Điều ít biết về nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
Trưa 14/4, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trút hơi thở cuối cùng tại TP. Hồ Chí Minh sau khi gần một tháng bệnh trở nặng.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từ biệt dương gian ở tuổi 76
Sự ra đi của một trong những “cây đại thụ” nhạc Việt khiến công chúng xa gần không khỏi tiếc nuối, xót xa. Những ngày này, nhiều câu chuyện về nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được kể lại, mang tới cho độc giả thêm nhiều góc nhìn về cuộc đời vị nhạc sĩ già đáng kính.
Từng làm công nhân trong bến xe
Xuất thân là nghệ sĩ dương cầm, song sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Ánh 9 cũng rất thăng hoa, dù ông viết không nhiều.
Năm 1975, vì cuộc sống khó khăn, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phải dừng viết nhạc để làm nhân viên soát vé ở Bến xe Miền Tây. Những ngày đứng dưới cái nắng như đổ lửa để giám sát từng chiếc xe nhập bãi và khởi hành, Nguyễn Ánh 9 quay quắt thèm giây phút thăng hoa bên cây đàn. Thương chồng, bà Ngọc Hân bảo: “Thôi, anh nghỉ việc đi, cơm áo để em lo!”.
Thế rồi bà một tay làm kinh tế gánh vác gia đình, để ông rong ruổi cùng đoàn hát khắp các tỉnh miền Nam. Nhờ vậy, cảm hứng âm nhạc đã quay lại với Nguyễn Ánh 9, giúp ông viết thêm những ca khúc như: "Tình yêu đến trong giã từ", "Mênh mông tình buồn", "Cho người tình xa", "Cô đơn"...
Giai thoại về nghệ danh đặc biệt
Về nghệ danh “Nguyễn Ánh 9” (tên thật của ông là Nguyễn Đình Ánh) , trang Wikipedia cho hay, nghệ danh đặc biệt này là do người yêu đầu tiên của ông đặt cho.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói: "Đây là tên mà cô ấy đặt cho tôi. Khi tôi viết những bản nhạc đầu tiên, lấy tên thật là Nguyễn Đình Ánh thì dài quá, mà viết là Nguyễn Ánh thì lại trùng với tên của vua Gia Long. Bởi vậy, cô ấy bảo, chữ Nguyễn Ánh có 9 ký tự, mà số 9 theo quan niệm phương Đông là số may mắn, bởi vậy, nên tôi lấy bút danh là Nguyễn Ánh 9".
Tuy nhiên, cũng có một giai thoại khác về nghệ danh “Nguyễn Ánh 9”. Sau khi Khánh Ly hát ca khúc “Không” của Nguyễn Ánh 9, bà in đĩa ca khúc đó và bán rất chạy.
Khi in đĩa thì ca khúc phải có tên tác giả. Ca sĩ Khánh Ly đã hỏi ông muốn đề tên như thế nào. Ông kể: “Tôi cũng lấy vợ đúng ngày mùng 9 Tây, ngày đó từ người con trai tôi bước sang người đàn ông- làm chủ gia đình, cũng như từ một nhạc công- tôi bước qua làm nhạc sĩ sáng tác. Vậy là tôi lấy tên Nguyễn Ánh 9”.
Mối tình nửa thế kỷ với người phụ nữ “đẹp mê hồn”
Trong những tình khúc lãng mạn, sâu sắc và thấm đẫm nỗi buồn của Nguyễn Ánh 9, nhiều người thường liên tưởng đến những “bóng hồng” một thuở của ông.
Tuy nhiên, mối tình son sắt, kéo dài hơn nửa thập kỷ của ông chính với vợ mình- bà Ngọc Hân, người từng là một vũ công nức tiếng. Được biết, ông quen nhau tại vũ trường Anh Vũ. Thuở ấy, ông chơi đàn piano còn bà là một trong những vũ công nhảy thiết hài đầu tiên của Việt Nam.
Nguyễn Ánh 9 từng chia sẻ: "Lần đầu tiên nhìn thấy Ngọc Hân nhảy với anh trai bà ấy, tôi ngạc nhiên lắm, vì những động tác điêu luyện mà sau này tôi biết rằng vợ mình đã tập từ năm 12 tuổi, thêm nữa, Ngọc Hân đẹp mê hồn. Rồi từ đó tôi thường tìm cách đến cổng nhà Ngọc Hân để nhìn ngắm, kiếm cớ vào nhà gặp anh trai xin bài múa”.
Khi kết hôn với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, bà Ngọc Hân tròn 20 tuổi. Lập gia đình, để chồng được thoải mái theo đuổi nghiệp âm nhạc, bà quyết định rời sân khấu, toàn tâm trở thành hậu phương vững chắc của ông.
Nhắc đến sự hi sinh của vợ mình, Nguyễn Ánh 9 từng chia sẻ đầy trìu mến: "Sau khi lập gia đình, niềm đam mê của Ngọc Hân đã mãi mãi dừng lại ở tuổi 20. Bà ấy chấp nhận gác lại hào quang sân khấu để chăm lo cho gia đình, chăm sóc các con...
Nhiều lần tôi rủ vợ đi xem mình diễn, nhưng bà ấy đều lấy cớ bận việc này, việc nọ để từ chối. Tôi thấm thía rằng, vợ không đi theo mình, vì sợ đi thì nhớ sân khấu, nhớ ánh đèn. Nỗi nhớ có thể khiến nghệ sĩ rơi nước mắt".