Trang chủ Nhân quyền - Góc nhìn thời đại Cẩm nang
00:00 | 01/06/2020 GMT+7

Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR), 1966

aa
Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights viết tắt là ICESCR) là một trong hai công ước trụ cột về nhân quyền (bên cạnh Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị) và là một cấu phần của Bộ luật Nhân quyền quốc tế (bao gồm hai công ước này và Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền).
cong uoc quoc te ve cac quyen kinh te xa hoi va van hoa icescr 1966 Việt Nam đứng đầu thế giới về sức khỏe cộng đồng và kinh tế trong chống dịch Covid-19
cong uoc quoc te ve cac quyen kinh te xa hoi va van hoa icescr 1966 Chuyên gia Nga đánh giá cao chất lượng y tế và các biện pháp vệ sinh dịch tễ của Việt Nam trong phòng, chống COVID-19
cong uoc quoc te ve cac quyen kinh te xa hoi va van hoa icescr 1966
Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) là một trong hai công ước trụ cột về nhân quyền.

Công ước được thông qua và để ngỏ cho các nước ký, phê chuẩn và gia nhập theo Nghị quyết số 2200A (XXI) ngày 16/12/1966 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Có hiệu lực từ ngày 3/01/1976, căn cứ theo Điều 27.Việt Nam gia nhập ngày 24/9/1982).

Xét rằng, theo những nguyên tắc nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, việc thừa nhận phẩm giá vốn có và những quyền bình đẳng, không thể chuyển nhượng của mọi thành viên trong cộng đồng nhân loại là nền tảng cho tự do, công lý và hoà bình trên thế giới;

Thừa nhận rằng, những quyền này bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của con người.

Thừa nhận rằng, theo Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người thì chỉ có thể đạt được lý tưởng về con người tự do, không phải chịu nỗi sợ hãi và thiếu thốn, nếu tạo được những điều kiện để mọi người đều có thể hưởng các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá cũng như các quyền dân sự, chính trị của mình.

Xét rằng, theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, các quốc gia có nghĩa vụ thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ chung các quyền và tự do của con người.

Nhận thấy rằng, mỗi cá nhân, trong khi có nghĩa vụ đối với các cá nhân khác và đối với cộng đồng mình, phải có trách nhiệm phấn đấu cho việc thúc đẩy và tuân thủ các quyền đã được thừa nhận trong Công ước.

Đã nhất trí những điều khoản sau đây:

PHẦN I

Điều 1.

1. Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá.

2. Vì lợi ích của mình, các dân tộc đều có quyền tự do định đoạt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và của cải của mình miễn là không làm phương hại đến các nghĩa vụ phát sinh từ hợp tác kinh tế quốc tế, mà dựa trên nguyên tắc các bên cùng có lợi và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được phép tước đi những phương tiện sinh tồn của một dân tộc.

3. Các quốc gia thành viên Công ước này, kể cả các quốc gia có trách nhiệm quản lý các Lãnh thổ Uỷ trị và các Lãnh thổ Quản thác, phải thúc đẩy việc thực hiện quyền tự quyết và phải tôn trọng quyền đó phù hợp với các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

PHẦN II

Điều 2 .

1. Mỗi quốc gia thành viên Công ước này cam kết sẽ tiến hành các biện pháp, một cách riêng rẽ và thông qua sự hợp tác giúp đỡ quốc tế, đặc biệt là các biện pháp kinh tế và kỹ thuật, sử dụng tới mức tối đa các tài nguyên sẵn có của mình, nhằm đạt được việc bảo đảm ngày càng đầy đủ các quyền được thừa nhận trong Công ước này bằng mọi biện pháp thích hợp, đặc biệt kể cả việc thông qua những biện pháp lập pháp.

2. Các quốc gia thành viên cam kết bảo đảm rằng các quyền được nêu trong Công ước này sẽ được thực hiện không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc các quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc các địa vị khác.

3. Các quốc gia đang phát triển có thể quyết định mức độ đảm bảo các quyền kinh tế mà đã được ghi nhận trong Công ước này cho những người không phải là công dân của họ, có xem xét thích đáng đến các quyền con người và nền kinh tế quốc dân của mình.

Điều 3.

Các quốc gia thành viên cam kết đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ đối với mọi quyền kinh tế, xã hội và văn hoá mà Công ước này quy định.

Điều 4.

Các quốc gia thành viên thừa nhận rằng, trong khi ấn định các quyền mà mỗi cá nhân được hưởng phù hợp với các quy định của Công ước này, mỗi quốc gia chỉ có thể đặt ra những hạn chế bằng các quy định pháp luật trong chừng mực những hạn chế ấy không trái với bản chất của các quyền nói trên và hoàn toàn vì mục đích thúc đẩy phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.

