Chuyển giao, hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện mô hình cung cấp thông tin về nhân quyền, đối ngoại
Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo, cán bộ các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo công tác nhân quyền; cán bộ phụ trách công tác thông tin đối ngoại 26 tỉnh, thành phố; các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại về quyền con người diễn ra tại Hòa Bình ngày 7/12/2023. |
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông (BTTTT), việc bảo đảm và phát huy quyền con người ở Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm thực hiện từ khi lập quốc, nhất là từ khi Đảng khởi xướng công cuộc Đổi mới đến nay. Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, dành nguồn lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, bảo đảm quyền con người và qua đó, từng bước xác lập vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào việc bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền ở bình diện toàn cầu. Biểu hiện rõ ràng nhất là việc Việt Nam đã được bầu với số phiếu cao và đang có nhiều đóng góp với tư cách Thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại về quyền con người tại Hòa Bình là hội nghị tập huấn thứ 3 trong năm 2023 triển khai trực tiếp Đề án 1079 tới các lực lượng làm công tác nhân quyền và TTĐN các tỉnh, thành. Trước đó, Bộ TTTT đã tổ chức Hội nghị tại Quảng Nam cho 19 tỉnh miền Trung, và tại Kon Tum cho 19 tỉnh Tây Nguyên, Nam bộ. Hội nghị ngày 7/12 sẽ hoàn thành việc hướng dẫn việc triển khai Đề án 1079 đến toàn bộ 63 tỉnh, thành phố toàn quốc theo đúng kế hoạch đề ra. Hội nghị được diễn ra vào một thời điểm rất có ý nghĩa, khi toàn cầu đang diễn ra các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948-10/12/2023). |
Công tác truyền thông về quyền con người đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại của đất nước. Tại Chỉ thị số 44-CT/TW về công tác nhân quyền trong tình hình mới và Kết luận số 46-TB/TW ngày 06/02/2018 của Bộ Chính trị đã xác định rõ yêu cầu cần “đổi mới tư duy, chủ động đẩy mạnh, mở rộng phạm vi, đa dạng hóa hình thức, nội dung thông tin, tuyên truyền để tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là thông tin, tuyên truyền đối ngoại về thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam; chủ động, kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch về tình hình nhân quyền ở nước ta”. Trên nhận thức đó, ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1079/QĐ-TTg phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028 trong đó tiếp tục khẳng định quan điểm trong công tác thông tin, truyền thông về quyền con người là “lấy xây để chống, trong đó xây là chính”.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền cho biết: Thời gian qua, các thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc tình hình thực tế tại Việt Nam như: thiếu quyền tự do báo chí, tự do tín ngưỡng tôn giáo, vi phạm dân chủ nhân quyền... vì thế cần có thêm các biện pháp linh hoạt, chủ động trong công tác truyền thông về quyền con người. Công tác truyền thông về quyền con người đã góp phần tích cực phản bác được thông tin xấu độc; truyền thông tương đối toàn diện những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong bảo đảm về quyền con người.
PGS. TS Lê Hải Bình, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, PGS. TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương cho rằng: Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc thông tin về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, một số thông tin còn bị động, chậm, sản phẩm thông tin chưa thực sự phù hợp. Trong khi đó, các thế lực thù địch không ngừng chống phá tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà chúng ta đang tiến hành bằng nhiều hình thức ngày càng tinh vi, đặc biệt qua mạng internet và mạng xã hội. Nhiều báo cáo trong lĩnh vực tôn giáo, nhân quyền của các tổ chức quốc tế không thiện chí với Việt Nam chưa khách quan...
PGS. TS Lê Hải Bình nhấn mạnh, thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa năng lực dự báo; tăng cường phối hợp trao đổi thông tin; nêu cao tinh thần chủ động trong việc cung cấp thông tin về các mặt tích cực. Đồng thời, phát huy đầy đủ vai trò của các cơ quan chuyên trách về công tác nhân quyền; đa dạng hóa công tác thông tin tuyên truyền; tổ chức các hội nghị tập huấn với những nội dung thiết thực, trao đổi kinh nghiệm để làm tốt hơn. Tâm thế của người làm công tác thông tin đối ngoại phải tự tin, có nhận thức đầy đủ, mạnh dạn đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.
Chia sẻ về các giải pháp giải góp phần giải quyết những hạn chế, tồn tại, ông Đinh Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Cần có cơ chế cung cấp thông tin nhanh nhất cho các cơ quan báo chí để có thông tin, tư liệu kịp thời, toàn diện phản bác lại các luận điệu của thế lực thù địch. Các địa phương vẫn cần khắc phục hạn chế cung cấp thông tin chậm, né tránh báo chí, gây ra khủng hoảng truyền thông. Đặc biệt, cần tăng cường tập huấn thông tin, đưa phóng viên đi cơ sở để nắm bắt thông tin, từ đó báo chí sẽ phản ánh chính xác tình hình ở cơ sở. Ngoài ra, cần "đặt hàng" các cơ quan báo chí, truyền thông, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tác nghiệp và cho ra các sản phẩm báo chí chất lượng cao về quyền con người; tăng cường hợp tác truyền thông thông qua các hoạt động truyền thông quốc tế; tổ chức giải thưởng truyền thông về quyền con người...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe thông tin về tình hình thế giới, khu vực, thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại về quyền con người, công tác truyền thông chính sách; cập nhật tình hình và yêu cầu đặt ra đối với công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người trong thời gian tới.
Hội nghị cũng phổ biến, quán triệt các nội dung của Kết luận 57, Đề án Truyền thông về quyền con người theo Quyết định số 1079/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng ngày, Hội nghị cũng tổ chức Hội nghị mẫu cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại và chuyển giao, hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện mô hình này ở cấp tỉnh - Trao đổi kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc, ghi nhận các kiến nghị, đề xuất từ quá trình thực tiễn triển khai Đề án 1079 ở các địa phương.
Đại biểu tại các địa phương cũng trao đổi, thảo luận tập trung vào các nội dung chính: chia sẻ kinh nghiệm, kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai công tác thông tin đối ngoại về quyền con người, các kiến nghị, đề xuất nói chung về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác nhân quyền, công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại về vấn đề quyền con người.
Việt Nam hợp tác, xây dựng lòng tin để đảm bảo quyền con người Việt Nam ủng hộ hoạt động của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. |
Việt Nam đưa sáng kiến thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva vừa tổ chức Tọa đàm quốc tế về thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng và đưa ra phát biểu chung về chủ đề này với sự đồng bảo trợ của đông đảo các nước trong khuôn khổ Khóa họp 54 Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc. Đây là hai sáng kiến nằm trong chuỗi các sáng kiến và đóng góp của Việt Nam với tư cách thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025. |