Chuyên gia TQ: SM-3 vô dụng trước mọi tên lửa Trung Quốc
Theo tờ People's Daily, Mỹ và Nhật Bản đã thực hiện thành công vụ phóng thử tên lửa đánh chặn ngoài khơi quần đảo Hawaii hôm 3/2.
Trong cuộc thử nghiệm, tàu khu trục USS John Paul Jones đã tiêu diệt mục tiêu giả định - một tên lửa đạn đạo - bằng cách phóng tên lửa đánh chặn Standard Missile-3 (SM-3) Block IIA.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Trung Quốc Yang Chengjun cho rằng, hệ thống vũ khí mới của Nhật Bản không đủ khả năng đe dọa Trung Quốc.
Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA), Bộ Quốc phòng Mỹ (MoD) và kíp thủy thủ trên tàu khu trục USS John Paul Jones (DDG 53) đã thực hiện thành công vụ thử nghiệm hôm 3/2. Ảnh: MDA
Giới quan sát quân sự Trung Quốc cho rằng tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA, cùng với hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đang thiết lập phạm vi phòng thủ rộng lớn hơn để đối phó Trung Quốc và điều này sẽ đe dọa an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
"Trung Quốc luôn cho rằng vấn đề phòng thủ tên lửa sẽ tác động đến sự ổn định chiến lược toàn cầu và sự tin cậy lẫn nhau giữa các nước lớn nên cần phải được tiếp cận thật cẩn trọng" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang nêu quan điểm trong cuộc họp báo hôm 6/2.
"Chúng tôi kịch liệt phản đối Mỹ và Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc" - ông Lu tuyên bố.
Một chuyên gia Nga đã nhận định rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ thực chất là nhằm đối phó với khả năng răn đe hạt nhân của Nga và Trung Quốc.
Mỹ, Nhật Bản thử thành công tên lửa đánh chặn SM-3
Bình luận về vụ thử nghiệm này, ông Yang Chengjun - chuyên gia tên lửa Trung Quốc - cho rằng một khi hoàn tất, quá trình nâng cấp và triển khai hệ thống SM-3 sẽ thúc đẩy chủ nghĩa quân phiệt tại Nhật Bản và đe dọa hòa bình, cũng như sự ổn định trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo hãng thông tấn Kyodo News, Washington và Tokyo đã thảo luận về hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tới Nhật Bản. Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật còn nhấn mạnh rằng, hệ thống SM-3 sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo của nước này.
Tuy nhiên, theo ông Yang, "hệ thống SM-3 không thể đánh chặn bất cứ tên lửa nào của Trung Quốc trong thực chiến".
Trong khi đó, Shunzi Taoka - chuyên gia quân sự Nhật Bản cho rằng đối với Washington, mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc quan trọng hơn mối quan hệ với Nhật.
Theo ông Taoka, trong khi Nhật mơ mộng rằng có thể "bao vây" Trung Quốc nhờ sự trợ giúp của Mỹ thì Washington lại trao cho Bắc Kinh một cái ôm ấm áp.
QS