Dấu ấn Hà Thành trong lòng bạn bè thế giới
Đại sứ – Trưởng phái đoàn EU: "Chúng tôi dần yêu Hà Nội từ lúc nào"
Sau 4 năm công tác tại Việt Nam, Đại sứ – Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Franz Jessen kết thúc nhiệm kỳ của mình vào ngày 29/8 vừa qua. Nhân dịp này, Đại sứ gửi bức thư chào từ biệt, trong đó thể hiện tình yêu và thiện cảm đặc biệt của mình với đất nước và con người Việt Nam.
Đại sứ Franz Jessen (giữa) cho rằng, Hà Nội có sự hấp dẫn riêng mà chỉ những thành phố nhỏ mới có
Nhà riêng của Đại sứ EU nằm giữa khu phố cổ. Đó là ngôi biệt thự cổ của Pháp với khu vườn nhỏ xinh xắn bao xung quanh. Ông bày tỏ: “Mỗi buổi sáng, chúng tôi được đánh thức bởi tiếng gà gáy ở bên nhà hàng xóm và tiếng loa phường. Những âm thanh này báo hiệu ngày mới bắt đầu ở khu vực xung quanh nhà chúng tôi. Vào buổi tối, chúng tôi lại cảm thấy quen thuộc với tiếng rao của những người bán hàng rong hoa quả và trà chanh, hay có thể là tiếng rao được phát ra từ cái loa chạy bằng pin của họ. Cho dù là một thành phố rộng lớn, nhưng Hà Nội lại có sự hấp dẫn riêng mà chỉ những thành phố nhỏ mới có. Và theo tôi biết, người Hà Nội có truyền thống gắn kết gia đình chặt chẽ.
Ông bày tỏ, gia đình ông dần yêu Hà Nội khi tận hưởng cuộc sống nơi đây
Vào buổi sáng, các vỉa hè và công viên được người dân sử dụng để tập thể dục. Và vào buổi tối thì nơi đây lại trở thành sân chơi cầu lông và các lớp học khiêu vũ. Một trong những thói quen yêu thích của gia đình tôi là đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm sau bữa tối, để ngắm nhìn hoạt động về đêm ở nơi đây. Và chúng tôi dần yêu Hà Nội từ lúc nào”.
Đại sứ Pháp Jean-Noël Poirier: "Hà Nội rất có duyên!"
Đến nay, ngài Đại sứ Pháp Jean-Noël Poirier có 4 năm gắn bó với Hà Nội.
Đường Hà Nội không giống đường ở Pháp. Đường Thủ đô có nhiều những ngõ to, ngõ nhỏ, phố trong phố, nhà nép trong nhà. Nhưng ông Poirier lại có đủ tự tin để dẫn một người Việt Nam đi qua ngõ phố Hà Nội, những hương vị nồng nàn Hà Thành. Từ bao lâu, ông phải lòng và yêu Hà Nội mất rồi.
Đại sứ Pháp có đủ tự tin dẫn 1 người Việt dạo quanh phố Hà Nội
Không phải là những nhà hàng sang trọng, trung tâm mua sắm. Hà Nội của Poirier là Hà Nội với quán phở bò vỉa hè, là khu chợ bày bán đồ ăn tươi ngon. Việc “mặc cả” khi mua đồ được gọi ông gọi hóm hỉnh là “đàm phán”.
Đại sứ Poirier sống trong Đại sứ quán Pháp – ngôi nhà mang âm điệu Pháp giữa lòng Hà Nội, nhưng lại là một phần của ký ức nơi đây. Hà Nội và Pháp dường như chẳng thể nào tách rời. Nét đậm đà Hà Nội mang theo tình Pháp, lối kiến trúc Pháp, lãng mạn, đắm say. “Tôi rất thích TP. Hà Nội. Hà Nội rất có duyên”, ông chia sẻ.
Ông cũng thường tự đi chợ
Đại sứ yêu Hà Nội, thích phở bò. Món ăn Pháp Pot au feu được ông chuyển tên thành Pot au phở. Sử dụng những nguyên liệu của phở bò, quyện với mùi vị Pháp. Một món ăn mang hương vị của hai nền văn hóa. Và hơn hết đó là cách Poirier dành tình cảm cho Hà Nội.
Đại sứ còn sáng tạo món Pot au phở, kết hợp nét ẩm thực Việt – Pháp
Pot au phở là món ăn của riêng Poirier sáng tạo nhưng ông chia sẻ rằng, sẽ có ngày món ăn này được bày bán rộng rãi trên mảnh đất Hà Nội. Đó là lúc ông hết nhiệm kỳ Đại sứ. Và ông sẽ mở 1 nhà hàng chuyên về món ăn này.
