Cơ hội mở rộng sản xuất chip tại Việt Nam
Vẫn ở dạng tiềm năng
Hiện Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip tại Việt Nam với tổng số lao động hơn 5.000 kỹ sư Việt Nam và đang có xu hướng tăng. Việc phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử, sẽ giúp Việt Nam dần nâng bậc, và tham gia sâu hơn trong các công đoạn trong chuỗi giá trị sản xuất chip (vi mạch bán dẫn).
Mẫu tấm wafer chip vi mạch đầu tiên của FPT Semiconductor. |
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông (Bộ Thông tin Truyền thông - TTTT) cho biết: “Công nghiệp sản xuất chíp Việt Nam chủ yếu đang được đánh giá ở tiềm năng phát triển. Đặc điểm của ngành công nghiệp sản xuất chip là tất cả các công đoạn như thiết kế, gia công, đóng gói, thiết bị, vật liệu... đều rất chuyên sâu và có sự phân vai rõ ràng. Điều này có nghĩa là mỗi công đoạn trong các khâu sản xuất do một số ít tập đoàn nắm công nghệ hàng đầu thực hiện. Việc gia nhập chuỗi sản xuất này đòi hỏi phải có thị trường, có sự đầu tư rất lớn về công nghệ và cả quan hệ địa chính trị”.
“Công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam chủ yếu đang được đánh giá ở tiềm năng phát triển hơn là có vai trò chủ đạo. Tại Việt Nam, đang có Intel thực hiện một trong các công đoạn trong sản xuất chip là “công đoạn đóng gói”, công đoạn cuối cùng của sản xuất chip. Đồng thời, có Samsung và Amkor cũng đang triển khai đầu tư một số dự án. Việc thúc đẩy một hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất chip sẽ giúp Việt Nam tăng tính thu hút với các tập đoàn sản xuất chip lớn, đưa Việt Nam thành một quốc gia có nhiều hoạt động sản xuất chip trong chuỗi cung ứng. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp có năng lực tham gia công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất chip”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa nhận định.
Nhận định về hoạt động xuất khẩu chip bán dẫn từ Việt Nam trong những tháng đầu năm nay, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thẳng thắn cho rằng, đa số xuất khẩu chip hiện nay là của doanh nghiệp FDI. Trong lĩnh vực sản xuất chip hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, Intel, Foxconn... đang chi phối. Thực tế doanh nghiệp Việt khó tham gia hoặc hàm lượng tham gia rất thấp, đa số chỉ có người lao động tham gia lắp ráp, còn bí kíp công nghệ thì doanh nghiệp FDI nắm. Xuất khẩu chip tăng thì Việt Nam cũng được lợi về thuế nhưng sâu xa hơn cần biến một phần giá trị sản xuất, xuất khẩu thành của mình mới có được giá trị gia tăng cao.
Một chuyên gia công nghệ cho rằng, những thông tin về việc xuất khẩu chip từ Việt Nam cải thiện hình ảnh Việt Nam thu hút FDI lĩnh vực công nghệ cao và là bước đi đầu tiên để Việt Nam tiến tới bước đi xa hơn là có doanh nghiệp sản xuất chip thực sự thay vì chỉ làm công đoạn cuối.
Do đó, Bộ TTTT đang triển khai chương trình hợp tác với các trung tâm nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo trên thế giới để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu như: Thiết kế, phát triển, đưa vi mạch tích hợp vào trong các sản phẩm phần cứng. Việt Nam định hướng sẽ tham gia từng phần vào hệ sinh thái ngành công nghiệp sản xuất chip... Bộ TTTT đã có những chương trình hợp tác bước đầu với Trung tâm vi điện tử liên đại học- IMEC. Đây là trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới trong công nghệ chip bán dẫn với hơn 5.500 nhà nghiên cứu, chuyên gia từ hơn 90 quốc gia làm việc.
Ông Lode Lauwers, Phó Chủ tịch IMEC khẳng định, để phát triển ngành bán dẫn cần tập trung vào phát triển nguồn nhân lực. “Chúng ta có thể có nhiều ý tưởng, sáng kiến nhưng nếu không có nguồn nhân lực có kỹ năng tốt thì không thể triển khai thành công các ý tưởng đó. Vì vậy, có nguồn nhân lực tốt là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu”.
