
Công bố kết quả nghiên cứu quốc gia về bình đẳng giới
Nghiên cứu dựa trên khảo sát 9.094 người tại 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước trong năm 2024; từ đó, cung cấp luận cứ khoa học đánh giá việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bình đẳng giới, đồng thời đưa ra khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tiến sĩ Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, bình đẳng giới theo hướng thúc đẩy tiến bộ của phụ nữ luôn là một trọng tâm ưu tiên trong chính sách phát triển đất nước nhằm phát huy mọi tiềm năng của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng từ cấp vi mô đến vĩ mô nhằm tăng cường bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi phụ nữ và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Tiến sĩ Phan Chí Hiếu cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ thu hẹp khoảng cách giới nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2023, Việt Nam xếp thứ 72, tăng 11 hạng so với năm 2022. Đến năm 2024, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí này với điểm bình đẳng giới đạt 71,5%, cao hơn mức trung bình toàn cầu và khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Tiến sĩ Phan Chí Hiếu cho rằng, mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong thúc đẩy bình đẳng giới nhưng vẫn còn thách thức lớn cần được quan tâm. Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ tham gia hệ thống chính trị chưa đạt mục tiêu đề ra, chất lượng tham gia còn hạn chế. Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ yếu thế, vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực kinh tế, sở hữu tài sản, quyền thừa kế, cũng như các dịch vụ tài chính và công nghệ. Trong lao động, bất bình đẳng về vị thế việc làm, tiền lương và thu nhập vẫn tồn tại, đặc biệt là trong khu vực phi chính thức. Ở lĩnh vực giáo dục, vẫn còn khoảng cách trong tiếp cận giáo dục và cơ hội học tập suốt đời giữa nam và nữ, đặc biệt ở các khu vực khó khăn. Trong lĩnh vực y tế, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn gặp hạn chế trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Trong gia đình, định kiến giới vẫn ảnh hưởng đến quyền quyết định và phân công lao động, khiến phụ nữ chịu áp lực kép giữa công việc và gia đình. Trong khoa học và công nghệ, vai trò của phụ nữ chưa được quan tâm đầy đủ, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chia sẻ những phát hiện quan trọng từ nghiên cứu đề tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu đánh giá, bình đẳng giới không chỉ là vấn đề công bằng mà còn là động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Kết quả nghiên cứu lần này giúp nhận diện rõ hơn những rào cản và cơ hội cho phụ nữ, qua đó đưa ra các giải pháp chính sách phù hợp. Phó Giáo sư Trần Thị Minh Thi cũng chỉ rõ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với bình đẳng giới tại Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin có thể tạo ra nhiều cơ hội mới cho phụ nữ trong việc tiếp cận tri thức, việc làm và kinh doanh. Tuy nhiên, điều này cũng có thể làm gia tăng bất bình đẳng giới nếu phụ nữ không được trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức để thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Minh Thi, Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ phụ nữ tiếp cận công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng số. Điều này không chỉ giúp thu hẹp khoảng cách giới mà còn tận dụng tối đa tiềm năng của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, việc thay đổi nhận thức xã hội về bình đẳng giới đóng vai trò quan trọng; cần đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội, qua đó góp phần xóa bỏ những định kiến giới truyền thống đang kìm hãm sự phát triển của phụ nữ.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, các đại biểu tham dự hội thảo đưa ra một số khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong thời gian tới. Trước hết, cần nâng cao vai trò của phụ nữ trong hệ thống chính trị thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia và giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý; đồng thời, tăng cường tiếp cận kinh tế cho phụ nữ bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, mở rộng khả năng tiếp cận tài chính và nguồn vốn. Thu hẹp khoảng cách giới trong giáo dục cũng là một ưu tiên, đặc biệt là tạo điều kiện để phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận giáo dục chất lượng cao trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Bên cạnh đó, cần cải thiện chất lượng việc làm và điều kiện lao động thông qua việc tăng cường bảo vệ quyền lợi của lao động nữ, đặc biệt trong khu vực phi chính thức. Hệ thống an sinh xã hội cũng cần được cải thiện để hỗ trợ phụ nữ yếu thế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội.
Theo Baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/xa-hoi/cong-bo-ket-qua-nghien-cuu-quoc-gia-ve-binh-dang-gioi-20250311124657195.htm
Tin bài liên quan

Tạo không gian mạng an toàn cho phụ nữ, trẻ em thông qua giáo dục

Việt Nam đã hiện thực hóa nhiều mục tiêu về bình đẳng giới

Bình Phước: Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới
Các tin bài khác

Cấp vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia phục vụ phòng, chống thiên tai năm 2025

Công an Việt Nam sẻ chia nhu yếu phẩm, giúp đỡ người dân Myanmar

Operation Walk Chicago giúp bệnh nhân nghèo Việt Nam thay khớp miễn phí

IFRC hỗ trợ người dân Phú Thọ khắc phục hậu quả bão số 3
Đọc nhiều

Tăng cường gắn kết và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Nhật Bản phát triển

Phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội XIV

Ấm áp nghĩa tình Việt Nam trong dịp Tết cổ truyền nước bạn

Malaysia và nhiều nước đánh giá cao Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ, ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam
Bờ cõi biển đảo
Miền đất - Con người Cuộc sống vùng biên Nhịp sống biển đảo Lịch sử chủ quyền Giao lưu hữu nghị

Hải quân Việt Nam - Thái Lan: Phối hợp giải quyết tốt các vấn đề trên biển

Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân kiểm tra kết quả huấn luyện tháng đầu tại các đơn vị

Hải quân Việt Nam - Thái Lan hoàn thành tuần tra chung lần thứ 51, giữ vững an ninh vùng biển giáp ranh
Multimedia

[Infographics] Phá lấu, thắng cố vào danh sách món hầm ngon nhất Đông Nam Á

Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại từ 1/4/2025

[Infographic] 9 đại học Việt Nam vào bảng xếp hạng thế giới theo nhóm ngành năm 2025

[Infographics] Lừa đảo làm cộng tác viên chốt đơn hàng online

4 nội dung và 3 mục tiêu chính của Đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030

11 nước có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam
