Chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường phản ánh sự tiếp xúc tốt đẹp, tích cực giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Trung Quốc
Theo Giáo sư Thành Hán Bình, chuyến thăm có thể là cơ hội để hiểu rõ hơn về Việt Nam thông qua tiếp xúc, kết nối nhu cầu phát triển của cả hai bên. Mặt khác, sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Trung Quốc vào tháng 8 vừa qua, với tư cách là lãnh đạo đứng thứ hai trong Ban lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, chuyến thăm Thủ tướng Lý Cường phản ánh sự trao đổi, tiếp xúc tốt đẹp và tích cực giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Điều này cũng thể hiện trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, hai nước cần cùng nhau ứng phó với các mối đe dọa và bất ổn, đồng thời xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Ảnh tư liệu: Trí Dũng/TTXVN |
Đánh giá về ý nghĩa của chuyến thăm, nhà nghiên cứu về Việt Nam Thành Hán Bình cho rằng trước hết, cuộc tiếp xúc cấp cao này sẽ thúc đẩy hơn nữa sự tin cậy chiến lược lẫn nhau và củng cố cơ sở hợp tác giữa hai bên. Nếu không có sự tin tưởng lẫn nhau thì sẽ không có sự hợp tác tốt đẹp. Thứ hai, Thủ tướng Lý Cường đã từng giữ chức vụ quan trọng ở nhiều khu vực phát triển ở Trung Quốc như Giang Tô, Thượng Hải…, đồng thời có kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Vì thế, những kinh nghiệm này sẽ được chia sẻ với bạn bè Việt Nam và sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác toàn diện giữa hai bên trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Thứ ba, đây cũng sẽ là định hướng quan trọng cho quan hệ Trung Quốc - Việt Nam, không những thúc đẩy trao đổi, hợp tác giữa hai nước ở mọi cấp độ, đặc biệt là việc nâng cấp chất lượng và kết nối các lĩnh vực kinh tế, thương mại, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch, giao lưu nhân dân giữa hai nước, đưa những nội dung hợp tác này lên một tầm cao mới.
Giáo sư, Tiến sĩ Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam, Đại học Công nghiệp Chiết Giang (Trung Quốc). Ảnh: TTXVN phát |
Giáo sư Thành Hán Bình khẳng định Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng, núi liền núi sông liền sông, tình hình đất nước tương đồng, văn hóa tương thông, đều là các nước xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Do đó, hai nước còn nhiều dư địa để tăng cường hợp tác.
Về mặt kết nối, hai bên đang phối hợp xây dựng đường sắt tại Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài có lợi thế về kỹ thuật và tài chính, Trung Quốc còn có kinh nghiệm phong phú và nhân viên thi công giàu kinh nghiệm. Trước đó, tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc - Lào và đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung (Indonesia) đã tạo được danh tiếng tốt trong lòng người dân địa phương.
Về hợp tác xây dựng đảng, hai bên đang thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này ở nhiều bộ phận khác nhau, mục đích cơ bản là chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực cầm quyền, đây cũng là sáng kiến “cùng tham khảo, cùng chia sẻ, cùng xây dựng” mà Trung Quốc đưa ra.
Về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, Trung Quốc vừa tổ chức thành công Hội chợ triển lãm Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm Việt Nam chinh phục thị trường Trung Quốc. Trung Quốc là một thị trường khổng lồ với 1,4 tỷ dân, có vị trí địa lý giáp Việt Nam, nên có tiềm năng trở thành thị trường tiêu thụ vô hạn đối với các sản phẩm của Việt Nam như trái cây…
Về trao đổi văn hóa, Giáo sư Thành Hán Bình cho biết Trung tâm nghiên cứu Việt Nam đang xây dựng Kế hoạch trao đổi và hợp tác với Viện Khoa học xã hội Việt Nam trong năm 2025, qua đó thúc đẩy tình hữu nghị, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và phát huy vai trò học giả trong tình hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam.
Theo Baotintuc.vn
https://www.vietnamplus.vn/y-nghia-chuyen-tham-viet-nam-lan-dau-tien-cua-thu-tuong-trung-quoc-ly-cuong-post982650.vnp