Để hạt gạo Việt Nam chinh phục thị trường Vương quốc Anh
Việt Nam hỗ trợ giải quyết "cơn đau đầu" về lương thực của châu Phi Mỗi năm, châu Phi nhập khẩu khoảng 12-13 triệu tấn gạo và Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn cho châu Phi. |
Đồng USD mạnh lên, giá gạo Thái Lan và Việt Nam giảm Giá gạo xuất khẩu từ Thái Lan và Việt Nam giảm do nguồn cung tăng cao, trong khi đồng USD mạnh hạn chế hoạt động gạo nhập khẩu vào Bangladesh, quốc gia đang bị lũ lụt, trong tuần này. |
Thời gian qua, sản phẩm gạo của Việt Nam liên tục chiếm lĩnh nhiều thị trường từ ASEAN đến EU nhờ những lợi thế đặc trưng về chất lượng và giá cả, cùng những ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nên tạo được tính cạnh tranh cao. Tuy vậy, đối với riêng thị trường Vương quốc Anh, gạo của Việt Nam vẫn chưa chiếm được thị phần đáng kể, mặc dù hai quốc gia đã có những cam kết cắt giảm thuế quan từ FTA giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA).
Chưa khai thác triệt để tiềm năng
Có thể thấy, Hiệp định UKVFTA đã mở ra cơ hội cho hạt gạo Việt Nam, song nhìn vào hiện trạng nhập khẩu gạo của Anh trong năm 2021 cho thấy, mặt hàng gạo của Việt Nam vẫn chưa khai thác triệt để tiềm năng thị trường này. Năm 2021, số lượng gạo từ Việt Nam xuất khẩu sang Anh chỉ đạt 2.731 tấn, thấp hơn nhiều so với nhu cầu 651.803 tấn của nhà nhập khẩu Anh và khả năng của DN xuất khẩu Việt Nam.
Hiện xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Anh mới chỉ chiếm thị phần 0,42%. |
Đánh giá của Bộ Công Thương cũng chỉ ra, phần lớn gạo Việt Nam được bán tại Anh với các thương hiệu của nhà phân phối, chưa mang thương hiệu của nhà sản xuất, thương hiệu của vùng trồng lúa hay thương hiệu của nhà xuất khẩu nên chưa được nhiều người tiêu dùng sở tại biết đến. Nguyên nhân được nhìn nhận là do DN xuất khẩu của Việt Nam chưa làm thương hiệu hoặc nhà phân phối sở tại cho rằng, thương hiệu riêng của họ có hiệu quả marketing hơn thương hiệu của nhà xuất khẩu Việt Nam.
Thông tin về dư địa của thị trường Anh cho sản phẩm gạo Việt Nam, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 15 trong các nước xuất khẩu gạo sang Anh với thị phần chỉ 0,42%. Dư địa cho gạo Việt Nam tại Anh còn có thể mở rộng với cộng đồng gốc Việt Nam 100.000 người và nhờ quy chế hạn ngạch thuế quan trong UKVFTA.
“Cũng như các thị trường khác tại châu Âu, Anh là quốc gia có nhiều rào cản khắt khe về an toàn thực phẩm, bảo đảm môi trường... với những sản phẩm nhập khẩu, nhất là sản phẩm lương thực thực phẩm. Do đó, để biến tiềm năng xuất khẩu gạo thành hiện thực, tiêu chuẩn toàn cầu về thực hành nông nghiệp tốt (Global G.A.P) cần được người trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo áp dụng triệt để, đồng thời đẩy mạnh sản xuất gạo thơm chất lượng cao. Cơ quan chức năng và các địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn cần triển khai chương trình hỗ trợ nông dân về giống lúa, vật tư nông nghiệp an toàn, xay xát và bảo quản lúa gạo trước khi xuất khẩu”, ông Cường khuyến cáo.
Cần chiến lược thương hiệu
Trước khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, nhiều hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Anh bị áp thuế rất cao. Chính vì vậy, việc được giảm thuế theo cam kết UKVFTA là cơ hội lớn cho nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, hoa quả, cà phê, gạo, dệt may, đồ gỗ... gia tăng sức cạnh tranh tại thị trường này.
Cụ thể, về thương mại hàng hóa, Anh cam kết sẽ xóa bỏ 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực (từ ngày 1-1-2021), xóa bỏ đến 99,2% số dòng thuế từ ngày 1-1-2027 và 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan (với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%). Đáng chú ý, theo hiệp định này, gạo thơm nhập khẩu từ Việt Nam sẽ được miễn thuế thay vì phải chịu mức 17,4% như trước đây. Điều này giúp gạo Việt có sức cạnh tranh tốt hơn so với những nước cùng xuất khẩu gạo thơm sang Anh.
Gạo Việt Nam cần triển khai chiến lược thương hiệu phù hợp với thị trường Vương quốc Anh. |
Để có thể tạo ra đột phá thị trường lớn hơn nữa và tăng cường vị thế bền vững cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường Anh cũng như các thị trường lớn khác, nhiều ý kiến cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam cần triển khai một chiến lược thương hiệu phù hợp với từng thị trường. Chương trình thương hiệu quốc gia cần lựa chọn một số chủng loại gạo chất lượng cao có sản lượng lớn để đặt tên theo hướng đơn giản, dễ nhớ, dễ phát âm và gắn với địa danh nơi trồng lúa (ví dụ gạo Sóc Trăng Việt Nam) hay tên người tạo ra giống lúa (ví dụ gạo Ông Cua) để có thể đăng ký bảo hộ thuận lợi tại nước ngoài.
Bà Hoàng Lê Hằng, Bí thư thứ nhất Thương vụ Việt Nam tại Anh thông tin, mặc dù không có khái niệm nhất quán về gạo ngon tại Anh, nhưng có một số tiêu chuẩn chung như hạt gạo có chiều dài từ 7mm trở lên; khi nấu thành cơm phải dẻo, mềm, không dính và thơm. Ngoài ra, gạo phải sạch và không có tồn dư hóa chất hay chất bảo quản.../.