Độc đáo chợ phiên vùng cao, biên giới Phìn Hồ
Nhộn nhịp chợ phiên
Phụ nữ dân tộc Mông thích thú khi lựa chọn, thử trang phục tại chợ phiên Phìn Hồ. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN. |
Chợ phiên Phìn Hồ thu hút đông đảo khách du lịch, người dân tìm về bởi sản phẩm hàng hóa đa dạng, phong phú, mang nét đặc trưng của đồng bào dân tộc vùng cao, biên giới. Đặc biệt hơn, chợ phiên Phìn Hồ còn hội tụ được những nét độc đáo trong văn hóa, ẩm thực và rực rỡ sắc màu thổ cẩm của các cộng đồng dân tộc Lào, Mông, Khơ Mú, Xạ Phang.
Từ sáng sớm tinh mơ, khi bản làng, núi đồi bản Pháng Chủ còn chìm trong sương đêm, mây mù và hơi lạnh, chợ phiên Phìn Hồ đã thu hút người dân tìm về. Từng dòng người, xe từ các hướng Mường Chà ngược lên, Mường Nhé xuôi về đã tấp nập, nhộn nhịp, tạo nên không khí sôi động, sầm uất tại khu vực cổng chợ.
Khi mặt trời vừa kịp gác lên dãy núi phía Đông từ mạn Si Pa Phìn cũng là lúc các hoạt động bán buôn ở chợ diễn ra. Tại cổng chợ, dễ dàng bắt gặp những dòng người dân tộc Xạ Phang, Mông đang gùi những mặt hàng nông sản (ngô, dưa, khoai...), váy, áo, cuốc, xẻng… để hòa vào nhịp bán buôn của phiên chợ. Những người xách trên tay con gà, con vịt, dắt theo con lợn cũng rảo chân nhanh hơn khi đến cổng chợ. Từng tốp trai gái thanh niên í ới gọi nhau, hối hả chen chân qua cổng.
Xuống chợ, ai cũng chọn cho mình bộ quần áo truyền thống mới nhất, đẹp nhất để làm đẹp cho chính mình và tự hào khoe với bạn bè, người thân. Du khách phương xa lần đầu tiên đặt chân đến chợ phiên Phìn Hồ sẽ có cơ hội được “lạc mắt” trước những bộ trang phục truyền thống của cộng đồng dân tộc Mông. Những bộ váy Mông được thêu thùa, may, vá với kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải tinh tế, độc đáo bằng đôi bàn tay cần mẫn, tỉ mỉ, sáng tạo phong phú của người phụ nữ Mông. Bên cạnh đó, du khách còn được chiêm ngưỡng những đôi giày thêu độc đáo của người dân tộc Xạ Phang.
Em bé người Mông thích thú khi được cùng mẹ xuống chợ phiên Phìn Hồ. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN. |
Tại địa bàn xã Phìn Hồ, cộng đồng dân tộc Xạ Phang sinh sống chủ yếu ở các bản Đề Tinh, Mo Công, Đề Pua, Mạy Hốc… Nghề làm giày thêu của người Xạ Phang và kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của dân tộc Mông đã gắn bó với đồng bào từ nhiều đời và cho đến bây giờ vẫn được những người dân nơi đây gìn giữ. Hai tri thức dân gian này đã được xếp hạng di sản phi vật thể quốc gia.
Ông Điêu Bình Dương, Bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ cho biết: Chợ phiên Phìn Hồ thuộc địa bàn bản Pháng Chủ, nằm trên vùng “yên ngựa” của một dãy đồi thấp, ngay gần trung tâm xã Phìn Hồ, cạnh quốc lộ 4H- tuyến đường huyết mạch đi huyện cực Tây Mường Nhé, nên rất thuận lợi cho người dân đến trao đổi, buôn bán hàng hóa. Chợ được mở từ nhiều năm trước, đến nay sau 2 năm phải tạm dừng hoạt động vì dịch COVID-19, đầu tháng 12/2022 chợ được mở trở lại.
