Có gì bất thường trong bức ảnh Trung Quốc dùng để tung hô năng lực phi công hải quân?
Trong cuộc diễn tập trên, các phi công Hải quân Trung Quốc đã điều khiển chiếc J-11BH thực hiện khoa mục bay thâm nhập ở độ cao cực thấp, đây là chiến thuật đặc biệt hữu hiệu khi phải chống lại chiến hạm đối phương có trang bị hệ thống phòng không tầm xa.
Thao tác bay thấp bám biển sẽ khiến cho radar cảnh giới không phát hiện được phi cơ đang tiến đến gần. Máy bay sau đó có thể phóng tên lửa chống hạm theo quán tính rồi mới tăng độ cao để tiếp tục dẫn bắn, khi tàu chiến địch nhìn thấy tiêm kích trên màn hình radar thì cũng là lúc đạn đối hạm gần tiếp cận mục tiêu.
Tiêm kích J-11BH của Hải quân Trung Quốc trong bài bay thâm nhập ở độ cao cực thấp
Theo bức ảnh trên, chiếc J-11BH chỉ bay cách mặt nước biển ở độ cao vài mét, điều này cho thấy kỹ năng điều khiển của phi công Trung Quốc thực sự rất đáng ngạc nhiên.
Trong quá khứ, tiêm kích Su-30LL của Nga cũng từng thực hiện màn trình diễn với độ cao tương tự ở cuộc triển lãm hàng không tổ chức tại sân bay Hà Hoa Trương Gia Giới. Tuy nhiên quãng đường mà chiếc Su-30LL bay chỉ khoảng dưới 1 km, trong khi phi công Nga vẫn đang đóng vai trò "thầy giáo" đào tạo ra nhiều phi công cho cả Không quân lẫn Hải quân Trung Quốc.
Hiện chưa rõ chiếc J-11BH đã bay cả quãng đường dài hay chỉ một đoạn ngắn, nhưng nếu tập nghiêm túc thì cự ly bay với độ cao trên phải là hàng chục km. Vì vậy, rất có thể chiếc J-11BH chỉ bay sát biển trong một quãng ngắn, và cũng không loại trừ khả năng bức ảnh đã qua chỉnh sửa với mục đích "đánh bóng thương hiệu".
J-11BH - Tiêm kích chủ lực của Không quân Hải quân Trung Quốc
J-11BH là một biến thể của J-11B, được Tập đoàn Công nghiệp hàng không Shenyang chế tạo dành riêng cho Không quân Hải quân Trung Quốc.
Chiếc tiêm kích này sử dụng động cơ phản lực nội địa WS-10A, khung thân cấu tạo từ vật liệu composite đặc biệt giúp giảm diện tích phản xạ radar, có hệ thống điện tử hàng không, buồng lái kính... thế hệ mới.
Tính năng của J-11BH theo đánh giá là tương đương Su-27SM3 của Nga, thậm chí còn vượt trội nếu trong tương lai được nâng cấp bằng radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA).
Nắm trong tay số lượng lớn máy bay hiện đại, nếu trình độ phi công điều khiển được nâng tầm tương xứng, Không quân Hải quân Trung Quốc rõ ràng sẽ là một đối tượng cực kỳ nguy hiểm, không thể xem thường, kể cả khi phải đối đầu với những lực lượng hùng mạnh hàng đầu thế giới như Hải quân Mỹ hay Nhật Bản.
Siêu chiến hạm mới hạ thủy của Mỹ thừa sức đánh bại Type 001A
Nam Đồng