Cử Bộ trưởng BQP và Ngoại trưởng đồng chủ trì đối thoại, Mỹ coi Trung Quốc như đồng minh?
Theo Lianhe zaobao (Singapore), đây là lần đầu tiên Mỹ đồng thời cử Ngoại trưởng và Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng tham gia hội nghị, cũng như lần đầu tiên nâng Trung Quốc lên cấp ngang với "đồng minh" để tiến hành đối thoại.
Trong các cuộc Đối thoại chiến lược - kinh tế Trung - Mỹ trước đây, Bộ trưởng Quốc phòng và đại diện quân đội Mỹ đều không tham dự.
Báo Singapore này dẫn lời Phó Giáo sư Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) Vương Đống nhận định rằng, việc đồng thời cử Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng chủ trì đối thoại song phương "2+2" là sự đãi ngộ mà Washington chỉ dành cho đồng minh thân thiết.
"Lần này, Mỹ nâng Trung Quốc lên cấp ngang với đồng minh để tiến hành đối thoại cho thấy sự coi trọng đối với quan hệ Trung-Mỹ", ông Vương Đống nói.
Trong khi đó, ông Thẩm Đinh Lập, Giáo sư Đại học Phúc Đán, Thượng Hải cho rằng, cấp độ đối thoại Trung-Mỹ đang tăng dần, chính phủ Tổng thống Donald Trump hiện tại sẵn sàng nâng cấp đối thoại là do lo lắng vấn đề Triều Tiên, mong muốn đổi lấy sự phối hợp nhiều hơn với Bắc Kinh trên bán đảo Triều Tiên.
Thẩm Đinh Lập cho biết, dưới thời chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush, một bộ phận Nhà Trắng từng lên tiếng phản đối triển khai đối thoại chiến lược với Trung Quốc dẫn đến cơ chế đối thoại chỉ dừng lại ở mức "đối thoại cấp cao".
Đến nhiệm kỳ Tổng thống Barack Obama, tên gọi hội nghị được thêm hai chữ "chiến lược" nhưng thời kỳ đầu hội nghị chỉ thảo luận chiến lược và kinh tế, mãi về sau mới bắt đầu đề cập đến vấn đề an ninh nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng không tham dự.
Giáo sư Trung Quốc còn tiết lộ, trước đây Bắc Kinh từng e dè với cơ chế đối thoại "2+2" do quan ngại hội nghị với kết hợp giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ quá mạnh, lấn án không gian đối thoại của Bắc Kinh.
Hiện nay Trung Quốc lạc quan với sự cải thiện của cơ chế đối thoại Trung-Mỹ cho thấy Bắc Kinh đã tự tin hơn trước đây, Thẩm Đinh Lập nhấn mạnh.
Đồng thời, ông cũng lý giải, việc Mỹ cử Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng tham dự nhưng Trung Quốc lại cử Ủy viên Quốc vụ viện (cấp bậc cao hơn Ngoại trưởng) và Tổng tham mưu trưởng quân đội (cấp bậc thấp hơn Bộ trưởng) là do mối tính chất đặc thù trên chính trường Trung Quốc.
"Ủy viên Quốc vụ viện và Tổng tham mưu trưởng dễ dàng tiếp cận Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Tập Cận Bình hơn Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng, lời nói có sức nặng hơn nên cơ chế đối thoại cũng sẽ hiệu quả hơn", Thẩm Đinh Lập nói.
Ngoài ra, ông Michael Swaine, một nhà phân tích về Trung Quốc tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận định, cơ chế Đối thoại an ninh - ngoại giao sẽ hiệu quả hơn trước đây.
Bởi theo ông, quy mô quá lớn của Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ trước đây khó có thể hoạt động hiệu quả.
"Quy mô Đối thoại an ninh - ngoại giao mới tương đối nhỏ, hai bên có thể dễ dàng xoay quanh tập trung hơn vào các vấn đề chiến lược thực tế, cũng như có thể đề cập đến những vấn đề chiến lược lâu dài", Swaine bình luận
Thủy Thu