Chợ không chỉ đáp ứng nhu cầu trao đổi, buôn bán hàng hóa của người dân sinh sống tại gần 10 bản vùng cao, biên giới của xã Phìn Hồ, mà còn thu hút người dân tại các xã thuộc các huyện Mường Nhé, Tủa Chùa. Nét độc đáo, đặc trưng của chợ phiên Phìn Hồ rất thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, qua đó góp phần phát triển du lịch địa phương.
Nét đặc trưng của đồng bào vùng cao
Nhạc cục khèn Mông của cộng đồng dân tộc Mông được trưng bày, bán tại chợ phiên Phìn Hồ. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN. |
Vào trung tâm chợ phiên Phìn Hồ, du khách sẽ cảm nhận được rõ ràng khung cảnh tất bật, sôi động và nét sinh hoạt đặc trưng của đồng bào dân tộc ở phiên chợ vùng cao. Thu hút đông đảo các bà, các chị, các thiếu nữ là những địa điểm bán trang phục truyền thống của đồng bào Mông, Xạ Phang. Tại đây, người dân đi chợ lựa chọn, giúp nhau thử các sản phẩm váy, khăn, mũ. Tiếng nói cười, trò chuyện rất rôm rả. Các hoạt động thêu thùa, may vá trang phục truyền thống được thực hiện bởi các chị, các mẹ cũng diễn ra tại phiên chợ.
Tại nhiều địa điểm trong khuôn viên chợ cũng dễ dàng bắt gặp các loại nông sản, đặc sản vùng cao như các loại rau rừng, củ, quả, mật ong, rượu Mông-pê, thảo quả, mắc-khén… được bày bán. Không kém phần sôi động, rộn rã tiếng nói, cười là dãy hàng quán bán đồ chín, các món ẩm thực của đồng bào vùng cao. Tại các hàng quán này, bên những bếp lửa nghi ngút khói và mùi thơm của các món ăn, du khách dễ dàng bắt gặp những món đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông, Thái, Xạ Phang như: cơm lam, thịt sấy khô, nộm da trâu, bánh sừng trâu, thắng cố ngựa, canh đậu, rượu thóc… Dãy quán ăn này thu hút khá nhiều đàn ông, họ gặp nhau ở phiên chợ, rủ nhau vào quán để gặp gỡ, hàn huyên, hỏi thăm tình hình sức khỏe và chia sẻ với nhau những kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, xây dựng bản làng ấm no.
Thu hút một lượng lớn người dân đến xem là hoạt động múa, biểu diễn khèn Mông tại những địa điểm trưng bày, bán loại nhạc cụ này. Khèn là loại nhạc cụ truyền thống của cộng đồng dân tộc Mông, chứa đựng vốn trí thức dân gian quý giá, biểu đạt phong phú qua các cách diễn đạt âm thanh, cảm xúc và được người Mông xem như “bảo vật” đầy sống động trong suốt chiều dài lịch sử định cư, lập bản và phát triển trên dải đất phía Tây của Tổ quốc. Tại những nơi này, du khách và người dân sẽ được chứng kiến những người đàn ông vừa múa, vừa thổi những bài hát ngợi ca quê hương, bản làng, giãi bày tâm tư, tình cảm bằng tiếng khèn say đắm lòng người. Những người bán khèn sẵn sàng múa, biểu diễn khèn bất cứ khi nào người đi chợ đề xuất. Khi họ biểu diễn những động tác như múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm... sẽ làm người xem trầm trồ về tài năng và có những trải nghiệm, cung bậc cảm xúc thích thú.
Anh Thào A Dính, bản Đệ Tinh (xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) cho biết: "Sáng nay, mình háo hức đưa vợ và con gái xuống chợ từ rất sớm. Vợ mình đưa con gái đi mua sắm quần áo Tết, còn mình thì mua một số nông cụ để về làm nương, làm ruộng. Phiên chợ rất đông người. Đi chợ được gặp những người quen, anh em họ hàng sinh sống cùng bản, cùng xã mình rất vui".