Đại sứ Na Uy: "Phố cổ là nơi tuyệt vời để nhìn ngắm, lắng nghe và tận hưởng"
Ông Jens Otterbech là Đại sứ Na Uy đầu tiên tại Việt Nam, nhiệm kỳ 1996 – 2001. Ông nhận nhiệm vụ thiết lập sứ quán Na Uy tại Thủ đô Hà Nội.
Thời gian đầu tiên, để tìm hiểu về Việt Nam, ông Otterbech thuê căn phòng ở tầng trên cùng của một khách sạn tại phố cổ. “Tôi không bao giờ quên những ký ức này. Tại con phố chật hẹp, cuộc sống bắt đầu từ khi trời còn chưa sáng hẳn và chỉ kết thúc khi đã rất khuya. Tôi bắt đầu cảm thấy bản thân trở thành một phần của nhịp sống ấy”, ông nhớ lại.
Ông Otterbech trên đường đến thăm công trình do chính phủ Na Uy tài trợ vốn tại Cát Bà, Hải Phòng
Những hoạt động tấp nập ở khu phố cổ là điều khiến ông Otterbech háo hức tìm hiểu ở Việt Nam. Đó là xích lô, xe đạp, xe máy, rất nhiều cửa hàng và khu chợ. Bên cạnh đó, ông cũng rất yêu thích hình những người phụ nữ đội mũ rơm, vai choàng đôi quang gánh có tất cả nguyên liệu cần thiết để sẵn sàng phục vụ 1 bát phở gà ngon lành bên góc đường.
“Tôi đã ăn món này nhiều lần và chưa bao giờ ngán. Phố cổ ở Hà Nội là nơi tuyệt vời để nhìn ngắm, lắng nghe và tận hưởng. Dường như cuộc sống nơi đây luôn dạy cho tôi nhiều điều bằng thứ ngôn ngữ mà tôi bắt đầu cảm nhận được”, ông Otterbech hồi tưởng.
Bức tranh do vợ ông Otterbech vẽ trong thời gian ở Việt Nam, tái hiện cảnh "gia đình về quê đón Tết cùng ông bà"
Người đàn ông Na Uy cũng phát hiện một bí mật đặc biệt ở khu hồ Hoàn Kiếm gần đó. “Bạn phải thức dậy thật sớm để ra bờ hồ, khi những chú chim bắt đầu bài hát chào đón bình minh trong khi nắng lên dần. Đối với tôi, đây là cách để “sạc năng lượng” trước khi bắt đầu ngày mới với công việc chồng chất”.
Đại sứ Palestine: "Mong muốn thành phố xứng đáng là Thủ đô của một dân tộc anh hùng"
“Hà Nội có ý nghĩa rất đặc biệt với tôi”, Đại sứ Saadi Salama bày tỏ. Lần đầu ông đến Hà Nội khi mới 19 tuổi và gắn bó với nơi đây 4 năm thời sinh viên. Sau này, ông trở lại với cương vị Đại sứ Palestine tại Việt Nam. Ông kể: “Lúc ấy tôi còn trẻ, từng đi khắp phố phường Hà Nội, thăm thú các ngóc ngách của thành phố này, ăn nhiều món ăn đặc biệt của Hà thành, thưởng thức mùi của những cây to lớn quanh hồ Thiền Quang, được hít thở bầu không khí sạch sẽ”.
Đại sứ Palestine chứng kiến sự đổi thay của Hà Nội qua nhiều thập kỷ
Khi đi thăm khu phố cổ, di tích lịch sử, ông cảm thấy mình như đang chạm tay vào những khoảnh khắc lịch sử của thành phố ngàn năm tuổi. Ông cũng từng tham gia những ngày lao động xã hội chủ nghĩa vào cuối tuần để làm đẹp cho trường học, thành phố. Những năm 1980, dân số Hà Nội chưa vượt quá con số 2 triệu. Nhưng vào năm 1989, khi Saadi Salama quay lại, ông thấy Hà Nội bắt đầu phát triển, có những đổi thay nhờ chính sách Đổi mới. Ông bảo, mình may mắn khi được tận mắt chứng kiến sự chuyển mình của thành phố, mà theo ông, điều dễ nhận thấy nhất là vấn đề giao thông.