Điều 5.

1. Không một quy định nào trong Công ước này có thể được giải thích với hàm ý cho phép bất kỳ một quốc gia, nhóm người, hoặc cá nhân nào được quyền tham gia hoặc tiến hành bất kỳ hành động nào nhằm phá hoại các quyền hoặc tự do được Công ước này ghi nhận, hoặc nhằm giới hạn các quyền đó quá mức Công ước này quy định.

2. Không được hạn chế hoặc giảm bất kỳ quyền cơ bản nào của con người ở bất kỳ quốc gia thành viên nào của Công ước này mà đã được công nhận hay tồn tại ở các nước đó dưới hình thức luật, công ước, các quy tắc hoặc tập quán, với lý do là Công ước này không công nhận các quyền đó hoặc công nhận chúng ở mức thấp hơn.

PHẦN III

Điều 6.

1. Các quốc gia thành viên Công ước này thừa nhận quyền làm việc, trong đó bao gồm quyền của tất cả mọi người có cơ hội kiếm sống bằng công việc do họ tự do lựa chọn hoặc chấp nhận, và các quốc gia phải thi hành các biện pháp thích hợp để đảm bảo quyền này.

2. Các quốc gia thành viên Công ước phải tiến hành các biện pháp để thực hiện đầy đủ quyền này, bao gồm triển khai các chương trình đào tạo kỹ thuật và hướng nghiệp, các chính sách và biện pháp kỹ thuật nhằm đạt tới sự phát triển vững chắc về kinh tế, xã hội và văn hoá, tạo công ăn việc làm đầy đủ và hữu ích với điều kiện đảm bảo các quyền tự do cơ bản về chính trị và kinh tế của từng cá nhân.

Điều 7 .

Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận quyền của mọi người được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi, đặc biệt đảm bảo:

a. Thù lao cho tất cả mọi người làm công tối thiểu phải đảm bảo:

(i) Tiền lương thoả đáng và tiền công bằng nhau cho những công việc có giá trị như nhau, không có sự phân biệt đối xử nào; đặc biệt, phụ nữ phải được đảm bảo những điều kiện làm việc không kém hơn đàn ông, được trả công ngang nhau đối với những công việc giống nhau;

(ii) Một cuộc sống tương đối đầy đủ cho họ và gia đình họ phù hợp với các quy định của Công ước này.

b) Những điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh.

c) Cơ hội ngang nhau cho mọi người trong việc được đề bạt lên chức vụ thích hợp cao hơn, chỉ cần xét tới thâm niên và năng lực làm việc.

d) Sự nghỉ ngơi, thời gian rảnh rỗi, giới hạn hợp lý số giờ làm việc, những ngày nghỉ thường kỳ được hưởng lương cũng như thù lao cho những ngày nghỉ lễ.

Điều 8.

1. Các quốc gia thành viên Công ước cam kết bảo đảm:

a) Quyền của mọi người được thành lập và gia nhập công đoàn do mình lựa chọn, theo quy chế của tổ chức đó, để thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích kinh tế và xã hội của mình. Việc thực hiện quyền này chỉ bị những hạn chế quy định trong pháp pháp luật và là cần thiết đối với một xã hội dân chủ, vì lợi ích của an ninh quốc gia và trật tự công cộng, hoặc vì mục đích bảo vệ các quyền và tự do của những người khác.

b) Quyền của các tổ chức công đoàn được thành lập các liên hiệp công đoàn quốc gia và quyền của các liên hiệp công đoàn quốc gia được thành lập hay gia nhập các tổ chức công đoàn quốc tế.

c) Quyền của các công đoàn được hoạt động tự do, không bị bất kỳ sự hạn chế nào ngoài những hạn chế do pháp luật luật quy định và là cần thiết đối với một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia và trật tự công cộng, hoặc nhằm mục đích bảo vệ các quyền và tự do của người khác.

d) Quyền đình công với điều kiện là quyền này phải được thực hiện phù hợp với pháp luật của mỗi nước.

2. Điều khoản này không ngăn cản việc áp đặt những hạn chế hợp pháp trong việc thi hành những quyền nói trên đối với những nhân viên phục vụ trong các lực lượng vũ trang, cảnh sát hoặc bộ máy chính quyền.

3. Không quy định nào trong điều này cho phép các quốc gia thành viên của Công ước về tự do lập hội và bảo vệ quyền được lập hội năm 1948 của Tổ chức Lao động quốc tế được sử dụng các biện pháp lập pháp hoặc hành pháp mà có thể làm tổn hại đến các bảo đảm nêu trong Công ước đó.

Điều 9 .

