Chuyện về bóng hồng "mũ nồi xanh” Việt Nam đầu tiên gìn giữ hoà bình tại Cộng hoà Trung Phi
Chị Liên (ngoài cùng bên phải) cùng những phụ nữ bản địa tại Cộng hoà Trung Phi. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Trung tá Nguyễn Thị Liên từng là trưởng bộ môn ở Trường Sĩ quan Đặc công, sau đó chuyển về Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam để tham gia lực lượng phái bộ tại Cộng hòa Trung Phi.
Trung tá Nguyễn Thị Liên cho biết, chị đã ấp ủ ước mơ được tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) từ khi Việt Nam bắt đầu tham gia hoạt động này. Ước mơ đó của chị càng được định hình rõ ràng hơn khi chị tham gia một buổi hội thảo và được nghe Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam - Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng chia sẻ về nhiệm vụ đặc biệt này.
Biết được nhiệm vụ này đang cần tuyển nữ, như một cơ hội để thực hiện ước mơ của mình, chị Liên đã đã tham gia thi tuyển và được lựa chọn. Chị trở thành nữ sĩ quan thứ hai tham gia hoạt động GGHB LHQ với hình thức cá nhân và là nữ sĩ quan đầu tiên thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Cộng hoà Trung Phi.
Gác việc nhà, lo việc nước
Nhận được nhiệm vụ theo đúng như ước mơ của mình, nhưng việc phải tạm gác vai trò người vợ, người mẹ, phải xa gia đình cũng là một điều trăn trở rất lớn với chị Liên. “Chồng và các con tôi sẽ vất vả hơn khi phải lo toan quán xuyến gia đình”, chị tâm sự.
Nhưng chị Liên nói rằng chị rất may mắn khi được chồng và con gái ủng hộ ngay khi chị vừa thông báo tin được tham gia lực lượng GGHB.
Còn với bố mẹ, chị đã phải giấu vì sợ họ lo lắng. Chỉ đến khi theo học khoá tiền triển khai bên Hàn Quốc, chị Liên mới nói. "Khi biết tin, cảm giác của bố và mẹ tôi hoàn toàn trái ngược nhau. Mẹ thì lo lắng ăn ngủ không yên vì lo cho con, sợ con mình vào nơi gian khổ và nguy hiểm. Còn bố tôi đang ốm bệnh giường như khỏe hơn với quyết định của con gái mình. Gặp ai bố tôi cũng kể chuyện rằng tôi sẽ tham gia vào lực lượng GGHB. Điều này càng làm tôi có thêm động lực để hoàn thành xứ mệnh của mình”, chị Liên chia sẻ.
Ảnh: nhân vật cung cấp |
Đến nay, khi đã sang Cộng hoà Trung Phi được hơn 3 tháng, mỗi khi nhớ nhà chị lại làm thơ, những vần thơ rất mộc mạc. “Thơ mình làm không hay lắm nhưng nó là cảm xúc thật của mình nên lần nào đọc lại thơ mình tôi cũng khóc. Những vần thơ ấy là cả nỗi niềm của tôi nhưng vẫn tỏ ra rất cứng rắn để bảo ban con. Nếu nhìn vẻ bên ngoài chắc mọi người sẽ không phát hiện ra vẻ yếu đuối của tôi”, chị Liên nói.
Người phụ nữ Việt vươn tầm thế giới
Vượt qua những giây phút nhớ nhà, nhắc đến nhiệm vụ, trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó, chị Liên bày tỏ sự trân trọng, tự hào và sẵn sàng cống hiến.
Chị luôn nhận thức rõ về nhiệm vụ của mình như người truyền lửa mang tình yêu thương nhân loại, truyền thống bốn ngàn năm lịch sử của Việt Nam đến với các dân tộc còn đói nghèo và đang chìm đắm trong chiến tranh.
Chị nói: “Tôi không chỉ đơn thuần là người phụ nữ trong gia đình nữa mà đã có thể vươn tầm ra thế giới, là đại diện của phụ nữ Việt Nam và những con người yêu chuộng hoà bình, mang yêu thương đến những người nghèo. Tôi coi họ như chính người thân của mình, luôn sẻ chia và giúp họ có niềm tin vào tương lai. Tôi tự hào vì mình đã làm được vai trò của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”.
Sau những ngày thường làm việc trong căn cứ phái bộ GGHB Liên Hợp Quốc ở Trung Phi, chị Liên lại giúp dân trồng trọt vào cuối tuần. Những mảnh vườn mà chị cùng đồng đội đã cuốc đất trồng rau khi vừa đặt chân đến Cộng hòa Trung Phi nay đã xanh mướt với đầy đủ các loại rau muống, mồng tơi, đủ màu sắc của các loại hoa cúc, thược dược...
Chị Liên hỗ trợ người dân cuốc đất, trồng rau. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Chị Liên còn đem gạo tặng cho những người phụ nữ Trung Phi và hướng dẫn nấu cháo cho con. Nữ chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam giúp họ canh tác, cải thiện bữa ăn.
Những tâm huyết của chị Liên đã được đền đáp. Mỗi lần chị gặp người dân, hàng chục người lại hô vang “Xin chào Việt Nam, Việt Nam good”. Họ giơ bàn tay lên rồi cụp dần từng ngón, ý nói đã đếm ngược từng ngày chờ chị đến.
“Điều này làm tôi rất phấn chấn và phấn đấu làm tốt hơn nữa vai trò của một “sứ giả”, của người phụ nữ Việt Nam đầu tiên thực hiện nhiệm vụ GGHB tại Cộng hoà Trung Phi", chị Liên tự hào nói.
Trung tá Nguyễn Thị Liên hiện là sỹ quan tham mưu làm tại phòng đào tạo. Công việc chính của chị là phối kết hợp với các các tổ chức dân sự và cảnh sát để tổ chức và huấn luyện các khoá đào tạo cho những người mới đến phái bộ làm việc. Bên cạnh đó là nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phái bộ trong công tác huấn luyện xây dựng đơn vị và gìn giữ hoà bình nơi phân khu đóng quân. |
Từ năm 2014 đến nay đã có 100 lượt cán bộ, sĩ quan Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, trong đó 37 sĩ quan đã hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, một đội công binh gồm 290 người (trong đó có 38 nữ giới) của Việt Nam cũng đã hoàn tất công tác chuẩn bị và sẵn sàng tham gia gìn giữ hòa bình LHQ từ năm 2020. Nỗ lực của các chiến sĩ gìn giữ hòa bình Việt Nam được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao: 2 sĩ quan Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá bằng văn bản là đã "hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ", thuộc top 2% trong tổng số 90.000 sĩ quan thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trên toàn thế giới nhận được đánh giá này. |
Thêm 7 sĩ quan Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc Việt Nam có kinh nghiệm, có khả năng và luôn sẵn sàng cho việc tham gia thúc đẩy giải quyết các vấn đề hòa bình, ... |
Chặng đường 5 năm gìn giữ hòa bình mang tên Việt Nam TĐO - Việt Nam vừa trúng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc với số phiếu kỷ lục 192/193. Một trong những yếu ... |
Việt Nam chuẩn bị cử Đội Công binh tiếp tục tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành về việc Việt Nam tham gia hoạt ... |