò đi quanh làng. Nếu người ở đó là trai chưa vợ hay là gà trống nuôi con thì còn được gả cho các cô, các bà vừa lứa, và được tặng cả đồ gia dụng.
Rằm tháng 7 âm lịch là Tết của người ăn kẻ ở, ngày vui của mọi người và là ngày chia sẻ giúp đỡ những người nghèo khó. Đây chính là nét văn hóa truyền đời đáng quý của ông cha người Hàn Quốc.
Tại một số quốc gia khác
Ngoài ra, tại Malaysia, Vu Lan còn gọi là Ngày Tổ Tiên, hay là Lễ hội tháng Bảy. Bên cạnh những việc làm thể hiện tinh thần hiếu đạo của người Á châu trong mùa Vu Lan như: thăm viếng lăng mộ, tảo mộ, dâng cúng phẩm vật cho người thân đã quá cố, cúng dường Tam bảo để hồi hướng công đức cho ông bà, cha mẹ, người ta còn tổ chức nhiều sinh hoạt tôn giáo, văn hóa mang những sắc thái riêng của quốc gia này. Theo phong tục của người Malaysia, vào ngày lễ Vu lan, người dân nghỉ làm tất cả các công việc đồng áng và cử hành nghi thức siêu độ vong linh.
Một góc lễ hội Vu Lan ở Malaysia
Tại Ấn Độ, tuy không có ngày lễ Vu Lan, nhưng tinh thần hiếu đạo trong những người con Phật thì từ xưa cho đến này đều luôn tỏ rõ. Rất nhiều bia ký được tìm thấy tại các di tích Phật giáo ở khắp Ấn Độ đều cho thấy rằng, trong suốt nhiều thế kỷ, các nhà sư cũng như tín đồ Phật giáo, từ hoàng tộc cho đến dân chúng đã xây chùa, dựng tháp, tạc tượng, dâng y... để cúng dường Tam bảo ngõ hầu hồi hướng công đức cho cha mẹ, tổ tiên và pháp giới chúng sinh.
Ngày lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích ngài Mục Kiền Liên, một trong 10 vị đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca, nhờ vào phước đức cúng dường phẩm vật lên chư Tăng trong ngày Tự tứ và sức chú nguyện của Tam bảo mà mẹ của ngài thoát được kiếp khổ ngạ quỷ, sinh về thiên giới. Noi gương hiếu hạnh của ngài Mục Kiền Liên, ngày nay những người đệ tử của Phật, đặc biệt là tại những quốc gia theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền, chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Trung Hoa, đều tổ chức lễ Vu Lan để hồi hướng phước đức, cầu nguyện cho cha mẹ hiện tại và cha mẹ trong quá khứ. |
Hồng Anh