Các quốc gia thành viên Công ước này thừa nhận quyền của mọi người được hưởng an sinh xã hội, kể cả bảo hiểm xã hội.

Điều 10.

Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận rằng:

1. Cần dành sự giúp đỡ và bảo hộ tới mức tối đa có thể được cho gia đình - tế bào cơ bản và tự nhiên của xã hội - nhất là đối với việc tạo lập gia đình và trong khi gia đình chịu trách nhiệm chăm sóc và giáo dục trẻ em đang sống lệ thuộc. Việc kết hôn phải được cặp vợ chồng tương lai chấp thuận tự do.

2. Cần dành sự bảo hộ đặc biệt cho các bà mẹ trong một khoảng thời gian thích đáng trước và sau khi sinh con. Trong khoảng thời gian đó, các bà mẹ cần được nghỉ có lương hoặc nghỉ với đầy đủ các phúc lợi an sinh xã hội.

3. Cần áp dụng những biện pháp bảo vệ và trợ giúp đặc biệt đối với mọi trẻ em và thanh thiếu niên mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào vì các lý do xuất thân hoặc các điều kiện khác. Trẻ em và thanh thiếu niên cần được bảo vệ để không bị bóc lột về kinh tế và xã hội. Việc thuê trẻ em và thanh thiếu niên làm các công việc có hại cho tinh thần, sức khoẻ hoặc nguy hiểm tới tính mạng, hay có hại tới sự phát triển bình thường của các em phải bị trừng trị theo pháp luật. Các quốc gia cần định ra những giới hạn về độ tuổi mà việc thuê lao động trẻ em dưới hạn tuổi đó phải bị pháp luật nghiêm cấm và trừng phạt.

Điều 11.

1. Các quốc gia thành viên Công ước này thừa nhận quyền của mọi người được có một mức sống thích đáng cho bản thân và gia đình mình, bao gồm các khía cạnh về ăn, mặc, nhà ở, và được không ngừng cải thiện điều kiện sống. Các quốc gia thành viên phải thi hành những biện pháp thích hợp để bảo đảm việc thực hiện quyền này, và vì mục đích đó, thừa nhận tầm quan trọng thiết yếu của hợp tác quốc tế dựa trên sự tự do chấp thuận.

2. Trên cơ sở thừa nhận quyền cơ bản của mọi người là không bị đói, các quốc gia thành viên Công ước sẽ thực hiện, tự mình và thông qua hợp tác quốc tế, các biện pháp, kể cả các chương trình cụ thể cần thiết, nhằm:

a) Cải thiện các phương pháp sản xuất, bảo quản và phân phối lương thực, thực phẩm bằng cách vận dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật; bằng cách phổ biến kiến thức về các nguyên tắc dinh dưỡng, bằng cách phát triển và cải tổ lại hệ thống đất trồng trọt sao cho có thể phát triển và sử dụng các tài nguyên thiên nhiên này một cách hiệu quả nhất.

b) Bảo đảm phân phối công bằng các nguồn lương thực, thực phẩm của thế giới dựa theo nhu cầu, có tính đến các vấn đề của những nước xuất khẩu và những nước nhập khẩu lương thực, thực phẩm.

Điều 12 .

1. Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận quyền của mọi người được hưởng một tiêu chuẩn sức khoẻ về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể được.

2. Các biện pháp mà một quốc gia thành viên Công ước cần thi hành để thực hiện đầy đủ quyền này bao gồm những biện pháp cần thiết nhằm:

a) Giảm bớt tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và trẻ em, và nhằm đạt được sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

b) Cải thiện mọi mặt về vệ sinh môi trường và vệ sinh công nghiệp.

c) Ngăn ngừa, xử lý và hạn chế các dịch bệnh, bệnh ngoài da, bệnh nghề nghiệp và các loại bệnh khác.

d) Tạo các điều kiện để bảo đảm mọi dịch vụ và sự chăm sóc y tế khi đau yếu.

Điều 13.

1. Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận quyền của mọi người được học tập. Các quốc gia nhất trí rằng giáo dục phải hướng vào việc phát triển đầy đủ nhân cách và ý thức về nhân phẩm, và phải nhằm tăng cường sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người. Các quốc gia cũng nhất trí rằng giáo dục cần phải giúp mọi người tham gia hiệu quả vào xã hội tự do, thúc đẩy sự hiểu biết, khoan dung và tình hữu nghị giữa các dân tộc và các nhóm về chủng tộc, sắc tộc hoặc tôn giáo, cũng như nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động duy trì hoà bình của Liên Hợp Quốc.

