"Đế chế" Mỹ sẽ lụn bại dưới tay TT Trump vì cuộc khủng hoảng từng xóa sổ đế quốc La Mã?
Trong bài phân tích đăng tải trên RT, cây viết John Wight đã bày tỏ quan điểm của mình về diễn biến di cư mới đây ở khu vực châu Mỹ. Dưới đây là phần lược dịch bài viết. Bài viết không thể hiện quan điểm của tòa soạn.
Khi La Mã sụp đổ
Đoàn xe di cư từ Trung Mỹ đang tiến về phía Bắc tới Mỹ là bằng chứng cho thấy thế giới cũ đang tàn lụi và thế giới mới đang chật vật chào đời.
Có rất nhiều điều mà thế giới cổ xưa có thể dạy cho chúng ta; và một trong những bài học đáng chú ý nhất là tình trạng di dân tập thể - sản phẩm của xung đột, xã hội sụp đổ hoặc nghèo đói cực điểm - có thể hủy hoại cả những đế chế uy lực nhất.
Hãy nhìn vào Rome, với một đoàn quân sừng sững đứng trong thế giới cổ đại như người khổng lồ suốt nghìn năm và những cái tên lừng lẫy nhất, vĩ đại và tàn bạo (Caesar, Pompey, Augustus, Nero, Harian, Vespasian, Costantine...) vẫn khiến người đời phải cảm thán, băn khoăn dù nhiều thiên niên kỷ đã trôi qua.
Ở giai đoạn đỉnh cao của Rome, sẽ là một điều điên rồ khi nhận định rằng một đế chế trải dài từ bán đảo Italy cho tới Tây Âu, xuống tận Bắc Phi, Trung Đông có thể biến mất khỏi những trang sử.
Thế nhưng, nó lại bị xóa sổ vào năm 476. Cái từng được biết tới là Đế quốc Tây La Mã đã gục ngã sau nhiều cuộc xâm lược man rợ liên tiếp mà các bộ lạc German (Giéc-manh) tiến hành để xâm nhập biên giới và cuối cùng dẫn tới sự sụp đổ.
-
Khủng hoảng nhập cư: Sự tình cờ hay chiêu trò cũ của ông Trump trước bầu cử
Những biểu tượng của quyền lực La Mã - những chiếc áo tế lễ, vương miện và áo choàng tím - được gửi tới kinh đô Constantinople (giờ là Istanbul), chiếc ghế quyền lực của phân nửa đế quốc vào thời điểm ấy. Nó khép lại hàng trăm năm lịch sử, xác nhận một điều rằng không có đế quốc nào, bất kể sở hữu sức mạnh kinh tế - quân sự tới đâu, có thể mãi trường tồn.
Thật ra, sự sụp đổ của Rome là điều tất lẽ sẽ xảy ra; những mâu thuẫn của một đế quốc hoạt động trên nền tảng nô lệ, cống nạp và cướp bóc lớn tới mức chắc chắn không thể hóa giải.
Dưới sự cai trị của Rome, hàng triệu người sống trong nghèo đói và khốn khổ để phục dịch cho một tầng lớp trên với mức độ giàu có lẫn phô trương phản cảm đến nỗi không thể đứng vững nổi.
Bất cứ hệ thống kinh tế nào vận hành trên cơ sở áp bức, thống trị và siêu bóc lột đều làm gia tăng sự phản kháng. Điều này sẽ dẫn tới quyết định tăng cường triển khai binh lính để duy trì chế độ - một hành động chỉ khiến sự phản kháng trở nên mạnh mẽ hơn, và cùng với đó là bất ổn. Chính sự bất ổn này gây ra tình trạng di dân tập thể.
Tóm lại, đó là thứ đã kết liễu Rome.
"Cuộc xâm lược" từ góc nhìn của Trump
Cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015 bao trùm châu Âu và vẫn chưa được giải quyết là một ví dụ điển hình cho tình trạng nền tảng của thế bá chủ phương Tây bị bào mòn - cũng giống như đoàn xe di cư được nhắc tới ở trên hiện đang hướng về biên giới Mỹ.
Đoàn xe di cư đang tiến về phía biên giới Mexico - Mỹ. Ảnh: Reuters
Quan niệm cho rằng đoàn xe di cư là một chiêu trò do tỷ phú Soros bỏ tiền bày ra hay mưu mẹo của Đảng Dân chủ trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ là vô nghĩa, nếu không muốn nói là vô lý. Sự chịu đựng của người dân Trung Mỹ qua nhiều thế hệ bị Mỹ đô hộ về kinh tế và quân sự đã vượt quá sự cho phép.
Honduras, khởi nguồn của đoàn xe di cư, là nơi diễn ra cuộc đảo chính năm 2009, khiến chính phủ cánh tả của Manuel Zelara bị lật đổ.
Cuộc đảo chính do Tướng Romeo Vásquez Velásuez, vốn tốt nghiệp một trường ở Georgia, Mỹ, dẫn đầu. Hàng nghìn quân nhân và nhân viên an ninh từ Trung Mỹ và Mỹ Latin đã được huấn luyện tra tấn, ám sát và trấn áp tại đó kể từ Thế chiến II.
Theo chuyên gia chính sách ngoại giao Mỹ, giáo sư Stephen Zunes, cuộc đảo chính ở Honduras - diễn ra dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama - đã dẫn tới một giai đoạn "trấn áp kinh hoàng với tỷ lệ giết người tăng vọt, khiến hàng chục nghìn người phải đi tị nạn".
Mặc dù Zunes không cáo buộc Washington liên quan trực tiếp tới cuộc đảo chính nhưng động thái từ chối kêu gọi khôi phục lại lãnh đạo hợp pháp của đất nước sau khi sự kiện diễn ra cho ta thấy mọi thứ ta cần phải biết, về một quan điểm tồn tại suốt nhiều thế kỷ nay. Đó là quan điểm coi nhiều nước ở khu vực này như quốc gia "phụ thuộc hoàn toàn".
Vậy nên, giờ đây, khi ta thấy đoàn xe di cư tiến về phía Bắc thì tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả nó như một cuộc xâm lược, với ý định triển khai 15.000 quân tại biên giới Mỹ - Mexico. Mới đây, ông Trump còn khẳng định lực lượng an ninh Mỹ được quyền nổ súng nếu người di cư ném đá vào cảnh sát.
Lòng tham phú quý, quyền lực, địa vị, danh tiếng - tác động và quyết định mọi hành động của ông Trump - là triệu chứng của một xã hội yếu kém, cùng những giá trị văn hóa mà ông ta là sản phẩm.
Chính những giá trị ấy chịu trách nhiệm cho đoàn xe di cư và chính những giá trị ấy, vào đúng lúc, sẽ làm sụp đổ đế chế đang chiếm giữ không gian trong thế giới của chúng ta mà Rome từng chiếm giữ.
Thi Anh