Niềm vui của những người phụ nữ Mông sinh sống cùng bản khi được gặp nhau tại chợ phiên Phìn Hồ. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN. |
Bà Ngải Sùi Xính, bản Đệ Tinh (xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) cũng vui vẻ cho biết: "Tôi đi chợ phiên này vừa để gặp bạn bè, người quen, họ hàng, vừa để bán giày vải truyền thống của cộng đồng dân tộc Xạ Phang mà con gái và tôi đã thêu thùa, may vá thủ công từ nhiều ngày qua. Giày vải đã bán hết rồi, giờ tôi sẽ đi chơi chợ, thăm người quen ở các gian hàng, mua một số đồ dùng sinh hoạt cho gia đình và một số hạt giống rau để về gieo trồng".
Góp phần tạo dựng điểm nhấn trong bức tranh sinh hoạt sôi động của phiên chợ vùng cao Phìn Hồ là từng tốp nam thanh, nữ tú trong trang phục truyền thống đang túm tụm trên những bãi đất trống ở khu vực giữa chợ, trên tay họ là những đôi giày, chiếc khăn quàng, mũ vừa mới mua hoặc được tặng ở chợ. Những em nhỏ xúng xinh váy hoa, mặt vui tươi đang theo chân mẹ. Các chị em dân tộc Mông đang nhanh tay thêu thùa hoa văn thổ cẩm trên những tấm vải lanh. Những thiếu nữ dân tộc Xạ Phang đang cần mẫn, chăm chỉ chế biến các món ăn bên bếp củi đượm lửa, bốc khói nghi ngút. Những đám thanh niên đi chơi chợ nhận ra người quen rồi xúm lại, xin số điện thoại của nhau và cùng chụp chung với nhau những bức ảnh để làm kỷ niệm.
Tại các điểm bày những sản phẩm nông sản, rượu và các loại củ, quả, rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh chủ hàng, thương lái dùng bảng tính trong điện thoại cộng tiền cho khách mua.
Ông Điêu Bình Dương, Bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ cho biết: Trong định hướng quy hoạch, chợ phiên Phìn Hồ sẽ mở thêm các dãy gian hàng để đáp ứng nhu cầu bán buôn của người dân, đảm bảo trong điều kiện thời tiết mưa, các gian hàng vẫn hoạt động bình thường. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng tăng cường tuyên truyền đến người dân, các tiểu thương về công tác đảm bảo vệ sinh trong khuôn viên chợ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ và gìn giữ an ninh trật tự tại các phiên chợ.
Huyện biên giới Nậm Pồ có 15 xã, với gần 10 cộng đồng dân tộc sinh sống, hơn 95% dân số của huyện là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài các chợ phiên tiêu biểu trên địa bàn như chợ phiên Ham Xoong (xã biên giới Vàng Đán), chợ phiên Vàng Lếch (xã Nậm Tin) thì chợ phiên Phìn Hồ (xã Phìn Hồ) đã đóng góp một vai trò, vị trí nhất định trong việc tạo lập nên một địa điểm để người dân mua bán, trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa, văn nghệ, ẩm thực, thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế địa phương.
Vùng 4 Hải quân tuyên truyền biển, đảo cho Học viện Tài chính Gần 1.700 thầy, cô giáo, cán bộ, nhân viên, sinh viên Học viện Tài chính đã được các báo cáo viên của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân thông tin trực tiếp về tình hình biển, đảo mới nhất hiện nay |
Xây dựng 600 căn nhà cho hộ nghèo vùng biên giới Phong Thổ, Lai Châu Ngày 18/11 tại xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu diễn ra lễ khởi công và bàn giao nhà ở cho các hộ nghèo. Đây là chương trình nằm trong đề án hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo huyện Phong Thổ (Đề án 645) của UBND tỉnh Lai Châu. |