2. Nhằm thực hiện đầy đủ quyền này, các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận rằng:

a) Giáo dục tiểu học là phổ cập và miễn phí với mọi người.

b) Bằng mọi biện pháp thích hợp, cụ thể là từng bước áp dụng giáo dục miễn phí, phải làm cho giáo dục trung học dưới nhiều hình thức khác nhau, kể cả giáo dục trung học kỹ thuật và dạy nghề, trở nên sẵn có và đến được với mọi người.

c) Bằng mọi biện pháp thích hợp, cụ thể là từng bước áp dụng giáo dục miễn phí, phải làm cho giáo dục đại học trở thành nơi mọi người có thể tiếp cận một cách bình đẳng trên cơ sở năng lực của mỗi người.

d) Giáo dục cơ bản phải được khuyến khích hoặc tăng cường tới mức cao nhất có thể được cho những người chưa tiếp cận hoặc chưa hoàn thành toàn bộ chương trình giáo dục tiểu học.

e) Việc phát triển một hệ thống trường học ở tất cả các cấp phải được thực hiện tích cực, một chế độ học bổng thích đáng phải được thiết lập và những điều kiện vật chất cho đội ngũ giáo viên phải được cải thiện không ngừng.

3. Các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng quyền tự do của các bậc cha mẹ và của những người giám hộ hợp pháp (nếu có) trong việc lựa chọn trường cho con cái họ, ngoài những trường do chính quyền lập ra, mà đáp ứng được các tiêu chuẩn giáo dục tối thiểu do nhà nước quy định hoặc thông qua, cũng như trong việc bảo đảm giáo dục về tôn giáo và đạo đức cho con cái họ theo ý nguyện riêng của họ.

4. Không một quy định nào trong điều này được giải thích nhằm làm phương hại đến quyền của các cá nhân và tổ chức được tự do thành lập và điều hành các cơ sở giáo dục, với điều kiện các cơ sở giáo dục đó luôn tuân thủ các nguyên tắc được nêu trong khoản 1 của điều này và đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn tối thiểu mà nhà nước quy định.

Điều 14.

Mỗi quốc gia thành viên Công ước mà vào lúc trở thành thành viên chưa thể bảo đảm thực hiện được việc giáo dục tiểu học phổ cập và miễn phí trong phạm vi lãnh thổ nước mình hoặc các vùng lãnh thổ khác thuộc quyền tài phán của nước mình, cam kết, trong vòng hai năm sẽ lập ra và thông qua một kế hoạch hành động chi tiết, nhằm thực hiện từng bước nguyên tắc giáo dục tiểu học phổ cập và miễn phí cho mọi người trong một khoảng thời gian hợp lý đã được ấn định trong kế hoạch đó.

Điều 15.

1. Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận mọi người đều có quyền:

a) Được tham gia vào đời sống văn hoá.

b) Được hưởng các lợi ích của tiến bộ khoa học và các ứng dụng của nó.

c) Được bảo hộ các quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ bất kỳ sáng tạo khoa học, văn học nghệ thuật nào của mình.

2. Các biện pháp mà các quốc gia thành viên Công ước sẽ tiến hành nhằm thực hiện đầy đủ quyền này phải bao gồm các biện pháp cần thiết để bảo tồn, phát triển và phổ biến khoa học và văn hoá.

3. Các thành viên Công ước cam kết tôn trọng quyền tự do không thể thiếu được đối với nghiên cứu khoa học và các hoạt động sáng tạo.

4. Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận lợi ích của việc khuyến khích và phát triển các mối quan hệ và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khoa học và văn hoá.

PHẦN IV

Điều 16 .

1. Các quốc gia thành viên, phù hợp với phần này của Công ước, cam kết đệ trình báo cáo về những biện pháp mà mình đã thông qua và những tiến bộ đã đạt được trong việc tuân thủ các quyền được công nhận trong Công ước.

2. a) Tất cả các báo cáo sẽ được đệ trình lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc; Tổng thư ký sẽ gửi các bản sao cho Hội đồng Kinh tế và Xã hội để xem xét theo quy định của Công ước.

b) Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng sẽ gửi cho các cơ quan chuyên môn các bản sao báo cáo, hoặc bất kỳ phần trích nào thích hợp trong báo cáo của các quốc gia thành viên Công ước mà đồng thời cũng là thành viên của các cơ quan chuyên môn này, trong chừng mực những báo cáo đó hoặc các phần của chúng có liên quan đến những vấn đề thuộc trách nhiệm của những cơ quan nói trên, phù hợp với văn kiện thành lập của các cơ quan đó.

Điều 17.

