Cơ hội giao lưu, hội nhập với 350 thành phố trên thế giới
Theo bà Nguyễn Phương Hòa: Là một thành viên của Mạng lưới, Hội An đứng trước rất nhiều cơ hội. Trong đó, không thể bỏ qua những cơ hội giao lưu, trao đổi, hội nhập với 350 thành phố khác đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới, không chỉ trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian mà còn trong cả 6 lĩnh vực sáng tạo còn lại của Mạng lưới. Qua đó, góp phần nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu đưa Hội An trở thành một thành phố sinh thái-văn hóa-du lịch bền vững, truyền cảm hứng cho các thành phố trong nước và quốc tế.
Bà Phạm Thị Thanh Hường, quyền Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết: Danh hiệu mới mang đến cho Hội An những cơ hội lớn và cả những cam kết trách nhiệm quan trọng. Thành phố cần tiếp tục các nỗ lực và hành động để thúc đẩy và phát huy nguồn lực thủ công và nghệ thuật dân gian của mình trở thành khung hành động có tính chiến lược và công cụ để Hội An đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững, tô đậm thương hiệu và danh tiếng quốc tế của Hội An.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, Hội An đã lựa chọn lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian để đăng ký gia nhập với mục tiêu vừa bảo tồn, phát huy thế mạnh vốn có của mình, vừa tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian của các thành phố bạn trên thế giới, để từ đó có thể tạo thêm nhiều giá trị mới nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Ngày 31/10 vừa qua, UNESCO đã xác nhận Hội An là một trong hai đại diện của Việt Nam (cùng TP Đà Lạt) chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo thuộc UNESCO trên lĩnh vực "thủ công và nghệ thuật dân gian" (Ảnh minh họa). |
Việc trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là sự kiện có ý nghĩa quan trọng; góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao vị thế, thương hiệu Hội An, lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của Hội An với bạn bè trong nước và quốc tế.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ra đời vào năm 2004, tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo gồm thiết kế; văn học; âm nhạc; thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; ẩm thực, điện ảnh và nghệ thuật truyền thông.
Khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, các thành phố cam kết chia sẻ, tạo những điều kiện tốt nhất để thực hành, đổi mới sáng tạo và xây dựng ý thức gắn liền với trách nhiệm, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển hợp tác giữa khu vực công-tư và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhằm tăng cường sáng tạo, sản xuất, phân phối và truyền bá về các hoạt động, hàng hóa và dịch vụ văn hóa; phát triển các không gian sáng tạo và đổi mới, mở rộng cơ hội cho những người sáng tạo và chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa; nâng cao việc tiếp cận và tham gia vào đời sống văn hóa, đặc biệt đối với các nhóm và cá nhân yếu thế và dễ bị tổn thương; lồng ghép văn hóa và sáng tạo vào các kế hoạch phát triển bền vững.
Tính đến nay, Việt Nam có 3 thành phố được công nhận danh hiệu Thành phố sáng tạo của UNESCO gồm Hà Nội, Hội An (tỉnh Quảng Nam) và Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). |