Cơ chế một cửa quốc gia: Chỉ có 53 thủ tục được kết nối sau 4 năm
Đây là thông tin được ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thông tin tại họp báo “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” do Bộ Tài chính tổ chức chiều 19/7.
Theo ông Nguyễn Công Bình, tính đến tháng 7/2018, 11 bộ ngành đã kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,34 triệu hồ sơ của hơn 22.000 doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
Cụ thể, Bộ Công Thương thực hiện 6 thủ tục; Bộ Khoa học và Công nghệ - 4 thủ tục; Bộ Giao thông vận tải - 12 thủ tục; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - 13 thủ tục; Bộ Tài nguyên và Môi trường - 4 thủ tục; Bộ Thông tin và Truyền thông - 1 thủ tục; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - 1 thủ tục; Bộ Y tế - 5 thủ tục; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - 1 thủ tục; Bộ Quốc phòng - 3 thủ tục liên ngành đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; 3 thủ tục liên ngành (Tài chính, Giao thông Vận tải, Công an, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia
Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc.
Dự kiến, đến cuối năm 2018, sẽ triển khai thêm 143 thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số lên 196 thủ tục, đạt 78% trên tổng cộng 251 thủ tục sẽ được triển khai đến năm 2020 theo rà soát mới nhất của các Bộ, ngành.
Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến hết năm 2019, triển khai các thủ tục hành chính có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% trên tổng số các thủ tục hành chính của các Bộ, ngành có liên quan đến hoạt động xuất khẩu/nhập khẩu, xuất cảnh/nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện.
Đến hết năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các Bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đã có phản ứng rất tích cực đối với sự thay đổi từ phía các cơ quan Chính phủ, đồng thời mong muốn Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, mở rộng phạm vi triển khai Cơ chế một cửa quốc gia; cải cách sâu rộng kiểm tra chuyên ngành. Điều này cho thấy lòng tin cũng như kỳ vọng rất cao của cộng đồng đối với sự cải cách về chính sách từ phía các cơ quan Chính phủ.
Toàn cảnh buổi họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính.
“Các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển của Việt Nam như Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng có những ghi nhận đáng kể đối với những cải cách của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này”, bà Vũ Thị Mai nói.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận kết quả triển khai Cơ chế một cửa quốc gia còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra. Trong khi đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp và cơ quan khảo sát độc lập, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất.
Bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, tình trạng các doanh nghiệp được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy còn diễn ra khá phổ biến. Còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan; mức độ tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, hài hòa hóa quy trình thủ tục còn thấp…
Nguyên nhân là do một số loại hồ sơ, giấy tờ theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc theo thông lệ quốc tế vẫn chưa được chấp nhận sử dụng dưới hình thức điện tử, mặt khác việc tổ chức và giám sát thực hiện ở các cấp thừa hành còn chưa đồng bộ, chưa toàn diện và chưa kịp thời.
Theo Thứ trưởng, để sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế và tìm ra giải pháp triển khai hiệu quả hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.” Hội nghị dự kiến sẽ diễn ra trong vào 24/7.
Hội nghị sẽ tổng kết lại kết quả triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành. Dự kiến, sau hội nghị, Bộ Tài chính sẽ căn cứ vào kết luận của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện trình Chính phủ nghị định và kế hoạch hành động về “thực hiện các thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”.
Chỉ có 53 thủ tục được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia sau 4 năm
Phần lớn các Bộ ngành mới chỉ dừng ở mức trao đổi thông tin chứ chưa làm thủ tục điện tử hoàn toàn được cho các doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cho rằng, vướng mắc lớn nhất nằm ở việc có quá nhiều yêu cầu về chứng từ giấy, chồng chéo giữa các cơ quan. Ngoài ra, nhiều loại giấy tờ chưa được chấp nhận sử dụng dưới hình thức điện tử như vận tải đơn đường biển. Theo kế hoạch, từ nay tới cuối năm, các Bộ sẽ phải kết nối thêm 143 thủ tục nữa vào cơ chế một cửa.
Đưa ra nguyên nhân của tình trạng trên, đại diện Bộ Tài chính cho biết, mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật cho phép việc khai, nộp hồ sơ điện tử và sử dụng giấy phép điện tử trong thực hiện 53 thủ tục hành chính nêu trên, tuy nhiên một mặt, một số loại hồ sơ, giấy tờ theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc theo thông lệ quốc tế vẫn chưa được chấp nhận sử dụng dưới hình thức điện tử (ví dụ: vận tải đơn đường biển, phiếu tiêm chủng, hộ chiếu…), mặt khác việc tổ chức và giám sát thực hiện ở các cấp thừa hành còn chưa đồng bộ, chưa toàn diện và chưa kịp thời.
Bên cạnh đó, tư duy yêu cầu cung cấp chứng từ, thông tin dư thừa vẫn còn tồn tại trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật. Thủ tục hành chính trong quản lý chuyên ngành chưa chuyển sang tự động hóa, mới chỉ dừng lại ở tin học hóa quy trình thủ công, chưa đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ chứng từ phải nộp/xuất trình một cách triệt để…
V.H (t/h)