Để có được những "mùa vàng" trên biên giới
Sau chuỗi ngày dài được BĐBP Gia Lai triển khai mô hình “trình diễn trồng lúa nước”, bà con nhân dân xã Ia Mơ đã có những mùa vàng bội thu. (Ảnh: Thái Kim Nga) |
Từ những “mùa vàng” bên suối Ia Mơ...
Ít ai biết, ngay sau thời điểm khởi công xây dựng công trình đại thủy lợi Ia Mơ (năm 2015), BĐBP Gia Lai phối hợp với chính quyền địa phương triển khai mô hình “trình diễn trồng lúa nước” cho người dân trên địa bàn xã biên giới Ia Mơ, huyện Chư Prông. Đây là sự “đi trước đón đầu” rất cần thiết, bởi sau khi hoàn thành, công trình có tổng vốn đầu tư lên đến gần 3.000 tỷ đồng này sẽ cấp nước tưới cho hơn 17.000ha đất canh tác thuộc 2 huyện Chư Prông (Gia Lai) và Ea Súp (Đắk Lắk). Trong khi Ia Mơ là nơi khởi nguồn công trình thì đương nhiên phải là địa phương đi đầu chiến dịch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với cây lúa nước đóng vai trò chủ đạo.
Nói là như thế, nhưng để đưa hàng trăm hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số ở 4 ngôi làng (Krông, Klăh, Hnáp, Khôi) vốn chỉ quen với lối canh tác thô sơ, manh mún trên non cao, hạ sơn “xắn quần lội ruộng” là chuyện không hề đơn giản. Để vận hành mô hình, Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai chỉ đạo Đồn BP Ia Mơ tận dụng diện tích hơn 5000m2 đất tăng gia sản xuất tại đội công tác địa bàn nằm ở trung tâm xã để làm cánh đồng lúa nước.
Tại đây, tất cả các khâu từ san lấp mặt bằng, cải tạo đất đai, hoàn chỉnh hệ thống hàng rào bảo vệ, ao hồ tích nước phục vụ tưới tiêu, đến các quy trình kỹ thuật như xới đất - lật cỏ - xuống giống - bỏ phân được người lính BP tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Mỗi công đoạn là một bài học dành cho cộng đồng ngay tại cánh đồng, rất trực quan sinh động, giúp bà con tiếp cận ngày càng sâu hơn mô hình canh tác lúa nước. Cùng với đó là việc đầu tư đưa máy móc, cơ giới vào đồng ruộng để giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động thông qua các hộ gia đình cán bộ Đồn BP Ia Mơ - những “nhà nông chính hãng” từ vựa lúa Ayun Pa lên đây định cư đã có những tác động rất tích cực vào nếp nghĩ, cách làm của bà con nhân dân.
Với cách cầm tay chỉ việc theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” của những người lính BP, vùng biên Ia Mơ bắt đầu “rục rịch” chuyển mình khi có hàng chục, rồi hàng trăm hộ gia đình học tập, làm theo. Sau chuỗi ngày dài người lính BP miệt mài “nói đi đôi với làm” tập trung tuyên truyền, vận động từ cộng đồng ra cánh đồng, đến nay, xã Ia Mơ đã có 370 hộ gia đình canh tác hơn 426ha lúa nước, với năng suất, chất lượng sản phẩm không ngừng được cải thiện, nâng lên theo từng năm.
Với những con số thống kê tích cực đó, đã có thể khẳng định tính hiệu quả của việc “đi trước đón đầu” thông qua mô hình “trình diễn trồng lúa nước” của BĐBP Gia Lai và hứa hẹn những “mùa vàng” bội thu ở phía trước. Sau những cống hiến hết mình vì biên giới, giờ đây, bên dòng suối Ia Mơ, người lính BP đã có thể nở nụ cười thật tươi, thoải mái, tự tin như những nông dân vừa cày xong thửa ruộng.