Để hỗ trợ Việt Nam phát triển nhân lực ngành này, IMEC có thể phối hợp triển khai các chương trình trao đổi sinh viên, theo đó sinh viên các trường đại học Việt Nam có thể sang học tập ngắn hạn tại các Trung tâm R&D của IMEC.
Tham gia hệ sinh thái công nghiệp vi mạch
“Hiện Bộ TTTT đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch cho Việt Nam. Ban soạn thảo, bao gồm các bên liên quan chính là các bộ, ngành như Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Công thương, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các chuyên gia, hiệp hội đang tổ chức đánh giá thực trạng tại Việt Nam và thế giới, phân tích tiềm năng, phân tích xu hướng phát triển để có những đề xuất phù hợp cho công nghiệp vi mạch Việt Nam”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết.
Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Việt Nam đã được Hiệp hội bán dẫn Mỹ đánh giá là có tiềm năng về thiết kế và đóng gói. Đây là những khâu Việt Nam cần tập trung. Đối với khâu thiết kế, Việt Nam cần củng cố những gì đang làm và dịch chuyển về phía trước trong chuỗi giá trị. Đối với khâu đóng gói, Việt Nam có chính sách thu hút thêm các doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của những nhà đầu tư chiến lược như Intel để củng cố hệ sinh thái.
Cũng theo ông Thi, các doanh nghiệp về thiết kế vi mạch đang có xu hướng chuyển dịch hoạt động, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Trong ASEAN, Việt Nam có lợi thế tiềm năng lớn về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, để nguồn nhân lực này trở thành lực lượng có thể phục vụ đắc lực cho ngành thiết kế vi mạch, cần nhanh chóng đào tạo và có chính sách thu hút nhân lực. Việt Nam cần phải củng cố năng lực tiếp thu ứng dụng, sáng tạo công nghệ, ông Thi nói.
PGS.TS. Trần Xuân Tú, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết sẵn sàng cho nhiều hình thức hợp tác trong thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn như trao đổi sinh viên và nhà khoa học, phối hợp đào tạo nghiên cứu sinh, thực hiện các dự án nghiên cứu; Đồng triển khai các chương trình đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn trọng lĩnh vực thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn.
Việt Nam định hướng sẽ tham gia từng phần vào hệ sinh thái công nghiệp này. Ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết: “Việt Nam sẽ tham gia từng bước, bước đầu tiên có thể sẽ cung cấp các dịch vụ như dịch vụ đóng gói, kiểm thử, cung cấp các dịch vụ thiết kế cho các tập đoàn lớn. Sau đó, có thể sẽ cân nhắc có hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam, hoặc sẽ đi sâu hơn vào lĩnh vực đóng gói, kiểm thử. Ví dụ làm sâu mảng nghiệp vụ đóng gói như chip 3D là một hướng mới và Việt Nam có cơ hội để tìm hiểu”.
Theo nhận định của các hiệp hội vi mạch quốc tế, nếu làm tốt xu hướng phát triển này, Việt Nam có thể nghĩ đến tự sản xuất chip từ năm 2030 trở đi.
Việt Nam và cơ hội tham gia chuỗi sản xuất chip bán dẫn toàn cầu “Việt Nam là thị trường mới nổi của khu vực Châu Á, Thái Bình Dương trong lĩnh vực bán dẫn” - đây là nhận đinh được đưa ra trong một báo cáo mới đây của công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ hàng đầu thế giới Technavio. Điều này càng được minh chứng bởi sự xuất hiện và mở rộng hoạt động của hàng loạt ông lớn công nghệ tại Việt Nam. Đây là một chủ đề thu hút nhiều báo chí quốc tế đưa tin trong thời gian qua. |
Sản xuất chip, chất bán dẫn giúp nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam Trong bản tin phát đêm 16/11 (giờ Việt Nam), hãng tin Sputnik (Nga) nhận định khi thế giới thiếu hụt nguồn cung chip, ngành sản xuất chip - chất bán dẫn và phát triển công nghiệp vi mạch trở thành cuộc đua khốc liệt giữa các nước lớn, việc Việt Nam bắt đầu bước vào “con đường bán dẫn” và dần khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng chip cho thấy những chiến lược, tính toán hợp lý. |