Cổ phiếu Chứng khoán nhạy tin KRX, thị trường hồi phục sau chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp
Định vị thị trường
Vận động của chứng khoán châu Á có sự hậu thuẫn tâm lý cho nhà đầu tư trong nước với nhiều chỉ số hồi phục như KOSPI (+1,45%), STI (+1,47%), NIKKEI 225 (+1%), HSI (+1,73%). Biên độ hồi phục của VN-Index cũng khá tương đồng với khu vực khi tăng 1,31%.
Nhìn chung, thị trường đã có phản ứng bật lên từ đường MA200 nhưng đóng cửa vẫn chưa thể lấy lại mốc 1.200 điểm.
Chất xúc tác
Trong khi đó, hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước áp lực tỷ giá vẫn chưa thể bớt căng thẳng khi chỉ số DXY tiếp tục neo trên 106 điểm. Tỷ giá tự do hiện đã áp sát 25.900 VND/USD còn tỷ giá trung tâm cũng lên gần 24.300 VND/USD.
Trong tuần qua, NHNN đã bơm ròng 64.465,01 tỷ đồng bằng kênh thị trường mở, khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành giảm xuống mức 66.450 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 32.865,1 tỷ đồng.
Hiện mới chỉ có lãi suất liên ngân hàng có dấu hiệu hạ nhiệt với nhiều kỳ hạn về quanh mức 4%. Kỳ hạn qua đêm, theo thống kê của Refinitiv Eikon đã xuống còn 3,95%.
Ngoài ra, NHNN cũng chưa thể triển khai phiên đấu thầu vàng miếng trong sáng nay do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu.
Với nhà đầu tư nước ngoài, hoạt động bán ròng cũng xuất hiện trở lại do xuất hiện thỏa thuận bán FUEVFVND (-353 tỷ đồng). Kết quả, sàn HOSE đã bị rút ròng 239 tỷ đồng, bất chấp nhiều mã như VND (+141 tỷ đồng), SSI (+62 tỷ đồng), VRE (+50 tỷ đồng), VCI (+47 tỷ đồng) được mua vào khá tốt.
Đóng góp của khối ngoại chiếm hơn 13% giao dịch 2 chiều do giao dịch của nhà đầu tư trong nước chưa duy trì được sự sôi động. Theo thống kê, khớp lệnh của HOSE hụt mạnh so với phiên thứ Sáu gần 40% và xuống dưới mức bình quân 20 phiên.
Vận động thị trường
Thông tin về triển khai chuyển đổi KRX vào ngày 2/5 đã đem lại sự tích cực cho các cổ phiếu nhóm Chứng khoán. Ngay từ đầu phiên, đã có lực mua khá tốt vào nhóm này nhưng chỉ từ sau 13h40, lực mua mới có sự quyết đoán hơn giúp cho FTS, VND, ORS tăng trần còn HCM, SSI, VIX, VCI tăng trên 5%. Trên HNX, BVS tăng gần 10% còn MBS tăng 6,6%, APS tăng 7,5%.
Động lực giúp cho các cổ phiếu kể trên có sự tự tin hơn đến từ các mã Ngân hàng như TPB (+5,4%), EIB (+4,2%), BID (+3,6%), STB (+3,2%), CTG (+2,2%), VPB (+1,1%), TCB (+1,7%), OCB (+1,9%). So với phiên thứ Sáu, biến động của Ngân hàng rõ ràng đã mang những màu sắc tích cực hơn.
Ngoài 2 nhóm ngành trên, các cổ phiếu Thép, Vật liệu xây dựng, Nông nghiệp, Bất động sản, Cảng biển, Bán lẻ cũng đi theo xu hướng như NKG (+4,1%), HSG (+3,32%), PTB (+2,84%), DBC (+6,92%), BAF (+3,65%), HDC (+5,34%), DIG (+2,55%), DXG (+2,56%), HAH (+3,94%), DGW (+5,61%)…
Sự cải thiện đã có nhưng thị trường vẫn sẽ cần thêm thời gian để triệt tiêu hết áp lực thoái lui của nhà đầu tư. Những vận động chững lại của cầu mua lên trong khoảng thời gian 13-14h vẫn là bằng chứng cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư do lo ngại thói quen "rơi" sau 14h có thể lặp lại.
Bên cạnh đó, thanh khoản vẫn chưa khôi phục lại sự sôi động và VN-Index cũng chưa thể lấy lại mốc 1.200 điểm. Việc chỉ số bật lên từ đường MA200 chỉ được xem là những tín hiệu ban đầu trong quá trình tạo đáy.
Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng 15,37 điểm lên 1.190 điểm (+1,31%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 15.965 tỷ đồng, tương đương 708,58 triệu đơn vị.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều hồi phục, lần lượt tăng 2,04% và 0,99%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt gần 2.000 tỷ đồng.