1. Các quốc gia thành viên Công ước phải cung cấp báo cáo thường kỳ của mình phù hợp với chương trình mà Hội đồng Kinh tế và Xã hội sẽ lập ra trong vòng một năm kể từ ngày Công ước có hiệu lực, sau khi tham khảo ý kiến của các quốc gia thành viên và các tổ chức chuyên môn có liên quan.

2. Các báo cáo có thể nêu ra những nhân tố và khó khăn làm ảnh hưởng tới mức độ hoàn thành những nghĩa vụ mà Công ước đã quy định.

3. trường hợp một quốc gia thành viên Công ước trước đó đã cung cấp những thông tin tương tự cho Liên Hợp Quốc hoặc cho bất kỳ một cơ quan chuyên môn nào, quốc gia đó không cần gửi lại những thông tin đó mà chỉ cần viện dẫn chính xác tới thông tin đã cung cấp là đủ.

Điều 18.

Căn cứ vào trách nhiệm trong việc thúc đẩy quyền con người và các tự do cơ bản được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hội đồng Kinh tế và Xã hội có thể thoả thuận với các tổ chức chuyên môn về việc các tổ chức này báo cáo với Hội đồng về những tiến bộ trong việc tuân thủ những quy định của Công ước thuộc phạm vi hoạt động của các tổ chức chuyên môn đó. Các báo cáo này có thể bao gồm chi tiết của các quyết định và các khuyến nghị có liên quan đến việc thực hiện Công ước do cơ quan có thẩm quyền của những tổ chức này thông qua.

Điều 19.

Hội đồng Kinh tế và Xã hội có thể chuyển cho Uỷ ban quyền con người các báo cáo liên quan đến các quyền con người do các quốc gia gửi lên theo các điều 16, 17 và những báo cáo do các cơ quan chuyên môn gửi lên theo điều 18 để Uỷ ban quyền con người nghiên cứu và ra khuyến nghị chung, hoặc để biết, nếu cần thiết.

Điều 20.

Các quốc gia thành viên Công ước và các cơ quan chuyên môn liên quan có thể gửi lên Hội đồng Kinh tế và Xã hội những nhận xét của mình về bất kỳ khuyến nghị chung nào nêu trong điều 19, hoặc về việc tham khảo các khuyến nghị chung đó trong bất kỳ báo cáo nào của Uỷ ban quyền con người, hoặc bất kỳ tài liệu nào mà báo cáo đó đề cập đến.

Điều 21.

Hội đồng Kinh tế và Xã hội, có thể gửi lên Đại hội đồng các báo cáo kèm theo khuyến nghị có tính chất chung và một bản tóm tắt những thông tin nhận được từ các quốc gia thành viên Công ước này và các tổ chức chuyên môn về những biện pháp đã được tiến hành và những tiến bộ đạt được trong việc tuân thủ chung các quyền được công nhận trong Công ước này.

Điều 22.

Hội đồng Kinh tế và Xã hội có thể lưu ý các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc, các cơ quan bổ trợ và các tổ chức chuyên môn liên quan đến việc trợ giúp kỹ thuật về bất kỳ vấn đề gì nảy sinh từ các báo cáo nêu trong phần này của Công ước mà có thể giúp các cơ quan này quyết định, trong phạm vi thẩm quyền của mình, những biện pháp quốc tế thích hợp nhằm góp phần thực hiện ngày càng có hiệu quả Công ước này.

Điều 23.

Các quốc gia thành viên Công ước nhất trí rằng, những biện pháp có tính chất quốc tế nhằm thực hiện các quyền đã được Công ước ghi nhận bao gồm những biện pháp như ký kết các điều ước, thông qua các khuyến nghị, trợ giúp về kỹ thuật, tổ chức các hội nghị khu vực và hội nghị chuyên đề nhằm mục đích trao đổi ý kiến và nghiên cứu cùng với các chính phủ hữu quan.

Điều 24.

Không một quy định nào của Công ước này được giải thích làm phương hại đến những quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc và điều lệ của các tổ chức chuyên môn mà ấn định trách nhiệm của các cơ quan và các tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc liên quan đến các vấn đề được đề cập trong Công ước này.

Điều 25.

Không một quy định nào của Công ước này được giải thích làm phương hại đến quyền đương nhiên của mọi dân tộc được hưởng và sử dụng một cách đầy đủ và tự do mọi nguồn của cải và tài nguyên thiên nhiên của họ.

PHẦN V

Điều 26.

1. Công ước này để ngỏ cho bất kỳ quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, hoặc thành viên của bất kỳ tổ chức chuyên môn nào của Liên Hợp Quốc, hoặc các nước tham gia Quy chế Toà án Công lý quốc tế, cũng như bất kỳ quốc gia nào khác mà được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc mời tham gia Công ước này, ký kết.

