Có thể đến Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức gần nhất khai báo việc bị mua bán người
Ảnh minh hoa |
Thời gian qua, tội phạm mua bán người ở nước ta tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Tình trạng mua bán người xảy ra ở cả 63 tỉnh, thành phố, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em ở các khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số, thậm chí ở các thành phố lớn bị mua bán ra nước ngoài.Đây là loại tội xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, quyền tự do, quyền con người và được pháp luật chế tài với các quy định rất nghiêm khắc.
Trong số những nạn nhân bị mua bán có không ít nạn nhân và người thân của nạn nhân một phần do mặc cảm, tự ti, một phần không nắm được những quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bị mua bán; về việc khai báo và được hỗ trợ khi không may bị mua bán.
Theo Điều 6 Luật phòng, chống mua bán người, nạn nhân có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ mình, người thân thích khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản;
Nạn nhân được hưởng các chế độ hỗ trợ và được bảo vệ theo quy định của Luật phòng, chống mua bán người; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, nạn nhân có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền và thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến vụ việc mua bán người.
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thông báo ngay với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận nạn nhân thực hiện việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân.
Trong thời hạn 3 ngày, kể từ khi nhận được thông báo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân trong trường hợp họ chưa có một trong các giấy tờ, tài liệu theo quy định.
Sau khi tiếp nhận, căn cứ vào giấy tờ, tài liệu theo quy định hoặc kết quả xác định thông tin ban đầu về nạn nhân, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét để thực hiện việc hỗ trợ chi phí đi lại trong trường hợp nạn nhân tự trở về nơi cư trú.
Đối với nạn nhân là trẻ em thì thông báo cho người thân thích đến nhận hoặc bố trí người đưa về nơi người thân thích cư trú; trường hợp nạn nhân cần được chăm sóc về sức khỏe, tâm lý và có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nạn nhân là trẻ em không nơi nương tựa làm thủ tục chuyển giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
Đối với người chưa có giấy tờ, tài liệu chứng nhận là nạn nhân Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan Công an cùng cấp tiến hành việc xác minh.
Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đã giải cứu nạn nhân có trách nhiệm thực hiện hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân trong trường hợp cần thiết và chuyển ngay người đó đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội gần nơi nạn nhân được giải cứu.
Cơ quan giải cứu có trách nhiệm cấp giấy xác nhận nạn nhân cho người được giải cứu trước khi chuyển giao; trường hợp người được giải cứu chưa được xác nhận là nạn nhân do chưa có đủ cơ sở thì sau khi tiếp nhận.Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan Công an cùng cấp xác minh nạn nhân theo quy định.
Luật phòng, chống mua bán người cũng quy định rõ về việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về. Theo đó, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận và xử lý thông tin, tài liệu về nạn nhân và phối hợp với Bộ Công an trong việc xác minh nhân thân của nạn nhân, cấp giấy tờ cần thiết, làm thủ tục đưa họ về nước.
Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân, có trách nhiệm hướng dẫn họ làm thủ tục nhận chế độ hỗ trợ quy định tại các điều 34, 35, 36, 37 và 38 của Luật phòng, chống mua bán người.
Các nạn nhân bị mua bán sau khi được tiếp nhận, không có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh, thành phố trước khi trở về địa phương được bố trí nơi lưu trú, hỗ trợ cần thiết tại Cơ sở hỗ trợ nạn nhân trên địa bàn tỉnh, thành phố và được hỗ trợ tiền tàu xe để trở về nơi cư trú.
Với các nạn nhân bị mua bán sau khi được tiếp nhận, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh, thành phố, khi trở về được ngành LĐTB&XH phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu, căn cứ nhu cầu, nguyện vọng của nạn nhân, hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị được hỗ trợ khó khăn ban đầu, hỗ trợ học nghề để họ ổn định cuộc sống và hoà nhập cộng đồng.
Nạn nhân được tư vấn pháp luật để phòng ngừa bị mua bán trở lại và được trợ giúp pháp lý để làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, nhận chế độ hỗ trợ, đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến vụ việc mua bán người...