Cửa biển bị bồi lấp, ngư dân lo lắng
Là một trong những cửa biển lớn của tỉnh Quảng Ngãi, cửa biển Mỹ Á có dạng vũng kín. Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành khu vực neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền và các khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế thủy sản vùng cửa biển Mỹ Á, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi quyết định đầu tư khu neo trú tàu thuyền và cảng cá Mỹ Á với tổng diện tích 1,7 ha, sức chứa 400 tàu cá.
Năm 2020, sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác, cửa biển Mỹ Á đã thông thoáng, hàng trăm tàu cá công suất lớn đánh bắt vùng biển xa của ngư dân địa phương và các tỉnh lân cận tấp nập ra, vào bến bốc dỡ thủy sản, mua sắm hậu cần để vươn khơi xa.
Thời điểm này, cảng cá Mỹ Á luôn sôi động, hậu cần nghề cá phát triển mạnh, tạo đa dạng ngành nghề cho địa phương, mang lại thu nhập cao cho nhiều gia đình, giúp đời sống hàng nghìn ngư dân trở nên khấm khá. Đặc biệt, đến mùa mưa bão, ngư dân rất an tâm đưa tàu cá ra vào cảng neo đậu tránh trú, bảo đảm an toàn.
Niềm vui của ngư dân các làng chài Phổ Quang chẳng được bao lâu thì luồng lạch ra vào khu neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á bị bồi lấp ngày càng nặng. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ Trần Ngọc Sang cho biết, nếu như trước đây, luồng lạch ra vào cảng có độ sâu 4m thì hiện tại chỉ còn khoảng 1,8m, vào buổi chiều tối chỉ còn 0,5m nên thời gian qua, có rất nhiều tàu cá ra vào cửa bị mắc cạn, bị sóng đánh chìm gây thiệt hại lớn về tài sản. Trong khi đó, 270 tàu cá có công suất 200CV trở lên của ngư dân Phổ Quang do luồng lạch quá cạn nên không thể vào cảng Mỹ Á, cho nên đành phải di chuyển đến các địa phương khác như Đà Nẵng, Quy Nhơn để bán hải sản và neo trú.
Ngư dân Nguyễn Thành Lin, chủ tàu cá QNg 94418TS chia sẻ: “Luồng lạch cảng Mỹ Á bây giờ bị cát bồi lắng nên rất nông. Mỗi khi biển động, ngư dân không dám đưa tàu ra khơi vì sợ tai nạn. Thậm chí, thời điểm này, trời yên, biển lặng, nhưng ngư dân vẫn rất lo lắng khi tàu cá công suất nhỏ ra vào. Dù đã chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, đá lạnh, ngư lưới cụ, lương thực, thực phẩm nhưng tàu của gia đình tôi và những ngư dân khác vẫn phải nằm bờ chờ nước lớn mới ra khơi khiến chuyến biển bị chậm trễ. Thiệt hại đủ đường!”.
Ảnh minh họa. |
Theo Ban Quản lý cảng cá Mỹ Á, do luồng ra vào cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á bị bồi lấp, nên số lượng tàu cá vào cảng mỗi năm giảm dần. Đơn cử, năm 2023, tàu cá ra vào giảm 1.116 lượt so với năm 2022; 5 tháng đầu năm 2024, chỉ có hơn 1.500 lượt tàu cá ra vào, riêng tàu cá công suất lớn khai thác xa bờ hầu như không vào cảng.
Số lượt tàu cá ra vào cảng ngày càng thưa thớt, chủ yếu là tàu công suất nhỏ, cho nên dù đang mùa đánh bắt chính trong năm nhưng hiện tại khung cảnh khu neo trú tàu thuyền và cảng cá Mỹ Á (cảng cá loại 2) khá đìu hiu. Bà Huỳnh Thị Hồng, một thương lái chuyên thu mua hải sản tại cảng cho biết, mấy năm trước, tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân địa phương và ngoại tỉnh cập cảng Mỹ Á rất nhiều.