2. Công ước này đòi hỏi phải phê chuẩn. Các văn kiện phê chuẩn sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc .

3. Công ước này để ngỏ cho tất cả các nước nêu ở khoản 1 điều này gia nhập.

4. Việc gia nhập sẽ có hiệu lực khi văn kiện gia nhập được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lưu chiểu.

5. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ thông báo cho tất cả các quốc gia đã ký hoặc gia nhập Công ước này về việc nộp lưu chiểu của từng văn kiện phê chuẩn hay gia nhập.

Điều 27.

1. Công ước này sẽ có hiệu lực 3 tháng sau ngày văn kiện phê chuẩn hoặc văn kiện gia nhập thứ 35 được nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

2. Đối với quốc gia nào phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước này sau khi văn kiện phê chuẩn hoặc văn kiện gia nhập thứ 35 đã được nộp lưu chiểu, thì Công ước này sẽ có hiệu lực sau 3 tháng kể từ ngày nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn hoặc văn kiện gia nhập của quốc gia đó.

Điều 28.

Những quy định của Công ước này được áp dụng đối với mọi bộ phận cấu thành của các quốc gia liên bang mà không có bất kỳ hạn chế hoặc ngoại lệ nào.

Điều 29.

1. Các quốc gia thành viên Công ước có thể đề xuất sửa đổi và phải gửi đề xuất sửa đổi đó đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ chuyển mọi đề xuất sửa đổi cho các quốc gia thành viên Công ước, cùng với một yêu cầu các quốc gia cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc biết liệu họ có muốn triệu tập một hội nghị các quốc gia thành viên để xem xét và thông qua những đề xuất đó hay không. Nếu như có tối thiểu 1/3 số quốc gia thành viên tuyên bố tán thành triệu tập hội nghị nói trên thì Tổng thư ký sẽ triệu tập hội nghị dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Mọi sửa đổi được thông qua với đa số các quốc gia có mặt và bỏ phiếu tại hội nghị sẽ được trình lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để chuẩn y.

2. Những sửa đổi sẽ có hiệu lực khi được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chuẩn y và được 2/3 số quốc gia thành viên Công ước chấp nhận theo thủ tục pháp luật của mình.

3. Khi có hiệu lực, những sửa đổi sẽ chỉ ràng buộc các quốc gia chấp nhận những sửa đổi đó. Các quốc gia thành viên khác chỉ bị ràng buộc bởi những quy định của Công ước này và bất kỳ sửa đổi nào mà trước đó họ đã chấp nhận.

Điều 30.

Mặc dù đã có những thông báo nêu trong khoản 5 điều 26, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc vẫn thông báo cho tất cả các nước nêu ở khoản 1 điều 26 những thông tin sau:

a. Việc ký, phê chuẩn và gia nhập Công ước theo điều 26;

b. Ngày Công ước có hiệu lực theo điều 27 và ngày các điều bổ sung có hiệu lực theo điều 29.

Điều 31.

1.Công ước này được làm bằng tiếng A-rập, tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha, các văn bản đều có giá trị như nhau và sẽ được tại Kho Lưu trữ của Liên Hợp Quốc.

2. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ chuyển các bản sao có chứng thực của Công ước này tới tất cả các nước nêu trong điều 26.

cong uoc quoc te ve cac quyen kinh te xa hoi va van hoa icescr 1966 Kinh tế hậu COVID-19 và cơ hội bứt phá từ Hiệp định EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được phê chuẩn và đi vào thực thi sẽ mở ra cơ hội cho xuất ...

cong uoc quoc te ve cac quyen kinh te xa hoi va van hoa icescr 1966 EVFTA tạo cơ hội giảm nghèo và phục hồi kinh tế Việt Nam

Mới đây, bên lề cuộc họp phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra ...

cong uoc quoc te ve cac quyen kinh te xa hoi va van hoa icescr 1966 Báo Đức: Kinh tế Việt Nam vẫn gặt hái được những thành công trong đại dịch

Mới đây, Trang tin Làn sóng Đức (DW) đã đăng tải bài viết ca ngợi Việt Nam gặt hái được những thành công nhất định khi nỗ ...

