Công nhận Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần là bảo vật Quốc gia
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng (bìa phải) trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần cho lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương. (Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân) |
Ngày 18/1/2024, Thủ tướng Chính phủ công nhận Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần hiện đang lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương là bảo vật Quốc gia. Cổ vật này được phát hiện tại xã Hiệp An, huyện Kim Môn (nay là thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) trong quá trình người dân đào huyệt tại nghĩa trang xã Hiệp An, tỉnh Hải Dương, ngày 6/12/1981.
Do không biết và không có chuyên môn về khai quật khảo cổ học nên trong quá trình đào, chum đã bị vỡ mất 3 quai. Tuy vậy, đây vẫn là chiếc chum còn khá nguyên vẹn, nguyên bản về cấu trúc, hình dáng và hoa văn trang trí. Chum có chiều cao 45cm, đường kính miệng 30cm, nặng 20kg, có gờ miệng hơi loe, cổ thấp, vai phình, thân cong, thuôn dần xuống đáy. Đây là kiểu dáng khác lạ và hiếm, chứng minh tính độc đáo của hiện vật.
Công nhận Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần là bảo vật Quốc gia. |
Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần có kích thước tương đối lớn, được đắp nổi, tạo khắc hoa văn, tráng men, tô men và nung đốt… là những đặc trưng kỹ thuật hiếm có. Kỹ thuật sản xuất chạm khắc, đắp nặn, dán và phối hợp màu men trang trí đã thể hiện trình độ kỹ - mỹ - thuật cao của nghệ nhân gốm đương thời; đồng thời tạo nên đặc trưng riêng của gốm hoa nâu. Đây là biểu tượng cho sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ thời Trần, phản ánh một phần giá trị tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ thẩm mỹ của thời đại.
Hoa văn và trang trí trên Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần. |
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương Nguyễn Thành Trung, Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần là hiện vật gốc, độc bản, có hình thức độc đáo và là một tác phẩm nghệ thuật đắc sắc, quý hiếm; là vật chứng tiêu biểu góp phần tạo nên truyền thống riêng biệt của nghề gốm truyền thống Việt Nam ở thế kỷ XIII.
Sự kiện trưng bày chuyên đề “Tinh hoa cổ vật Xứ Đông - Hải Dương lần thứ I” sẽ trưng bày 2 trong tổng số 11 bảo vật quốc gia của tỉnh Hải Dương hiện đang lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng tỉnh là Trống đồng Hữu Chung và Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần.
Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân) |
Tại đây cũng giới thiệu tới công chúng trên 800 cổ vật của gần 60 nhà sưu tập trong và ngoài tỉnh. Trong đó, nhiều bộ sưu tập cổ vật có giá trị đặc biệt như: bộ sưu tập áo thêu triều Nguyễn và kim bài, kim bội của nhà Sưu tập Phạm Văn Nhân, Nguyễn Thị Tuyết; Bộ sưu tập sơn thếp của Nhà sưu tập Vũ Văn Hòa; Bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh và Nguyễn của các nhà sưu tập Ngô Văn Trường, Đinh Quang Trung, Phạm văn Dân, Phạm Văn Hải Nam…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng cho biết, Hải Dương là vùng đất có bề dày lịch sử, với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, đặc sắc. Để phát huy các giá trị các cổ vật được lưu giữ trên địa bàn tỉnh, ông đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối; triển khai ngay dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống kho tàng, các kho bảo quản hiện vật nói chung và kho bảo quản đối với hai Bảo vật quốc gia theo dự án sửa chữa Bảo tàng tỉnh đã được tỉnh thông qua.
Đồng thời, nghiên cứu, triển khai việc bảo quản đặc biệt định kỳ, báo cáo định kỳ về tình trạng kỹ thuật đối với các bảo vật quốc gia tại Bảo tàng; quảng bá giá trị của hai bảo vật Quốc gia gắn với tuyên truyền bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đến công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ông Nguyễn Minh Hùng cũng đề nghị các nhà sưu tầm cổ vật tiếp tục dành nhiều tâm huyết, có những hoạt động thiết thực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đại biểu, nhà sưu tập xem các cổ vật được trưng bày. (Ảnh: TTXVN) |
Dịp này, Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hải Dương tặng giấy khen cho các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa. Ban Tổ chức trao giấy chứng nhận cho các cá nhân có cổ vật tham gia trưng bày.
Hội Cổ vật Xứ Đông cũng ra mắt và trao tặng cuốn sách “Tinh hoa Cổ vật Xứ Đông” cho các đơn vị trong tỉnh và một số hội cổ vật các tỉnh bạn. Cuốn sách gồm hơn 400 trang ảnh giới thiệu 455 bộ sưu tập gồm hàng nghìn hiện vật, là tài liệu quý trong công tác nghiên cứu, giao lưu, quảng bá các cổ vật.
Trưng bày mở cửa tự do phục vụ nhân dân tham quan đến ngày 3/11.
Ra mắt sách song ngữ "9 Bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam" "9 Bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam" là cuốn sách dày 115 trang và được in song ngữ Việt - Anh. Cuốn sách giúp độc giả và người yêu mỹ thuật hiểu hơn về những Bảo vật quốc gia hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. |
Trao Bằng công nhận ba bảo vật quốc gia tại Festival "Về miền Quan họ - 2023" Tối 25/2, tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh long trọng tổ chức Festival “Về miền Quan họ - 2023”. |