Để những mạch ngầm nuôi dưỡng tình hữu nghị Việt - Lào chảy mãi
Bà Đinh Thị Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào thành phố Đà Nẵng:
Hỗ trợ thiết thực, phù hợp nhu cầu nhân dân nước bạn
Khi các em lưu học sinh Lào sang Đà Nẵng học, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào thành phố Đà Nẵng (Hội) là đơn vị đón tiếp, hỗ trợ các em ăn ở, sinh hoạt tại Đà Nẵng. Hội đã đẩy mạnh chương trình ở nhà dân (homestay) để chăm sóc các em. Mỗi năm có khoảng 100 sinh viên Lào đến ở cùng các hộ gia đình từ 2-3 tuần và sắp tới là 4-6 tuần để các em có cơ hội giao lưu, tìm hiểu văn hóa Việt Nam, kết nối với các gia đình Việt. Từ đó xây dựng quan hệ hữu nghị thân thiết, tình cảm giữa thế hệ tương lai của đất nước Lào với nhân dân Việt Nam.
Hội cũng tổ chức nhiều chương trình dành cho các em như: kêu gọi, vận động học bổng từ các trường đại học; tặng các suất học bổng 100% học phí cho các em, đặc biệt là các sinh viên Lào có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Đinh Thị Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào thành phố Đà Nẵng trao đổi với phóng viên Thời Đại. (Ảnh: Thu Hà) |
Chúng tôi hy vọng thời gian tới, bên cạnh các hoạt động chăm lo cho sinh viên Lào học tập tại Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Lào sẽ có nhiều chương trình, hoạt động chia sẻ khó khăn với nhân dân Lào.
Hiện Đà Nẵng đã kết nghĩa với 5 địa phương của Lào và thường xuyên qua lại, hỗ trợ. Đà Nẵng cũng có đề án tăng cường quan hệ với các địa phương của Lào, trong đó giao cho các Sở, ban, ngành, đoàn thể trực tiếp ký kết các biên bản ghi nhớ (MOU) với các địa phương của Lào, để mỗi cơ quan, đoàn thể có sự giúp đỡ, hỗ trợ cụ thể. Khi nắm bắt được nhu cầu cụ thể của nhân dân nước bạn trong từng lĩnh vực, từng đối tượng cụ thể, từ đó các cơ quan, đoàn thể sẽ đưa ra được những hỗ trợ thiết thực và phù hợp.
Hội hữu nghị Việt Nam - Lào thành phố Đà Nẵng cũng là một kênh kết nối giữa các sở, ban, ngành của thành phố với các địa phương Lào. Chúng tôi liên hệ mật thiết với Tổng Lãnh sự quán Lào để nắm bắt kịp thời tình hình nước bạn, những gì bạn cần hỗ trợ, qua đó kêu gọi các cơ quan, đoàn thể hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Mong rằng thời gian tới các tỉnh, thành khác của Việt Nam cũng có các hoạt động tương tự để chia sẻ, hỗ trợ bạn kịp thời.
Ông Nguyễn Doãn Kình, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên:
Thu hút mọi người cùng tham gia hoạt động hữu nghị nhân dân Việt - Lào
Cách đây 15 năm, khi mới thành lập, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên có gần 800 hội viên, trong đó 80% là cựu chiến binh thuộc các đơn vị bộ đội Trường Sơn, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự, thanh niên xung phong từng công tác, chiến đấu tại Lào.
Từ năm 2010 đến nay, Hội đã phát triển được 6 hội cấp huyện và 20 thành viên tập thể, trên 70 chi hội trực thuộc hội cấp huyện. Tổng số hội viên lên tới trên 10 vạn người, trong đó có trên 3.000 hội viên chính thức sinh hoạt tại 6 hội cấp huyện, còn lại là hội viên liên kết trong các thành viên tập thể. Những thành viên có số hội viên liên kết nhiều như: Đại học Thái Nguyên gần 8 vạn hội viên; Công ty CP Đầu tư và Thương mại (TNG) hơn 1,5 vạn hội viên; Công ty CP Gang thép Thái Nguyên hơn 6.000 hội viên; Hội truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh hơn 1.500 hội viên. Đến nay Hội đã phát triển cơ sở đến từng xã.
Ông Nguyễn Doãn Kình, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Thu Hà) |
Có được đội ngũ hội viên đông đảo thuộc mọi đối tượng, thành phần trong xã hội trước hết xuất phát từ nhận thức đúng đắn về quan hệ đặc biệt Việt - Lào của các cấp lãnh đạo của tỉnh Thái Nguyên, các sở, ban, ngành, đoàn thể, sự ủng hộ, hợp tác của các cơ quan, các trường đại học, doanh nghiệp... trên địa bàn tỉnh.