BBT
Nguồn:

Tin bài liên quan

Các tin bài khác

KOICA bàn giao dự án hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của trẻ em và thanh thiếu niên tại Thừa Thiên Huế

KOICA bàn giao dự án hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của trẻ em và thanh thiếu niên tại Thừa Thiên Huế

Mới đây, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Thừa Thiên Huế và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam tổ chức lễ bàn giao dự án “Cải thiện môi trường giáo dục để hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của trẻ em và thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
WVI hỗ trợ xã miền núi Quảng Trị nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và bảo vệ trẻ em

WVI hỗ trợ xã miền núi Quảng Trị nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và bảo vệ trẻ em

UBND tỉnh Quảng Trị vừa qua đã có Quyết định số 2566/QĐ-UBND về việc phê duyệt văn kiện Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và bảo vệ trẻ em bằng phương pháp Montessori tại Chương trình vùng Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị do tổ chức World Vision International (WVI) tài trợ.
Cơ hội được khám, điều trị miễn phí trẻ em bị các dị tật bẩm sinh vùng mặt, tay - chân tại Quảng Ngãi

Cơ hội được khám, điều trị miễn phí trẻ em bị các dị tật bẩm sinh vùng mặt, tay - chân tại Quảng Ngãi

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa qua có Quyết định số 1204/QĐ-UBND phê duyệt văn kiện Chương trình khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo cho trẻ em và hợp tác trao đổi chuyên môn tại tỉnh Quảng Ngãi năm 2024 do Tổ chức ReSurge International viện trợ không hoàn lại 435 triệu đồng, tương đương 17.755 USD.
WVI dành hơn 48,2 tỷ đồng đảm bảo an sinh bền vững cho trẻ em tại Thường Xuân (Thanh Hóa)

WVI dành hơn 48,2 tỷ đồng đảm bảo an sinh bền vững cho trẻ em tại Thường Xuân (Thanh Hóa)

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định số 3724/QĐ-UBND ngày 16/9/2024 về việc điều chỉnh khoản viện trợ hơn 48,2 tỷ đồng thực hiện “Chương trình vùng huyện Thường Xuân” do Tổ chức World Vision International tại Việt Nam (WVI) tài trợ nhằm đảm bảo an sinh trẻ em bền vững tại các xã mục tiêu, đặc biệt là trẻ em dễ bị tổn thương tại 6 xã, thị trấn của huyện này.

Đọc nhiều

Mở rộng cơ hội hợp tác, kinh doanh cho doanh nghiệp Việt tại Hoa Kỳ

Mở rộng cơ hội hợp tác, kinh doanh cho doanh nghiệp Việt tại Hoa Kỳ

Ngày 21/11, tại TP Cần Thơ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ phối hợp Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ”.
Người có công được hỗ trợ 30-60 triệu đồng cải tạo, sửa chữa và xây mới nhà ở

Người có công được hỗ trợ 30-60 triệu đồng cải tạo, sửa chữa và xây mới nhà ở

Người có công được hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây mới nhà ở và được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Giao lưu nhân dân: Nền tảng vững chắc cho tình hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ

Giao lưu nhân dân: Nền tảng vững chắc cho tình hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ

Ngày 21/11, tại Hà Nội, Hội hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mông Cổ (17/11/1954 - 17/11/2024).
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc: Doanh nghiệp sẽ phát triển nếu các điểm nghẽn thể chế được tháo gỡ

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc: Doanh nghiệp sẽ phát triển nếu các điểm nghẽn thể chế được tháo gỡ

Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV hiện đang xem xét những dự luật quan trọng về kinh tế, tác động trực tiếp đến cộng đồng doanh nghiệp. Chính vì vậy, dư luận hiện đang rất hy vọng vào sự thay đổi này, để từ đó có thể tháo gỡ được những điểm nghẽn về thể chế như Tổng Bí thư Tô Lâm nêu lên. Thời Đại đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn về nội dung trên.
Bộ đội biên phòng Việt - Lào tuần tra song phương bảo vệ biên giới

Bộ đội biên phòng Việt - Lào tuần tra song phương bảo vệ biên giới

Từ ngày 21-22/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan (Lào) tiến hành tuần tra song phương đoạn biên giới Việt Nam - Lào, từ mốc quốc giới 634 đến mốc quốc giới 637.
Tàu 467 Vùng 4 Hải quân cứu nạn thành công tàu cá Bình Định

Tàu 467 Vùng 4 Hải quân cứu nạn thành công tàu cá Bình Định

Ngày 21/11, Tàu 467 Vùng 4 Hải quân đã cứu nạn thành công tàu cá Bình Định bị hỏng máy tại khu vực đảo Phú Quý.
Việt Nam kiên quyết thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi chủ quyền

Việt Nam kiên quyết thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi chủ quyền