Hà Nội còn đặc biệt hơn nữa bởi đây là nơi ông tìm thấy tình yêu của mình – người bạn học chung lớp. Họ lập gia đình và có 4 người con xinh đẹp, tài năng. Ông thích ăn phở, bánh xèo, nem rán, bún, đặc biệt là phở Hà Nội. Đại sứ bảo, tuần nào, ông cũng phải thưởng thức ít nhất một lần vì đã “nghiện” từ lâu…
Theo ông, Hà Nội cũng cần giải quyết một số vấn đề để phát triển tốt hơn
Năm 2010, Đại sứ từng giành giải đặc biệt cuộc thi “Hà Nội – Điểm hẹn của bạn”. Trong bài viết của mình, ông nêu lên nhiều vấn đề mà có thể ít người nói ra: Hà Nội cần phải giải quyết một số vấn đề quan trọng. Trước hết, phải tham gia tích cực vào việc phát triển đất nước; giáo dục thế hệ trẻ, gắn liền cái mới với truyền thống tốt đẹp; giữ gìn môi trường để thành phố xanh, đẹp, sạch sẽ và cần có biện pháp giải quyết tích cực vấn đề giao thông.
“Đây là thành phố hiếm có ở Đông Nam Á, có tuổi đời 1.000 năm với những đường phố rất đẹp. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, tôi rất thích các tòa nhà được xây từ hơn 100 năm, nhưng giờ đây khi tôi quay lại không còn nữa, khiến Hà Nội không đẹp như xưa. Yêu Hà Nội nên tôi nói ra nhiều điều mà những người khác ít khi nói đến. Tôi mong muốn thành phố xinh đẹp này xứng đáng là Thủ đô của một dân tộc anh hùng”, ông chia sẻ.
Martin Rama: "Hà Nội – thành phố đáng yêu, đáng sống!"
Martin Rama, cựu Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam – người sống ở Hà Nội từ năm 2002 đến 2010 viết về thành phố như một nàng thơ trong cuốn “Hà Nội một chốn rong chơi”, xuất bản hồi tháng 6/2014. Trong cuốn sách của mình, chuyên gia kinh tế người Uruguay viết rằng, ông “đã yêu Hà Nội ngay từ lần đầu gặp gỡ, vào tháng 10/1998. Và đến giờ, tình yêu đó vẫn chưa hề nhạt phai”.
Martin Rama viết về Hà Nội như một nàng thơ trong tác phẩm của mình
Ông viết: "Điều gì làm cho một thành phố trở thành nơi đáng sống? Trong khi nhiều thành phố lớn ở Đông Á đang trở nên xấu xí hoặc buồn tẻ không cứu chữa nổi (đôi khi là cả 2), thì Hà Nội vẫn luôn là một thành phố đáng sống; hơn thế nữa còn là một thành phố rất đáng yêu".
Tác giả ví von: "Đi qua 1.000 năm lịch sử, thành phố dường như đã tìm ra được thuật giả kim quý báu cho cuộc đời mình... Giống 1 công thức làm món ăn hơn là một bản thiết kế chặt chẽ... Đến mức mà chỉ ít người Hà Nội có thể nói được bí mật đó nằm ở chỗ nào, mặc dù ai cũng rất yêu quý thành phố của mình".
Đối với Martin Rama, con đường Phan Đình Phùng lãng mạn hay gánh hàng hoa di động mới là hình ảnh đẹp nhất của Hà Nội
Hà Nội, theo cảm nhận của Martin Rama, là thành phố vô cùng xinh đẹp. Nhưng trong cái nét yêu kiều, duyên dáng ấy, Hà Nội cũng rất sống động, phức tạp mà biểu hiện rõ nhất chính là “cuộc sống” trên đường phố. Nơi mà ở những thành phố khác dường như chỉ là chỗ để người ta đi qua đi lại, thì ở Hà Nội tồn tại một “cuộc sống” thực sự. Những “vũ điệu chuyển động đầy ngẫu hứng bằng xe máy”, chầu bia, cuộc tán gẫu trên vỉa hè đầy khói bụi… Cũng trên vỉa hè ấy là những người đàn ông ung dung ngồi đánh cờ tướng, cụ già đi dạo trong bộ quần áo ngủ, người mẹ mải mê cho con bú… Lẫn trong cái ồn ào vội vã của cuộc sống thường nhật là những “vườn hoa di động” – cái tên trìu mến mà Martin Rama đặt cho gánh hàng, chiếc xe đạp chở hoa ngược xuôi khắp phố phường. Đối với Martin Rama, con đường Phan Đình Phùng lãng mạn hay gánh hàng hoa di động mới là hình ảnh đẹp nhất của Hà Nội, chứ không phải những tòa cao ốc.
Mạnh Phúc