Cụ bà người Thanh Hóa cắt vài sợi tóc rối trên đầu, 22 năm sau, nó hóa thành búi tóc cứng đanh dài tới 3m
Với mái tóc bện cứng như đá, từ lâu nay, cụ bà Trịnh Thị Nghiên đã trở thành cái tên được nhiều người biết tới ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Được biết, cách đây 22 năm, mái tóc của cụ bà 81 tuổi đang từ bình thường bỗng trở nên rối mù và bết dính lại. Trong dân gian, người ta vẫn gọi đây là tóc kết rồng bởi khi tóc bết lại thường cuộn tròn như hình dáng của con rồng.
Mái tóc rồng của cụ có độ dài lên tới 3m.
Mái tóc rồng của cụ Nghiên không chỉ rối và bết dính mà còn có màu khác với phần tóc bình thường còn lại. Mái tóc bình thường của cụ có màu đen, trong khi lọn tóc rối lại có màu nâu.
Rất nhiều người tự hỏi, không biết làm thế nào mà cụ bà nhỏ thó có thể sống được với mái tóc dài và nặng tới như vậy. Nhưng cụ Nghiên nói mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải sống chung với nó.
Trước đây tóc cụ Nghiên hoàn toàn bình thường. Cho tới năm 1995, trong một lần chải đầu, cụ tự nhiên thấy có một vài sợi tóc rối trên đầu. Sau khi gỡ bằng lược mãi mà không được nên cụ đã cắt nó đi. Ngờ đâu sau đó, những sợi tóc rối đó bắt đầu mọc ngày càng nhanh và dày. Dù đã cắt đi vài lần nhưng vẫn không thể ngăn được sức mọc của nó, cụ Nghiên đã để cho tóc mọc tự nhiên. Tính đến nay là được 22 năm, lọn tóc rối đó đã dài tới 3m.
Mang trên mình bộ tóc kỳ dị như thế là một điều không hề dễ dàng. Mái tóc khiến cụ Nghiên luôn bị chú ý mỗi khi ra đường. Người lớn thì muốn sờ thử vào mái tóc của cụ, còn trẻ con thì đặt ra đủ câu hỏi trên trời dưới biển về nó. Vì thế, để tránh bị để ý, cụ Nghiên phải quấn tóc thành búi lớn trên đầu rồi che kín.
Mỗi lần gội đầu, cụ Nghiên mất khoảng một tiếng đồng hồ. Để tóc khô, cụ phải mất tới cả ngày. Mặc dù gặp khá nhiều khó khăn khi phải sống chung với mái tóc cực hình này nhưng cụ Nghiên cũng đã quen với nó cũng như những lời bình luận về nó.
Mái tóc bết dính ngả sang màu nâu của cụ Nghiên.
Mỗi lần gội đầu cũng là một cực hình với cụ bà 81 tuổi này.
Trẻ con rất thích hỏi về mái tóc kỳ lạ của cụ Nghiên.
(Nguồn: O.C)
Nguyễn Hạnh