"Dám nói, dám làm": Sự cố chấp tới mức cực đoan của ông Trump có đang làm hại nước Mỹ?
Khoảng thời gian ấy chưa phải là dài.
Ông Trump chứng tỏ là người hay thay đổi quan điểm. Mấy tháng nữa, ở đất nước này có cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ và ông Trump chắc chắn sẽ triệt để sử dụng đối ngoại phục vụ cho vận động tranh cử, để cùng Đảng Cộng hoà duy trì quyền kiểm soát cả lưỡng viện lập pháp.
Dù vậy, khoảng thời gian ấy cũng đã đủ để có thể nhận diện những đường nét cơ bản và hình hài đường lối chính sách đối ngoại của ông Trump.
Nhiều vấn đề đối ngoại cần giải quyết
Gần một năm rưỡi qua, ông Trump đã có nhiều quyết sách quan trọng về đối ngoại nhưng gần như chưa gặt hái được thành quả quan trọng đáng kể nào. Người này thậm chí còn gây ra nhiều vấn đề đối ngoại và an ninh mới cho nước Mỹ.
Nếu tới đây cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên - cuộc gặp giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến vào ngày 12/6 ở Singapore - đạt được kết quả tích cực với ít nhất thoả thuận giữa hai bên về định hướng giải pháp cho vấn đề hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, thì đấy sẽ là thành quả đối ngoại đầu tiên (và cũng sẽ thuộc diện lớn nhất, quan trọng nhất và có ý nghĩa lịch sử nhất) mà ông Trump có thể đạt được ở nhiệm kỳ cầm quyền này và cả nhiệm kỳ sau nữa nếu được tái đắc cử.
Một năm thành tựu và những thử thách ông Trump cần vượt qua. Nguồn: Fox News
Đường lối cơ bản trong chính sách đối ngoại của ông Trump
Từ những quyết sách và phát ngôn của ông Trump liên quan đến đối ngoại và an ninh cho đến nay có thể thấy được những nét cơ bản trong chính sách đối ngoại của người này.
Thứ nhất, ông Trump kiên định thực hiện cam kết tranh cử và vì thế việc thực hiện những cam kết ấy đóng vai trò rất quyết định tới quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của ông Trump.
Ông Trump rất coi trọng việc thể hiện hình ảnh và được công nhận rộng rãi mình là người đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện, bất kể nước Mỹ vì thế mà phải trả giá như thế nào về hiện tại cũng như lâu dài.
Ông Trump coi đó là thương hiệu, là biểu hiện khác biệt với những người tiền nhiệm và đặc biệt là một con chủ bài dân tuý ở Mỹ. Những quyết sách về đối ngoại của ông Trump cho tới nay gần như tất cả đều là cam kết tranh cử của người này.
Thứ hai, khẩu hiệu "Nước Mỹ Trước hết" chi phối quan điểm chính sách của ông Trump. Nó vừa là chiêu bài dân tuý nhưng đồng thời vừa là nhận thức thực sự của ông Trump.
-
Ông Trump đe dọa ông Kim Jong-un: Hoặc phi hạt nhân hóa và được bảo vệ, hoặc bị lật đổ như Gaddafi
Có thể nhận thấy ông Trump vận dụng nó trên mọi lĩnh vực chính sách càng ngày càng cụ thể hơn và càng thêm cực đoan.
Nếu như ở thời kỳ đầu, ông Trump tìm cách để thể hiện "Nước Mỹ Trước hết" thì hiện tại ông Trump đã bắt đầu ở trong tình thế "buộc phải như thế" vì "Nước Mỹ Trước hết".
Tức là người này đã tự tạo ra cho mình những "lằn ranh đỏ" trong nhận thức và hành động để đến mức không còn sự lựa chọn nào khác, kể cả khi sự lựa chọn ấy thái quá và bất chấp tất cả.
Thứ ba, ông Trump tuyệt đối hoá phương châm "Mục đích thần thánh hoá công cụ". Có thể hiểu một cách đơn giản là đạt mục đích bằng mọi giá và với mọi cách.
Những bằng chứng mới đây nhất là quyết định rút nước Mỹ ra khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran và di dời đại sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel Aviv về thành phố Jerusalem.
Vì "Nước Mỹ trước hết", ông Trump áp thuế quan bảo hộ đối với sản phẩm của EU xuất khẩu vào thị trường Mỹ và lôi kéo EU vào cuộc xung khắc thương mại quyết liệt.
Nhưng rồi cũng vì mục đích huỷ hoại thoả thuận hạt nhân với Iran mà phía Mỹ phát đi tín hiệu rằng nếu EU cũng từ bỏ thoả thuận này thì Mỹ sẽ không áp thuế quan bảo hộ nữa. Tức là khi ấy, nước Mỹ chỉ còn là trên hết trong chuyện với Iran chứ không còn như thế nữa trong chuyện thương mại với EU.
Thứ tư, chuyện của thế giới bên ngoài nước Mỹ chỉ còn được ông Trump quan tâm ở mức độ chúng có lợi như thế nào cho nhu cầu đối nội của mình.
Chủ trương giảm cam kết với bên ngoài và xem xét lại mọi mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống có gốc rễ từ đó.
Ảnh: Getty Images | Chris Kleponis
Cũng vì thế mà ông Trump vứt bỏ không ít những điều tưởng như đã trở thành nguyên tắc và định hướng bất di bất dịch trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Không coi trọng cả NATO lẫn EU, không cần đóng góp nhiều cho LHQ, không đảm nhận vai trò lãnh đạo Phương Tây... là một vài biểu hiện.
Có thể thấy rõ nhất điều này ở sự điều chỉnh chính sách từ theo đuổi mục tiêu "thay đổi thể chế ở nơi khác" sang chấp nhận hoặc ít nhất thì cũng chưa thay đổi. Những người tiền nhiệm của ông Trump đã theo đuổi mục tiêu "thay đổi thể chế" và đã thành công ở một số nơi như Afghanistan, Iraq hay Libya và cũng muốn như thế ở Syria.
Ông Trump đã công khai tuyên bố không chủ ý theo đuổi mục đích ấy nữa. Cả cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng quả quyết như vậy đối với Iran cho dù khi chưa về đầu quân cho ông Trump, ông Bolton có quan điểm khác.
Phía Mỹ hiện có mức độ lành mạnh trong tư duy và mức độ thực dụng trong hành động để không đeo đẳng ảo tưởng có thể thay đổi được thể chế chính trị ở những nước đối thủ như Iran hay Triều Tiên.
Dẫu có muốn thì nước Mỹ hiện tại của ông Trump cũng không làm nổi, huống hồ việc ấy trái ngược với tinh thần và nội hàm của khẩu hiệu "Nước Mỹ Trước hết" của ông Trump.
Mới đây, ông Trump doạ Triều Tiên là nếu không đạt được thoả thuận với Mỹ thì sẽ phải chịu số phận của Libya. Ông Trump mạnh miệng thế thôi chứ Mỹ và đồng minh làm sao có thể lặp lại được kịch bản Libya ở Triều Tiên.
Sau cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ tới này, chính sách của ông Trump sẽ rõ ràng và cụ thể hơn. Có lẽ phải sau đó thì ông Trump mới chấm dứt tình trạng cầm quyền mà không có chính sách đối ngoại bài bản, bao trùm và thống nhất.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại
Đại sức Trần Đức Mậu