ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Quy hoạch cũng là nguồn rất nhiều tiêu cực
Đóng góp ý kiến trong phiên thảo luận tại Hội trường sáng 1/6 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho rằng, công tác quy hoạch đúng hướng, hiệu quả đã giúp nhiều ngành thành công, trong đó có ngành hàng không và công nghệ thông tin, đóng góp rất lớn cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Nghĩa lưu ý, quy hoạch cũng là nguồn cơn của rất nhiều tiêu cực. Quy hoạch ban đầu có thể là đúng đắn, nhưng sau đó, có thể vì lợi ích nhóm nên quy hoạch được điều chỉnh khác đi. Quy hoạch cần phải có tầm nhìn, xét theo cả quá trình chứ không phải chỉ áp dụng theo giải pháp tình thế, đại biểu TP HCM nêu ý kiến.
Ông Trương Trọng Nghĩa cho biết, ở một số quốc gia, quy hoạch ở vùng nông thôn rất hợp lý. Ngay cả ở Sài Gòn trước đây, quy hoạch rất tốt, kể cả từ các cửa hàng bán thuốc tân dược.
Quy hoạch cần phải cụ thể, từ việc phát triển các khu vui chơi, tiện ích, giải trí cách trường học bao xa. Hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng cần phải được làm chi tiết, thậm chí là đến từng quận/huyện, phường/xã..., ông Nghĩa góp ý.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: VOV
Trước đó, trong phiên thảo luận tại Tổ, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho hay, công tác quy hoạch đang làm khổ người dân, làm kìm hãm tốc độ phát triển của đất nước. Đặc biệt, nhiều "quy hoạch treo" có tầm nhìn dài tới 30 -50 năm, trong khi thực tiễn cuộc sống thay đổi liên tục.
Dân sợ "quy hoạch"
Ông Trần Hoàng Ngân nêu thực tế: Nhà, đất của người dân khi nằm trong diện bị quy hoạch là lập tức giá trị bị suy giảm, đời sống thì khó khăn. Nhà cửa, ruộng đất khi bị "dính" chữ "quy hoạch" là không thể thế chấp nhận.
Theo ông Ngân, mỗi khi nghe tới 2 từ "quy hoạch" là người dân bức xúc. Quy hoạch là cần thiết nhưng quy trình để quy hoạch quá dài, đến đời con cháu họ mà vẫn bị nằm trong quy hoạch.
Do đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị, nên tiến hành hậu kiểm tất cả các quy hoạch trên từng khu vực để nhanh chóng thu hồi ngay những quy hoạch nào nếu nhận thấy không thể thực hiện được và giải phóng quy hoạch đó để người dân có thể đầu tư xây dựng lại.
Bên cạnh đó, ông Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý: Khi Luật Quy hoạch mới được ban hành thì lập tức đụng đến nhiều luật khác, cho nên tại Kỳ họp thứ 5 này cần rà soát và thông qua các điều khoản liên quan đến các luật để làm sao không bị chồng chéo và kìm hãm lẫn nhau.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch gồm 14 điều, trong đó có 13 điều quy định việc sửa đổi 13 luật và 1 điều về quy định hiệu lực thi hành luật. Theo dự kiến, đây là dự án luật duy nhất được thông qua tại kỳ họp này theo quy trình tại một kỳ họp.
Việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 13 luật trên (có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ 01/01/2019) là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030.
Theo VOV