Hội tích cực tuyên truyền về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt - Lào, giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa Lào với nhân dân Thái Nguyên, trong đó có nội dung về truyền thống đoàn kết hữu nghị của Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên với Lào. Hội phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều hoạt động phong phú như: mít tinh, gặp mặt hữu nghị nhân dịp Quốc khánh, Tết cổ truyền của hai nước; xuất bản sách về quan hệ đặc biệt Việt - Lào và hoạt động của Hội; đưa tin bài trên các phương tiện truyền thông; vận động hội viên, lưu học sinh Lào tham gia các cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt giữa hai nước; tổ chức giao lưu văn nghệ, văn hóa, thể thao trong học sinh, sinh viên Lào và Việt Nam...
Trong lĩnh vực kinh tế, Hội phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, Đại sứ quán Lào tổ chức hội thảo về tiềm năng, môi trường đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, du lịch; khuyến khích doanh nghiệp, người lao động trong tỉnh hợp tác, phát triển các dự án kinh tế và du lịch giữa tỉnh Thái Nguyên với Lào.
Thời gian tới, Hội tiếp tục mở rộng xã hội hóa, đa dạng hóa tổ chức và hoạt động của Hội, huy động sức mạnh đoàn kết nhân dân trong tỉnh, góp phần giữ gìn, phát triển quan hệ đặc biệt Việt-Lào và xây dựng Hội phát triển lớn mạnh.
Đại đức Thích Pháp Hiếu, trụ trì chùa Tam Bảo, thành viên Hội hữu nghị Việt Nam - Lào thành phố Đà Nẵng, Phó Chánh văn phòng Ban Thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam:
Mở lớp học tiếng Việt cho sinh viên và sư Lào
Nhiều năm qua, chùa Tam Bảo đã tiếp nhận các sư thầy người Lào sang Việt Nam theo học tại trường Đại học Đà Nẵng. Hiện nay, Đà Nẵng có gần 500 sinh viên Lào đang học tập tại Đà Nẵng và chùa Tam Bảo là nơi sinh hoạt Phật pháp giống như trên quê hương của các em tại Lào.
Đại đức Thích Pháp Hiếu cùng các sinh viên Lào theo học lớp tiếng Việt tại chùa Tam Bảo. (Ảnh: NVCC) |
Tôi mong muốn hai nước sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Nhà chùa cũng sẽ thúc đẩy công tác giáo dục, hỗ trợ các sư thầy người Lào sang học tại Việt Nam.
Lớp học tiếng Việt dành cho các sư thầy và sinh viên Lào tại chùa Tam Bảo bắt đầu từ năm 2019. Lớp học nhằm bổ trợ tiếng Việt và ngữ pháp tiếng Việt, kỹ năng nghe - nói - đọc - viết tiếng Việt cho các thầy và sinh viên Lào để theo kịp chương trình đại học.
Trong thời gian tới, chùa Tam Bảo sẽ tiếp nhận một số sư thầy người Lào sang học theo niên khoa. Chùa sẽ hỗ trợ đầy đủ học bổng, học phí, nơi ăn chốn ở, tạo điều kiện cho các thầy học tập tại Việt Nam.
Hy vọng mô hình này sẽ được phát triển, mở rộng hơn nữa tại các tỉnh, thành khác của Việt Nam. Thông qua kênh Phật giáo, các sư thầy nước Lào sẽ biết đến Việt Nam nhiều hơn, sang thăm và học tập ở Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng sâu sắc.
Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam (Hội Trường Sơn Việt Nam):
Đề xuất công nhận các di tích đường Hồ Chí Minh trên đất Lào là di sản quốc gia Lào
Đường Hồ Chí Minh ở Tây Trường Sơn là tượng đài bất tử của quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt - Lào, đóng góp vào tình hữu nghị sâu đậm của hai nước. Hệ thống di tích trên tuyến đường lịch sử này trải rộng trên địa bàn 7 tỉnh Trung - Hạ Lào, có mật độ dày đặc. Nhưng qua nhiều năm, các di tích bị núi rừng che phủ, mờ dần trên mặt đất, chỉ còn lại một số.
Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam. (Ảnh: NVCC) |
Hội Trường Sơn Việt Nam đã có nhiều chuyến khảo sát các di tích thuộc các tỉnh Savanakhet, Salavan, Attapeu (Lào)..., gần đây nhất là vào tháng 3/2023. Hội đã làm việc với chính quyền một số tỉnh và huyện tại Lào về việc bảo tồn các di tích Tây Trường Sơn. Hội cũng có công văn gửi đến các cơ quan chức năng của Nhà nước Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Viêng Chăn về những đề đạt, nguyện vọng của Hội Trường Sơn Việt Nam. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào và Việt Nam đều nhất trí ủng hộ.
Hội Trường Sơn Việt Nam mong muốn trong nhiệm kỳ mới, Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tiếp tục vận động để các di tích đường Hồ Chí Minh trên nước bạn Lào được công nhận và xếp hạng là di sản quốc gia Lào - di sản của tình đoàn kết chiến đấu Việt-Lào.