... Đến chuyện rào nhà và những “con chữ nhặt lại”
Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đang được BĐBP Gia Lai triển khai một cách sâu rộng trên địa bàn 7 xã biên giới trong tỉnh. Bên cạnh các mô hình giúp dân phát triển kinh tế gia đình, trợ giúp y tế, học đường, phối hợp với các ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh trao tặng sinh kế, cây, con giống, mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu..., các đồn BP còn đi sâu đi sát từng địa bàn cư dân để tìm hiểu, phát hiện, xử lý những căn nguyên kìm hãm sự phát triển nơi cộng đồng.
Đồn BP Ia Chía (BĐBP Gia Lai) hỗ trợ bò giống, giúp người nghèo cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế gia đình. (Ảnh: Thái Kim Nga) |
Để có được những “mùa vàng” trên biên giới, cần phải thay đổi trong từng nếp nghĩ, từng cách làm, từ việc nhỏ đến việc lớn, từ gia đình ra cộng đồng. Câu chuyện giúp dân chỉnh trang lại nơi ở, làm hàng rào tách bạch con người với vật nuôi, mà các đồn BP trong tỉnh đã và đang triển khai, quy mô tuy nhỏ, nhưng ý nghĩa rất lớn. Đây có thể xem là bước đột phá trong tư duy của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới. Rõ ràng, chuyện rào dậu nhà ở, vườn tược giờ đây không chỉ nhằm mục đích bảo vệ, chống trộm cắp, mà sâu xa hơn, đó là cơ sở để bà con tập trung cải tạo vườn tạp, tận dụng lợi thế quanh bếp, quanh nhà phát triển mô hình kinh tế gia đình VAC, cũng như bảo đảm vệ sinh môi trường. Để có được những “mùa vàng” trên biên giới, lính BP bắt đầu từ những công việc giản đơn mà vô cùng thiết thực như thế.
Ở một “góc khuất” khác trên biên giới, tình trạng người lớn tuổi bị tái mù chữ tuy không nhiều, nhưng đó cũng là “vật cản” đối với cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để giải quyết vấn đề mang tính cục bộ này, các đồn BP phối hợp với ngành giáo dục tổ chức điều tra, khảo sát triển khai mô hình xã hội học tập, giúp bà con “nhặt nhạnh” những con chữ đã bị đánh mất, tránh nguy cơ bị bỏ lại quá xa ở phía sau. Tùy vào điều kiện thực tế của từng đơn vị, từng địa bàn, những người lính BP trên quê hương Anh hùng Núp đã phần nào tái hiện hình ảnh “thầy giáo quân hàm xanh” vô cùng gần gũi, thân thương trong lòng dân biên giới.
Trực tiếp chứng kiến thầy và trò ở khu dân cư Suối Khôn, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông (do Đồn BP Ia Lốp trực tiếp đứng lớp) chong đèn tìm lại “con chữ”, tôi chợt nhận ra một điều, để không còn ai bị bỏ lại phía sau thì lính BP phải là người đi sau cùng trên biên giới. Không ai nghĩ, trong thời đại công nghệ 4.0, vẫn còn những con người “quay trở về với tuổi thơ” cắp sách theo thầy học chữ.
Lạ hơn nữa, trong lớp học, thầy giáo là người nhỏ tuổi nhất nhưng vẫn cầm tay học trò nắn nót từng nét chữ, rồi bắt nhịp ê a đánh vần - một hình ảnh thật đẹp và giàu tính nhân văn của quân dân biên giới. Cũng cần nói thêm, đây là mô hình thí điểm để các đơn vị BĐBP Gia Lai rút kinh nghiệm, nhân rộng trên toàn tuyến biên giới, thanh toán dứt điểm thực trạng tái mù chữ trong cộng đồng.
Từ chuỗi ngày dài vận động “nói đi đôi với làm” bên dòng suối Ia Mơ đến chuyện chiếc hàng rào và “con chữ nhặt lại”, người lính BP đã làm nên những "mùa vàng" bội thu trên “cánh đồng biên giới”.
Bát Xát góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển Thời gian qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai làm tốt công tác đối ngoại theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Do đó, đường biên, mốc giới được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. |
Nâng cao nhận thức phòng, chống tội phạm mua bán người ở khu vực biên giới Ngày 28/7, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người cho 100 cán bộ, nhân dân xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. |