Trên bến, dưới thuyền luôn rộn ràng tiếng nói cười, mua, bán hải sản. Còn bây giờ cửa biển bị bồi lấp, tàu cá công suất lớn đánh bắt dài ngày trên biển không vào được, phải chạy đến các cảng cá khác bán hải sản. Cảng cá Mỹ Á vắng lặng, mỗi ngày chỉ lèo tèo vài tàu cá công suất nhỏ đánh bắt các loài hải sản không có giá trị kinh tế cao, cho nên sản lượng thu mua của các thương lái giảm sút. “Hồi trước, chỉ riêng cơ sở của tôi mỗi ngày bình quân thu mua 40-50 tấn hải sản, nhưng bây giờ, ngày cao nhất cũng chỉ được 5 tấn. Kinh doanh khó khăn, nhưng phải cố cầm cự để trang trải cuộc sống”, bà Huỳnh Thị Hồng chia sẻ.
Không chỉ việc thu mua hải sản của các thương lái bị ảnh hưởng mà các nhà máy sản xuất đá lạnh tại khu vực này chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí ngưng hoạt động. Các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu, cơ sở sửa chữa tàu thuyền và buôn bán ngư lưới cụ giảm rất nhiều so với các năm trước.
Việc luồng lạch ra vào cảng bị bồi lấp nặng nề đã ảnh hưởng lớn đến phát triển ngành thủy sản địa phương. Thu nhập giảm sút khiến đời sống của phần lớn người dân phường Phổ Quang sinh sống bằng nghề biển gặp nhiều khó khăn. Nhiều người phải tìm kiếm việc làm mới để ổn định đời sống. Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phổ Quang Huỳnh Xuân Bình |
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ Trần Ngọc Sang, phường Phổ Quang là một trong những địa phương có truyền thống sinh sống bằng nghề biển lâu đời, với số lượng tàu cá đăng ký hơn 400 chiếc, ngư trường đánh bắt rộng lớn. Bám biển mưu sinh đã giúp ngư dân Phổ Quang có cuộc sống đủ đầy, nhiều gia đình vươn lên làm giàu, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tuy nhiên, việc luồng lạch cảng Mỹ Á bị bồi lấp rất nặng khiến ngư dân gặp khốn khó, các dịch vụ hậu cần nghề cá rơi vào cảnh ế ẩm, dẫn đến nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng để xây khu neo trú tàu thuyền và cảng cá phát huy kém hiệu quả.
Đồng chí Trần Ngọc Sang nhận định, nguyên nhân cảng Mỹ Á bị bồi lấp ngày càng nặng, đặc biệt là khu vực giáp biển, mực nước rất nông là do tác động trực tiếp của bão, triều cường và dòng hải lưu nhưng nhiều năm liền không được nạo vét. Chính quyền thị xã Đức Phổ kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cần quan tâm, xem xét bố trí kinh phí để thực hiện việc nạo vét, khắc phục bồi lấp luồng vào khu neo trú tàu thuyền Mỹ Á và cửa biển Mỹ Á. Qua đó, thúc đẩy kinh tế biển của địa phương phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Mới đây, qua kiểm tra thực tế hiện trường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đức Bình cho rằng, kiến nghị của ngư dân và chính quyền địa phương rất chính đáng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã giao cho các đơn vị trực thuộc phối hợp với địa phương khẩn trương khảo sát cụ thể, chính xác mức độ bồi lấp để lập phương án nạo vét trình Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xem xét, quyết định.
Khẳng định vai trò quan trọng của UNCLOS 1982 - hiến pháp của biển và đại dương Ngày 9/11, Hội thảo lần thứ năm của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về vận dụng Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên trên biển đã được Bộ Ngoại giao phối hợp với các đại sứ quán Canada, Australia, New Zealand và EU đồng tổ chức tại Hà Nội. |
Người khuyết tật Quảng Bình được hỗ trợ giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu Được trang bị kiến thức, kỹ năng và cơ sở vật chất, các hộ gia đình dễ bị tổn thương tại Quảng Bình giờ đây có thể tự tin chống chịu với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. |