Việt Nam tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển trong việc ban hành nội luật và các quy định liên quan đến biển phù hợp với UNCLOS 1982; đồng thời, Việt Nam cũng đề nghị các quốc gia khác tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và các quyền của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.
infographic bao ton di san xay dung tuong lai ben vung
cuu sinh vien campuchia tai viet nam tiep tuc noi nhung nhip cau vun dap tinh huu nghi hai nuoc
infographic 10 thang viet nam don hon 141 trieu luot khach du lich quoc te
infographics nhung dong gop quan trong cua viet nam trong acmecs
infographics brics va nam ban cau cung xay dung mot the gioi tot dep hon
infographics ngay phu nu viet nam 2010 phu nu viet nam chu dong sang tao tu tin toa sang trong thoi dai moi
video tay ninh bao ton phat huy nghe thuat trinh dien dan gian dan toc khmer gan voi phat trien du lich
Xin chờ trong giây lát...
Liên hoan Giai điệu hữu nghị tỉnh Đồng Nai năm 2024
Cận cảnh Kia Seltos 2024 tại đại lý
Khởi động Giải báo chí toàn quốc về văn hóa, thể thao và du lịch lần 2
Lộ diện kỳ thủ Việt Nam tranh chức vô địch Cờ Shogi Quốc tế 2024 tại Nhật Bản
UNICEF hỗ trợ người dân Sóc Trăng có nước sạch bằng năng lượng mặt trời
Ông Vi Tiêu Nghị, con trai Tướng Vi Quốc Thanh - trưởng Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc: Để những kỷ niệm xưa tạo sinh trong hiện tại và tương lai
Vietnam Cultural Show London 2024
Lão nông nhiều năm sưu tập những bức ảnh quý giá về Bác Hồ
Bác Hồ và bộ phim Những ngày tháng bên nhau
Hồ Chí Minh là biểu tượng của hòa bình, độc lập và tiến bộ xã hội
Bộ đội hải quân giúp dân chống hạn
Du học sinh Trung Quốc trải nghiệm đặc sản Hà Nội - 'cà phê trứng'
Du học sinh Trung Quốc trải nghiệm đặc sản Hà Nội - cà phê trứng
Top 3 điểm đến thu hút du khách quốc tế tại Hà Nội
Sản phẩm Làng nghề Dệt Thổ cẩm Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Thời tiết hôm nay (23/11): Hà Nội trời rét, ngày nắng hanh

Thời tiết hôm nay (23/11): Hà Nội trời rét, ngày nắng hanh

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, ngày 23/11 khu vực Bắc Bộ tiếp tục hạ nhiệt, vùng núi có nơi xuống dưới 15 độ. Trời rét về đêm và sáng sớm, ban ngày nắng hanh.
Người có công được hỗ trợ 30-60 triệu đồng cải tạo, sửa chữa và xây mới nhà ở

Người có công được hỗ trợ 30-60 triệu đồng cải tạo, sửa chữa và xây mới nhà ở

Người có công được hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây mới nhà ở và được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Thời tiết hôm nay (20/11): Không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng, miền Bắc rét sâu

Thời tiết hôm nay (20/11): Không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng, miền Bắc rét sâu

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, thời tiết hôm nay (20/11), không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng, miền Bắc rét sâu, vùng núi có nơi dưới 17 độ. Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ mưa to. Nam Bộ nắng nóng, có nơi trên 34 độ.
Thời tiết hôm nay (19/11): Hà Nội có mưa, trời chuyển rét

Thời tiết hôm nay (19/11): Hà Nội có mưa, trời chuyển rét

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo ngày 19/11, Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vài nơi. Đêm và sáng sớm trời lạnh.
Thời tiết hôm nay (18/11): Bắc Bộ chuyển lạnh, Trung Bộ mưa rào

Thời tiết hôm nay (18/11): Bắc Bộ chuyển lạnh, Trung Bộ mưa rào

Ngày 18/11, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng tới Bắc Bộ, Trung Bộ có mưa, mưa rào và dông vài nơi.
2 cơn bão xuất hiện trên biển Đông, không khí lạnh sắp tràn về miền Bắc

2 cơn bão xuất hiện trên biển Đông, không khí lạnh sắp tràn về miền Bắc

Biển Đông liên tiếp đón 2 cơn bão số 7 (bão Yinxing) và số 8 (bão Toraji). Đáng chú ý, đã có những thời điểm 2 cơn bão này hoạt động cùng lúc trên Biển Đông, gây ra hiện tượng bão đôi.
Xuân Giáp Thìn - 2024

Xuân Giáp Thìn - 2024

Việt Nam  - Nhật Bản

Việt Nam - Nhật Bản

Việt Nam - Thái Lan

Việt Nam - Thái Lan

báo tết 2023

báo tết 2023

Việt Lào online

Việt Lào online

50 năm quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

50 năm quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

Tình hữu nghị vĩ đại

Tình hữu nghị vĩ đại

Tân mão 2011

Tân mão 2011

Sức sống mới cho ĐNND

Sức sống mới cho ĐNND

xuân 2013

xuân 2013

Phiên bản di động