Doanh nghiệp xuất khẩu lao động được hỗ trợ giải quyết rủi ro liên quan đến người lao động
Đào tạo kỹ năng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. |
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm 2020 Việt Nam chỉ đưa được 78.600 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 60% kế hoạch. Năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sụt giảm chỉ còn 45.000 lao động, đạt 50% kế hoạch.
Năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt ra mục tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Sau một thời gian “đóng băng”, hầu hết các nước đều có sự thay đổi chính sách thích ứng với dịch Covid-19 nhằm phục hồi nền kinh tế thông qua việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, do đó nhu cầu tiếp nhận lao động sẽ gia tăng. Đây cũng là thời cơ thuận lợi để Việt Nam tăng cường đưa lao động đi làm việc ở các thị trường lao động nước ngoài.
Ngay từ những tháng đầu năm, bên cạnh việc mở cửa lại các thị trường truyền thống, như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, nhiều hoạt động hợp tác đưa lao động đi các thị trường thu nhập cao đã được xúc tiến triển khai. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thúc đẩy ký kết các thỏa thuận về hợp tác lao động đối với các nước để mở rộng thị trường lao động ngoài nước như với Đức, Nga, Israel và một số thị trường châu Âu khác.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, qua số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 lao động (37.299 lao động nữ), đạt 114,47% kế hoạch năm 2022.
Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. |
Để các doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng yên tâm phát triển, ổn định và mở rộng thị trường, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đã được ban hành, trong đó phải kể đến Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước (có hiệu lực từ ngày 21/2/2022).
Theo Quyết định này, doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ giải quyết rủi ro liên quan đến người lao động. Cụ thể, trường hợp doanh nghiệp phải cử nhân viên đi công tác nước ngoài theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vụ việc phức tạp, nghiêm trọng liên quan đến tính mạng, nhân phẩm, tài sản hợp pháp của người lao động, các vụ việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến thị trường và việc tiếp nhận lao động Việt Nam nhằm ổn định và phát triển thị trường, được hỗ trợ tiền vé máy bay khứ hồi cho 01 nhân viên của doanh nghiệp theo chi phí thực tế nhưng tối đa bằng giá vé hạng phổ thông của hãng hàng không có khai thác hoặc liên kết khai thác chuyến bay từ Việt Nam đến quốc gia, vùng lãnh thổ công tác.
Trường hợp doanh nghiệp phải đưa thi hài, di hài của người lao động bị chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài khi người sử dụng lao động bị phá sản, không có khả năng thanh toán chi phí và người lao động không được bảo hiểm chi trả, được hỗ trợ 50% chi phí thực tế vận chuyển thi hài, di hài của người lao động từ quốc gia, vùng lãnh thổ nơi người lao động làm việc về Việt Nam.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia các hoạt động khai thác, phát triển thị trường mới, mở rộng và ổn định thị trường lao động ngoài nước, tham gia khảo sát, đánh giá thị trường đang tiếp nhận lao động Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, được hỗ trợ tiền vé máy bay khứ hồi cho 01 nhân viên của doanh nghiệp theo chi phí thực tế nhưng tối đa bằng giá vé hạng phổ thông của hãng hàng không có khai thác hoặc liên kết khai thác chuyến bay từ Việt Nam đến quốc gia, vùng lãnh thổ công tác.
Để được hưởng các hỗ trợ trên, theo Quyết định 40, doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải thực hiện đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước mức 150.000 đồng/người lao động/hợp đồng. Doanh nghiệp được hạch toán khoản đóng góp này vào chi phí hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doannh nghiệp.
Căn cứ đóng góp Quỹ là Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký giữa doanh nghiệp dịch vụ và người lao động. Định kỳ hàng tháng, doanh nghiệp trích nộp đóng góp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản vào Quỹ theo số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng của doanh nghiệp, chậm nhất là ngày 10 của tháng tiếp theo.